Không để xảy ra tiêu cực
Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 của tỉnh cho biết để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng, khách quan, tỉnh đã cho thành lập ban chỉ đạo thi ở từng huyện.
Trong kỳ thi năm 2018, Hà Giang đã rất cố gắng, chuẩn bị, tổ chức tốt công tác cơ sở vật chất, đề thi đến coi thi, nhưng vấn đề lại xảy ra ở công tác chấm thi. Do đó, sau kỳ thi, tỉnh đã đánh giá lại, tìm ra những kẽ hở để khắc phục.
“Chúng tôi rà soát từng thành viên trong ban chỉ đạo. Thành viên nào liên quan đến năm trước hay có vấn đề, sẽ không dùng nữa. Đối với những giáo viên tham gia công tác coi thi của tỉnh, chúng tôi cũng rà soát. Những giáo viên tham gia coi thi phải là người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt”, ông Quý thông tin. Theo ông Quý, với bài học của năm 2018, tỉnh sẽ không để những tồn tại của năm trước diễn ra, quyết tâm tổ chức kỳ thi năm nay hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực.
Tại đầu cầu Sơn La, ông Phạm Văn Thủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cho biết năm nay, tỉnh Sơn La có hơn 10.000 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT đã phân công 6 trường ĐH làm công tác coi và chấm thi tại tỉnh này.
Tỉnh Sơn La đã thực hiện nghiêm túc quy chế và quy trình thi do Bộ GD&ĐT ban hành. Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, tài chính cho kỳ thi năm nay đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Bộ trưởng cũng nói phải xác định rõ nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho từng người, nội dung này tỉnh đã làm rất chặt chẽ và đẩy đủ, rất đúng trong 2 năm vừa qua.
Ông Thủy cũng đề nghị Bộ trưởng căn cứ số thí sinh để tăng cường giảng viên coi thi ở địa phương, vì tỉnh gặp khó khăn nếu tự đề nghị với các trường. Ông Thủy cũng cam kết: “Sơn La tự hứa là năm nay sẽ quyết tâm thực hiện tốt kỳ thi THPT quốc gia”.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Trọng Đắc cho biết tỉnh đã chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 theo đúng lịch của Bộ GD&ĐT. Về cơ sở vật chất phục vụ cho kỳ thi, cán bộ coi thi, tỉnh cũng có chuẩn bị đầy đủ. Năm 2019, Hòa Bình có 8.993 thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay ở 33 điểm, hiện đã hoàn thành nhiều khâu chuẩn bị theo tiến độ được giao. Mong được Bộ hỗ trợ để tổ chức tốt kỳ thi.
Nặng về thành tích sẽ có vấn đề
Nói về công tác tổ chức thi, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng từ trước tới nay chúng ta vẫn bị áp lực trong quá trình thi. Tâm lý của các trường cố gắng thoát khỏi tâm lý thành tích một cách thuần túy. Nếu nặng về thành tích thì quá trình điều hành công việc sẽ có vấn đề. Bộ cũng phải quán triệt sâu trong ngành của mình về vấn đề này.
Theo ông Hậu, nếu gây áp lực thành tích là gây áp lực cho học sinh. Có 2 yếu tố gây áp lực cho học sinh là nhà trường và phụ huynh. Ông Hậu cho rằng nhất định không được để xảy ra tiêu cực trong kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, lực lượng chấm thi, coi thi phải chọn. Nhưng lãnh đạo các trường, sở chọn là chính. Còn ở cấp tỉnh không thể chọn được.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tuyệt đối không được “tí tẹo nâng”, tất cả các khâu phải nghiêm túc, nghiêm minh đúng quy trình, không được du di. Đề thi, công nghệ để kiểm soát kỳ thi do ban chỉ đạo thi quốc gia phải chịu trách nhiệm. Ở địa phương, Bộ trưởng đề nghị làm tốt các khâu: công tác tổ chức coi thi, phải chọn ra những thầy cô có trách nhiệm, phẩm chất, am hiểu quá trình coi thi. Thứ hai chấm thi, phải làm nghiêm túc, chặt chẽ nghiêm ngặt. Thứ ba là tăng cường thanh tra, kiểm tra. Ở địa phương vừa qua đâu đó làm chưa tốt. Đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh tổ chức kỳ thi và làm tốt công tác hậu cần.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chuẩn bị và tinh thần quyết tâm của các địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác tổ chức thi, tuyển sinh, đảm bảo kỳ thi diễn ra nhẹ nhàng, công bằng, khách quan, nghiêm túc. “Tuy nhiên, dù công tác chuẩn bị chu đáo đến mấy nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Bất cứ sự chủ quan nào đều có nguy cơ dẫn đến sai sót và ảnh hưởng chung đến cả hệ thống”, Bộ trưởng nói.
Người đứng đầu ngành giáo dục đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra toàn diện các khâu, các bước trong quy trình tổ chức thi và tuyển sinh. Việc này để đảm bảo từng việc trong quy trình được thực hiện đầy đủ, chính xác, đúng quy chế; tránh bỏ sót tạo ra nguy cơ xảy ra sai phạm.
Thời gian diễn ra chính thức kỳ thi THPT quốc gia 2019 chỉ còn hơn một tháng, do đó Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia, các đơn vị phối hợp và các địa phương tập trung cao độ để hoàn thành tốt các công tác chuẩn bị cho kỳ thi. Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh trao chỉ đạo các nhà trường tổ chức tư vấn tâm lý và chuẩn bị ôn tập tốt cho học sinh, đảm bảo kỳ thi diễn ra đúng mục tiêu “giảm áp lực cho thí sinh, an toàn, khách quan, công bằng”.