Nếu là một tín đồ của tựa game quản lý bóng đá Football Manager, chắc hẳn bạn sẽ rất quen thuộc với những công việc của một HLV bóng đá, trong đó nổi bật là việc thực hiện các thương vụ mua bán cầu thủ. Trước hết chúng ta phải trinh sát cầu thủ mục tiêu, kiểm tra số liệu thống kê và thống nhất ngân sách. Sau đó là lắng nghe ý kiến từ nhân viên và BLĐ rồi cuối cùng là thương lượng giá cả với CLB chủ quản cũng như điều khoản cá nhân với cầu thủ.
Mọi thứ diễn ra dường như khá dễ dàng nhưng trong thực tế, từ lúc nhắm đến một cầu thủ mục tiêu đến lúc bản hợp đồng chuyển nhượng được hoàn tất là cả một quá trình phức tạp và cân não gấp nhiều lần trong thế giới game.
Bước 1: Tuyển trạch cầu thủ (Scouting)
Tuyển trạch cầu thủ tiềm năng là một công việc bí ẩn nhưng lại là nhân tố quan trọng của một thương vụ. Công việc mang tính do thám này giúp cho bạn đảm bảo về chất lượng cầu thủ cũng như tính khả thi cao của một bản hợp đồng mới.
Tuyển trạch viên bóng đá là một ngành công nghiệp khổng lồ. Những tuyển trạch viên truyền thống thường xuất hiện trong các trận đấu bóng đá cấp trường học, quan sát và đưa ra nhận định chủ quan từ khán đài, sau đó tổng hợp và gửi về cho CLB. Nhưng tuyển trạch viên kiểu cổ điển như thế này ngày càng ít đi vì áp lực công việc cao mà đồng lương của họ lại khá bèo bọt (4-10 bảng Anh/1 giờ làm việc).
Để thay thế dần sức người trong công tác tuyển trạch, trinh sát cầu thủ, ngày nay, người ta đã tạo ra những phần mềm máy tính để thu thập các số liệu phân tích, thống kê chi tiết về mỗi cầu thủ, và chương trình đang được nhiều CLB ưa thích hiện nay là Scout7. Sau mỗi trận đấu, những video quay lại chi tiết các tình huống trên sân sẽ được tải lên Scout7 trong vòng 2-5 phút, và các HLV, tuyển trạch viên, nhà quản lý có thể dễ dàng tải về cũng như xem các băng ghi hình ngay tại phòng làm việc hay nhà riêng.
Nhờ có những phần mềm như Scout7, các tuyển trạch viên tốn ít thời gian đến sân hơn và thay vào đó, họ tập trung thời gian để trò chuyện với đại diện của cầu thủ, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với gia đình của mục tiêu tiềm năng. Tất cả mọi việc cần phải được tiến hành một cách nhanh chóng, êm thấm, nếu không những cầu thủ trẻ sẽ dễ dàng bị các kình địch khác cuỗm đi.
Bước 2: Ra giá (Bid)
Ed Woodward sẽ có một mùa Hè đầy bận rộn trên thị trường chuyển nhượng.
Khi một cầu thủ đã được xác định là mục tiêu thì công việc tiếp theo là đưa ra một lời đề nghị chuyển nhượng (hoặc cho mượn) đến CLB chủ quản của cầu thủ mục tiêu.
Cách đơn giản nhất để gửi đi một lời đề nghị là sử dụng máy fax, sau đó, đề nghị chuyển nhượng sẽ được CLB chủ quản xem xét và thương lượng. Mặc dù đây là phương pháp giao tiếp trực quan và dễ dàng nhất nhưng việc fax văn bản chỉ được các CLB sử dụng để liên lạc với những người đại diện hoặc môi giới cầu thủ. Sau đó, những người này sẽ thương lượng hợp đồng với bên bán trong tư cách đại diện của bên mua.
Những tay môi giới cầu thủ là những chuyên gia trong việc định giá và ra giá cho những thương vụ giữa các CLB. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa bên mua và bên bán, là người thiết lập những vòng quay ổn định để các thương vụ có thể được tiến hành dễ dàng và ổn thỏa.
Bước 3: Tiếp cận cầu thủ (Tapping up)
Tại Premier League, người ta đặt ra một điều luật rằng “Nếu một cầu thủ đang thực hiện hợp đồng với một CLB thì không được quyền tiếp xúc với một CLB khác nếu chưa có sự đồng ý của CLB chủ quản”. Như vậy, về cơ bản, những hợp đồng chuyển nhượng luôn phải được thực hiện một cách tuần tự.
Nhưng trên thực tế, sự việc thường diễn ra ngược lại. Hiếm có một vụ chuyển nhượng nào mà những CLB muốn mua không liên lạc trước với đại diện của cầu thủ để dò hỏi ý kiến về việc mong muốn được ra đi và yêu cầu lương bổng cơ bản của thân chủ anh ta.
