Campbell không phải là một người con của Tottenham. Anh sinh ra ở Plaistow, có bố mẹ là người Jamaica và lớn lên cùng đội trẻ West Ham. Vì vậy, thật khó để coi Campbell là một phần máu thịt của con phố "Bảy chị em" nổi tiếng cắt ngang sân White Hart Lane.
Tottenham trong thập niên 90 là một tập thể ô hợp. Họ là ứng viên thường trực cho suất… xuống hạng, luôn đứng ở nhóm cuối BXH và đổi HLV như vua Henry VIII thay vợ.
Cho đến khi Campbell xuất hiện. Anh đứng lên đòi quyền lợi cho giới cầu thủ da màu tại dải đất xứ sương mù, mang tinh thần của một nhà cách mạng vào trò chơi và thay đổi số phận của CLB. Năm 1999, Campbell là cầu thủ da màu đầu tiên đeo băng đội trưởng trong một trận chung kết (League Cup) và tự hào đứng trên bục podium giương cao chiếc Cúp ấy (thắng Leicester).
Mùa giải sau đó, Campbell bước vào 12 tháng cuối cùng trong hợp đồng cũ. Anh luôn khẳng định vẫn sẽ ở lại Bắc London và sẽ không lợi dụng luật Bosman để chuyển tới một đội bóng lớn ở châu Âu.
Tháng 03/2000, Campbell ký nhớ hợp đồng với Tottenham. Giao kèo này sẽ kéo dài trong 3 mùa giải, với phí giải phóng hợp đồng là 20 triệu euro. Hai tháng sau, khi tới hạn chốt điều khoản, Campbell bất ngờ "lật kèo". Anh tuyên bố đã có đích đến tiếp theo trong sự nghiệp và bầu không khí trong phòng làm việc đang từ vui tươi chuyển sang hận thù. Phó chủ tịch David Buchler đã không giữ được sự bình tĩnh và hét lên: "Nhìn bọn tôi nực cười lắm à? Không thể chấp nhận loại người như cậu".
Các CĐV Tottenham sợ rằng Campbell sẽ tới những đội bóng lớn. Lúc đó, Barca, Real và Liverpool đều vào cuộc và theo đuổi Campbell. Nhưng kỳ thực, Campbell vẫn giữ đúng lời hứa ở lại Bắc London. Anh chỉ thay đổi số nhà, từ Tottenham sang… Arsenal - đối thủ không đội trời chung của Spurs.
Những tình tiết giật gân chưa dừng lại ở đấy. Theo điều tra của các nhà báo, Campbell tới Arsenal không chỉ vì lý do được chơi ở Champions League. Bởi thực ra, tầm vóc và trình độ của anh khi ấy kiểu gì cũng sẽ được chơi cho một đội đá Châu Âu.
Vấn đề ở chỗ, Campbell cực kỳ thích ăn bánh mỳ nướng kiểu Pháp. Đích thân Arsene Wenger và con trai của phó chủ tịch David Dein - một du học sinh Pháp, đã mời Campbell tới nhà dùng bữa và ăn món khoái khẩu của trung vệ này.
Có lý do để tin rằng, hợp đồng giữa hai bên được thỏa thuận từ trước. Bởi đúng ba ngày sau khi TTCN mùa hè mở cửa, Campbell đã có mặt ở London Colney. Hơn 200 phóng viên và nhà báo xuất hiện ở buổi họp báo công bố tân binh của Pháo thủ nhưng kinh khủng hơn, hơn 3000 CĐV Tottenham đã tụ tập ở cổng khu huấn luyện đòi "cắt tiết" Campbell. Tottenham đã đưa Campbell tới ánh sáng thế giới và anh chọn cách trả ơn đội bóng ấy bằng việc chuyển qua khoác áo kình địch Arsenal. Oái ăm hơn, là vụ chuyển nhượng ấy tuyệt nhiên không đem về cho Tottenham một xu nào!
Campbell đã sợ tới mức sau ngày giải nghệ, anh tâm sự trong ba năm liên tiếp không dám bén mảng tới sân White Hart Lane (ngoại trừ các trận hai đội gặp nhau) vì sợ gặp phải điều chẳng lành. Ở Tottenham, tất cả gọi anh là Judas, là kẻ thù số 1 của đội bóng ấy.
Trên tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp, Campbell đã có những năm tháng thành công cùng Arsenal. Anh đoạt hai Premier League, 2 FA Cup và vào chung kết Champions League 2005. Chính Campbell là người ghi bàn duy nhất trong thất bại 1-2 của Arsenal trước Barca. Wenger đánh giá "Campbell là trung vệ cận chiến nhất tôi từng biết. Đủ nhanh, đủ khỏe và đủ tinh quái."
Derby Bắc London tối nay (vòng 12 Premier League) có thể không phải màn so tài chiến thuật đỉnh cao, nhưng chắc chắn là trận đấu có sức ảnh hưởng và tạo ra nhiều giá trị tinh thần. Bởi ở Emirates, hình ảnh về những cuộc xung đột giữa hai đội sẽ trải dài ở khắp các khía cạnh với nhiều hình thức thể hiện khác nhau. Từ cuộc chiến dưới sân, trên khán đài tới những ảo ảnh trong quá khứ, như câu chuyện của Sol Campbell là một ví dụ.