Anh Trần Văn Chung (SN 1992, quê Ninh Bình) làm nghề đánh giày trên phố cổ được 1 năm. Anh chia sẻ: “Nghề đánh giày khá dễ học, chỉ cần có một chút tinh tế, khéo léo và chăm chỉ là có thể hành nghề.
Tuy nhiên không phải ai cũng kiên trì theo được lâu bởi nghề này cũng đầy rẫy những cạm bẫy, nếu không vững vàng thì dễ rước họa vào thân”.
Anh Chung - thợ đánh giày ở khu vực phố cổ Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Anh Chung kể, công việc đánh giày khiến anh thường xuyên va chạm với nhiều tầng lớp. Một số thợ đánh giày vì không giữ nổi mình trước cám dỗ, đã nghe theo lời rủ rê sa vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc… |
Câu chuyện đau lòng của thợ đánh giày tên Hải (SN 1996, quê Ninh Bình) vẫn ám ảnh anh Chung đến bây giờ. Anh Chung cho biết, Hải là thanh niên hiền lành, chăm chỉ. Đặc biệt, Hải chi tiêu rất tằn tiện. Bố mẹ Hải ly hôn từ lúc anh em Hải còn nhỏ. Hai anh em ở cùng ông bà ngoại.
Khi cô em gái đỗ đại học, Hải cũng từ bỏ luôn ước mơ trở thành bác sĩ của mình đi làm thuê lấy tiền cho em ăn học. Mỗi sáng cậu đi bưng bê cho quán phở, trưa cậu xách hòm đồ nghề lang thang ở phố cổ đánh giày.
“Thu nhập của Hải cũng đủ cho em gái đóng học phí và học thêm tiếng Anh. Mỗi bữa, cậu ta chỉ dám ăn 2 chiếc bánh mỳ lót dạ rồi uống nước lọc cho qua bữa.
Thấy cậu ta ăn uống kham khổ, nhiều lần tôi mời đi ăn nhưng cậu ta không đi. Tính tình Hải tử tế như thế, vậy mà...”, đang kể, giọng anh Chung bỗng trùng xuống khi nhớ về cậu em “đồng nghiệp” thân thiết.
Ảnh: Shutterstock |
Anh Chung kể tiếp: “Cậu ta chẳng biết nghe lời rủ rê của ai bỗng nhiên ham hố mấy trò sát phạt đỏ đen. Bao nhiêu tiền làm được cậu ta đem nướng sạch vào chiếu bạc. |
Cuối cùng hết tiền, Hải đi vay lãi. Ngày qua ngày, số tiền vay lên đến vài trăm triệu. Khi không còn khả năng chi trả, Hải sợ hãi bỏ trốn. Chủ nợ đưa một số người đòi nợ thuê đến trường em gái Hải đe dọa, chửi bới”.
Việc này khiến em gái Hải xấu hổ, phải bỏ học về quê. Hải thì bị đám người xăm trổ về tận Ninh Bình truy lùng ráo riết. Sau này bạn bè báo tin, Hải trốn ra Móng Cái, Quảng Ninh gánh hàng thuê rồi không may bị tai nạn. Cậu mất khi mới tròn 20 tuổi.
“Câu chuyện của Hải như một vết sẹo nhức nhối với tôi mỗi khi nhớ đến. Cậu ta còn quá trẻ, chỉ vì một phút nông nổi để cuối cùng phải phiêu bạt và chết nơi đất khách quê người. Cái chết của Hải cũng là bài học với tất cả chúng tôi”, anh bộc bạch.
Vẫn theo lời anh Chung, có nhiều người đến từ các tỉnh thành trên cả nước tập trung về phố cổ hành nghề đánh giày. Mỗi người đều có số phận, hoàn cảnh khác nhau nhưng khi gặp hoạn nạn, các thợ đánh giày đều hết lòng giúp đỡ người cùng nghề của mình.
Như câu chuyện đồng nghiệp của anh Chung sinh năm 1991, quê Nam Định là một điển hình. Anh Chung kể, chuyện xảy ra khi thợ đánh giày tên Thanh đang ngồi ở mép vỉa hè trên phố đánh giày cho khách. Bất ngờ một chiếc xe máy phi đến với tốc độ lớn va vào Thanh. Thanh bị chiếc xe máy kéo lê giữa đường, tay bị mắc kẹt vào xe, đứt luôn hai ngón tay và bất tỉnh tại chỗ.
Nhóm thợ đánh giày phố cổ nghe tin bạn mình bị nạn, tập trung đưa Thanh đi viện. Bên cạnh đó, họ vận động quyên góp số tiền lên đến 20 triệu đồng đóng viện phí cho Thanh rồi cắt cử người chăm sóc Thanh ổn định sức khỏe cho đến khi ra viện.
Lần khác, vào dịp cận Tết, anh Chung và các bạn đang đánh giày gần một gốc cây to ở khu vực Hàng Đường (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì thấy một thanh niên khoảng 30 tuổi, điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu rồi đâm thẳng vào gốc cây.
Vụ tai nạn khiến anh ta bị chấn thương vùng đầu, chảy máu rất nhiều. Anh Chung và các thợ giày khác chạy đến gọi cấp cứu, thông báo cho gia đình, công an phường.
“Chúng tôi coi việc cứu người là việc phải làm, mình sống có phúc thì sẽ có phần”, người thợ đánh giày trầm ngâm chia sẻ.