Dù chấp nhận hay phản đối, các CĐV cũng phải xem đây là thực tế và là một phần của trò chơi. Các thỏa thuận cá nhân giữa cầu thủ và CLB thường được thiết lập trước khi cả 2 CLB chấp nhận mức giá chuyển nhượng và ký kết vào hợp đồng.
Bước 4: Đàm phán (Negotiations)
Những nhà quản lý CLB sẽ đối diện với nhiều cuộc đàm phán trong suốt mùa Hè.
Cứ đến mỗi kỳ chuyển nhượng là trên các mặt báo lại ngập tràn những cụm từ như “các cuộc đàm phán sơ bộ”, “buổi thương thảo cao hơn”, “điều khoản cá nhân”,… Những cụm từ phức tạp mang đầy tính chuyên môn dễ làm cho người đọc hình dung đến hình ảnh một nhóm người quây quần quanh chiếc bàn tròn và bắt đầu một cuộc trả giá cân não. Nhưng những gì xảy ra trong thực tế lại một lần nữa khác xa những gì chúng ta nghĩ tới.
Những cuộc đàm phán về việc chuyển nhượng cầu thủ giữa các CLB thường diễn ra khá ngắn gọn và đơn giản, bắt đầu bằng việc người đại diện cầu thủ đưa ra những yêu cầu của thân chủ và sau đó, 2 CLB đưa ra những điểm thỏa thuận trong hợp đồng.
Các vấn đề thường phát sinh trong quá trình đàm phán bao gồm tiền lương, tiền thưởng của cầu thủ, các mức phụ phí cho CLB chủ quản. Thông thường, các cầu thủ ít khi tham gia vào những buổi đàm phán chính thức, thay vào đó, họ giao tất cả quyền hạn vào tay người đại diện của mình. Tuy nhiên, trước các buổi đàm phán chính thức, thường sẽ có một cuộc gặp gỡ nhỏ giữa cầu thủ và HLV trưởng của đội bóng họ dự định chuyển đến nhằm làm rõ những khúc mắc về khả năng ra sân, mức độ phù hợp với chiến thuật của CLB mới. Nếu như cả 2 bên không tìm được một tiếng nói chung, nhiều khả năng cuộc đàm phán sẽ đi đến bế tắc.
Bước 5: Sự cân nhắc của cầu thủ (Players’ dilemma)
Nếu như trong những thời kỳ trước, số phận của các cầu thủ phụ thuộc hoàn toàn vào sự quyết định của CLB chủ quản thì ngày nay, họ lại chính là người nắm giữ chìa khóa của mỗi thương vụ chuyển nhượng.
Công bằng mà nói, khi đặt bút ký một bản hợp đồng với CLB mới, cầu thủ sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn như rào cản ngôn ngữ (nếu cầu thủ ra nước ngoài thi đấu), hòa nhập cùng đồng đội mới, hệ thống chiến thuật mới và đôi khi là vị trí thi đấu mới,… Và trong số những yếu tố khiến cho các cầu thủ phải cân nhắc đó chính là tiền lương. Ai cũng biết sự nghiệp cầu thủ thường chỉ kéo dài khoảng 20 năm đổ lại nên họ cần có một sự ổn định và bảo đảm về tài chính. Mỗi quyết định sai lầm sẽ khiến các cầu thủ phải trả giá bằng cả sự nghiệp của mình.
Bước 6: Những nhà môi giới/đại diện cầu thủ (The agents)
Siêu cò Jorge Mendes (đeo kiếng đen) – một trong những người đại diện quyền lực nhất thế giới bóng đá.
Trong bóng đá hiện đại, nghề “môi giới (hoặc đại diện) cầu thủ” đang là một ngành nghề ăn nên làm ra khi các vụ chuyển nhượng ngày càng tăng nhưng nhóm người hành nghề môi giới cầu thủ lại thường bị chỉ trích là kẻ thù của bóng đá.
Sự thật không phải như vậy, người môi giới/đại diện cho cầu thủ là thành phần rất quan trọng của mỗi CLB, đặc biệt là trong thời gian chuyển nhượng mùa Hè và mùa Đông. Bằng cách sử dụng những tay môi giới cầu thủ, các CLB có thể dễ dàng tiếp cận được mục tiêu mà mình muốn mua và ngược lại, họ cũng có thể tìm kiếm các CLB thích hợp để bán những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch. Chính vì điều này, những tay môi giới đã liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới toàn cầu bao phủ hầu hết các nền bóng đá lớn nhỏ, qua đó, đưa ra một công cụ hữu ích cho những nhà quản lý bóng đá trong công cuộc săn đầu người.
Ở một góc khác, người đại diện là nhân tố đảm bảo cho sự tập trung của các cầu thủ vào bóng đá. Bởi lẽ, khi ký kết một hợp đồng với người đại diện, tức là cầu thủ đã trao toàn bộ quyền hành đàm phán, thương thảo với các CLB cho người đại diện của mình. Và nhiệm vụ của một người đại diện giỏi là nắm rõ được những nhu cầu của thân chủ, sau đó sử dụng tài thương thuyết để thuyết phục các CLB đồng ý những điều khoản cá nhân của các cầu thủ.
