Chuyện của Ozil
Mùa 2013/14, Arsene Wenger phá kỷ lục chuyển nhượng, chi tới 42,5 triệu bảng đem Mesut Ozil từ Real Madrid về Arsenal. Đầu mùa, tiền vệ người Đức tỏa sáng, đóng góp rất lớn vào lối chơi và đã có lúc đưa Arsenal chễm chệ trên ngôi đầu bảng Premier League gần hết giai đoạn lượt đi.
Tôi gặp khó khăn trong việc thích ứng với khí hậu mùa Đông nước Anh, đặc biệt là phải cày ải với mật độ 3 trận/ tuần vào dịp Giáng sinh, năm mới khiến bản thân như quả bóng xì hơi khi bước vào lượt về
“Bản hợp đồng thành công nhất lịch sử”, “Truyền nhân của Bergkamp”, “Vị cứu tinh của Emirates”, “Cuối cùng chúng ta đã có nhân tố đủ sức mang về chức vô địch” là những mỹ từ được báo chí xứ Sương mù dành cho Ozil.
Nhưng, đường dài mới biết ngựa hay! Sau Giáng sinh, phong độ của Ozil rớt thảm hại, cùng với đà xuống dốc của Arsenal từ số 1 xuống số 2, rồi số 3, cuối cùng an vị ở vị trí thứ 4 “quen thuộc”.
Phong độ của Ozil nửa cuối mùa giải tệ hại đến mức, đã có thời điểm rộ lên tin đồn anh sẽ bị HLV trưởng ĐT Đức Joachim Loew loại khỏi danh sách dự VCK World Cup 2014. Từ khen ngợi, khán giả Emirates – bị báo chí định hướng – quay ra công kích Ozil dữ dội.
Chuyện của Sanchez
Ngày Sanchez ra mắt Arsenal, anh lập tức được gán cho cái mác “người kế tục Thierry Henry” bởi phong cách thi đấu dùng tốc độ, kỹ thuật, sự lắt léo, và cùng bởi gạch nối Barcelona (Henry chuyển từ Arsenal sang Barca, còn Sanchez theo chiều ngược lại).
Thậm chí, tờ Guardian còn thay HLV Wenger dự báo luôn tương lai của Sanchez tại Emirates. Theo đó, anh sẽ được chuyển từ cánh vào trung tâm và sẽ trở thành một “sát thủ của mọi hàng phòng ngự” như cách mà HLV Wenger từng thành công với nhiều cầu thủ, từ Henry, Anelka, đến Robin van Persie.
Không thể phủ nhận tài năng của Sanchez! Rời Chile sang châu Âu lúc mới 20 tuổi (thực ra anh ký hợp đồng với Udinese năm 18 tuổi, nhưng 2 năm kế tiếp vẫn ở lại Nam Mỹ chơi cho Colo Colo và River Plate theo dạng cho mượn), cầu thủ sinh năm 1988 là một trong những cái tên đáng chú ý nhất Serie A.
Ngày 27.02.2011, Sanchez ghi 4 bàn trong thắng lợi 7-0 trước Palermo tại Coppa Italia, dù bản thân chỉ chơi 52 phút trong trận đó (trung bình 13 phút/bàn). Chiến tích này giúp Sanchez vượt qua kỷ lục ghi bàn của 2 tiền bối Chile huyền thoại tại Italia là Marcelo Salas và Ivan Zamorano.
Mùa kế tiếp, anh hợp cùng Di Natale thành cặp tiền đạo hiệu quả bậc nhất lịch sử Serie A – ghi 39 bàn toàn mùa, chỉ kém 2 bàn so với thành tích của bộ đôi hay nhất lịch sử Alex Del Piero - David Trezeguet (41 bàn mùa 2007/08). Sanchez cũng vượt qua Bale, Neymar, Pastore, Ganso và Poli trở thành cầu thủ trẻ ấn tượng nhất của FIFA.
Tài năng của cầu thủ Chile là không thể phủ nhận. Nhưng vấn đề là anh sẽ đương đầu ra sao với sức ép, trước hết là từ giá chuyển nhượng khổng lồ Arsenal đã chi ra. Trong 8 năm, giá trị của anh tăng hơn 20 lần.
Năm 2006, Udinese chỉ mất 1,6 triệu bảng để có được Sanchez từ Cobreloa. 5 năm sau, Sanchez đã buộc Barca phải “móc túi” 25 triệu bảng rước anh về Nou Camp (tăng hơn 15 lần). Và đến năm nay là con số 35 triệu bảng ! Tuy nhiên, đó chỉ là 1 sức ép.
Thứ 2, Sanchez làm sao để vượt qua quãng thời gian kinh hoàng 3 trận/tuần vào dịp Giáng sinh và năm mới, hay lại bước vào vết xe đổ mà Ozil để lại trong giai đoạn này.
Liệu Alexis Sanchez sẽ là một “Henry mới” của Emirates, hay sẽ là ... Antonio Reyes, một cầu thủ cũng đến từ Tây Ban Nha rồi ra về không kèn không trống ?
(Bài viết theo quan điểm bạn đọc: Huyền Châu)