Bước 7: Truyền thông (The media)
Mỗi khi đến kỳ chuyển nhượng, bạn luôn phải đau đầu với vô số tin vịt từ truyền thông.
Mối quan hệ giữa các cơ quan truyền thông với những người mong ngóng thông tin trong thời gian chuyển nhượng luôn tồn tại hai mặt yêu – ghét. Là yêu khi truyền thông cung cấp đến độc giả những thông tin chuyển nhượng chính xác và tin cậy nhưng là ghét khi các tin đồn về chuyển nhượng tràn ngập trên mặt báo. Thường thì cánh nhà báo có được những thông tin chuyển nhượng từ giới đại diện cầu thủ nhưng đôi khi từ các nguồn khác. Thời gian chuyển nhượng là thời gian ăn nên làm ra của cánh lái xe taxi tại sân bay khi họ có thể nắm giữ thông tin cầu thủ nào đến, cầu thủ nào đi.
Bước 8: Kiểm tra y tế và cấp giấy phép lao động (The medical & the work permit)
Buổi kiểm tra y tế được tổ chức rất khoa học và kỹ lưỡng.
Rào cản cuối cùng trong mỗi cuộc thương thảo là buổi kiểm tra y tế. Đối với những CLB ở Anh, cuộc kiểm tra y tế được tiến hành rất chặt chẽ và gắt gao, nó được thực hiện cả trên sân tập và trong phòng khám với những dụng cụ hiện đại và tối tân. Sau khi vượt qua được buổi kiểm tra y tế, cầu thủ đã nắm chắc 99% gia nhập CLB mới. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các CLB tiến hành mua bán cầu thủ mà bỏ qua bước kiểm tra y tế, đó có thể là vì lý do không còn thời gian hoặc là vì cầu thủ đó đang bị dính một chấn thương.
Nếu buổi kiểm tra y tế là rào cản cuối của mỗi vụ chuyển nhượng thì giấy phép lao động lại là khâu bắt đầu và quan trọng quyết định đến việc cầu thủ có được chơi tại CLB mới hay không. Giấy phép lao động là một loại giấy tờ pháp lý bắt buộc được cấp cho các cầu thủ trên 16 tuổi và không có quốc tịch EU. Những cầu thủ sẽ được bảo lãnh bởi CLB chủ quản và đơn xin giấy phép lao động sẽ được trình lên FA. Sau đó, cơ quan này xem xét và nếu đồng ý, cầu thủ sẽ có giấy phép lao động trong vòng vài tuần. Tiêu chuẩn quan trọng để FA cấp giấy phép lao động cho một cầu thủ là họ phải thi đấu 75% số trận đấu cho đội tuyển quốc gia trong vòng 2 năm trở lại đây.
Bước 9: Kịch tính vào giờ chót (Drama)
Fellaini chỉ đến MU vào những thời khắc cuối cùng của kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2014.
Mặc dù có hẳn 3 tháng (kỳ chuyển nhượng mùa Hè) hoặc 1 tháng (kỳ chuyển nhượng mùa Đông) để thực hiện việc thương thảo các bản hợp đồng nhưng tại sao luôn có những thương vụ chỉ được chốt vào giờ chót của kỳ chuyển nhượng? Có thể một số CLB ưa thích sự kịch tính nhưng một số khác lại phải phụ thuộc vào những bản hợp đồng dây chuyền, ví dụ như Everton chỉ chịu ký hợp đồng với Gareth Barry vào giờ cuối của kỳ chuyển nhượng sau khi đã để mất Marouane Fellaini vào tay MU, hay Liverpool nhắm mắt làm liều với Andy Carroll vì đã bán Torres cho Chelsea.
Ngoài ra, những cơn khủng hoảng chấn thương đột ngột cũng là yếu tố đẩy các CLB vào trạng thái bị động và nếu không bổ sung gấp lực lượng trong giờ cuối cùng thì họ sẽ phải đối mặt với mùa giải khó khăn. Tất nhiên, với những CLB thực hiện các vụ chuyển nhượng ở thời khắc chuẩn bị đóng phiên chợ thì họ phải hành động nhanh chóng, dứt khoát để định đoạt mọi thứ.
Bước 10: Bản hợp đồng đã hoàn tất (Done deal!)
Cười lên nào, giờ bạn đã là thành viên mới của đội bóng!
Tới giai đoạn này, cả cầu thủ và 2 CLB đều đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Công việc còn lại chỉ là ký tên, đóng dấu vào bản hợp đồng mới. Sau đó, giải quyết một số giấy tờ pháp lý nho nhỏ với BTC và FA. Cuối cùng, hãy cười lên nào, bạn đã có một cầu thủ mới trong đội hình rồi đấy!