Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại

Chuyển động 24h, Theo VTV 13:00 13/04/2023
Chia sẻ

Từ Nhật Bản, Hàn Quốc, đến Ấn Độ…, số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh làm bùng phát lo ngại làn sóng dịch sẽ quay trở lại.

Theo thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, trong 7 ngày (từ 5/4 -11/4), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, tăng 3,8 lần so với 1 tuần trước đó. Cao điểm nhất là ngày hôm qua, có hơn 261 ca mắc. Như vậy, dịch bệnh COVID-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4.

Còn trên thế giới, số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ đều ghi nhận mức tăng mạnh trong những ngày trở lại đây. Ngày hôm qua, Hàn Quốc ghi nhận hơn 12 nghìn ca mắc mới COVID-19, Nhật Bản gần 10 nghìn ca, trong khi Ấn Độ là khoảng 7.800 ca.

Các bệnh viện Ấn Độ diễn tập ứng phó với COVID-19

Tại Ấn Độ, sau khoảng 8 tháng sóng yên biển lặng thì những ngày gần đây dịch COVID-19 đang tái bùng phát mạnh. Trước tình hình số ca mắc COVID-19 gia tăng, Ấn Độ đã tổ chức các cuộc diễn tập ứng phó dịch, nhằm kiểm tra khả năng của hệ thống y tế trong trường hợp dịch tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại - Ảnh 1.

Trong hai ngày (10 và 11/4), các bệnh viện trên khắp Ấn Độ đã tiến hành diễn tập để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc mới gia tăng. Các cuộc diễn tập tuân theo hướng dẫn của giới chức địa phương.

Tiến sĩ Manish Mandal - Viện Khoa học Y tế Indira Gandhi cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng cảnh giác cao độ để bất cứ khi nào bệnh nhân đến bệnh viện, chúng tôi có thể tiếp nhận, kiểm tra, hồi sức và quản lý đúng cách".

Các cuộc diễn tập diễn ra với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, bởi hầu hết các y bác sĩ đã trải qua những thời khắc đen tối của đại dịch COVID-19 và không bao giờ muốn một kịch bản tương tự lặp lại.

Tiến sĩ Rakesh Joshi - Giám sát y tế, Bệnh viện Dân sự, bang Gujarat, Ấn Độ: "Chúng tôi có 16 giường sẵn sàng cho khoa COVID-19 và tầng trên có 56 giường ICU. Tin tốt là hiện chỉ có 6 giường có người sử dụng và không có bệnh nhân COVID-19 mới nào nhập viện hôm nay".

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại - Ảnh 2.

Ông Vishwas Sarang - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Y tế, bang Madhya Pradesh: "Nếu tình hình sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 diễn biến theo chiều hướng xấu, chúng tôi sẽ đặt máy thở cho bệnh nhân trong vòng 6 phút. Ngoài ra, chúng tôi được trang bị tốt và sẵn sàng về mọi mặt như dự trữ oxy, tạo oxy, phòng chăm sóc đặc biệt, thuốc sẵn có, hoặc đào tạo nhân lực".

Theo bác sĩ Niroj Kumar Mishra: "Nguyên nhân số ca mắc tăng lên có thể là là do biến thể mới của chủng Omicron có tên XBB.1.16 có khả năng lây truyền cao hơn. Có lẽ đây là một biến thể gây bệnh nhẹ hơn nhưng nó dễ lây lan hơn".

Giới chuyên gia khuyến khích người dân Ấn Độ đeo khẩu trang trở lại và trên thực tế, đã có 3 bang yêu cầu người dân tái thực hiện quy định đeo khẩu trang ở nơi đông người.

Biến chủng phụ của Omicron, XBB 1.16 - thủ phạm của đợt bùng phát dịch

Theo các số liệu ghi nhận tại Ấn Độ những ngày qua, thì cứ 4-5 ngày số ca nhiễm mới tính theo ngày lại tăng gấp đôi. Giới chức Ấn Độ giữ một thái độ khá thận trọng trong đợt bùng phát dịch lần này là vì vậy. Biến chủng phụ của Omicron, XBB 1.16 được cho là thủ phạm của đợt bùng phát lần này.

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại - Ảnh 3.

Diễn tập phòng chống COVID-19 tại một bệnh viện Ấn Độ

Tuy nhiên Hiệp hội Y khoa Ấn Độ mới đây cũng đã ra một tuyên bố cho rằng người dân cần cảnh giác chứ không nên sợ hãi. Bởi cho tới lúc này, XBB 1.16 vẫn chưa cho thấy có sự gia tăng đột biến nào về độc lực. Tỉ lệ hồi phục của các bệnh nhân hiện vẫn là gần 99%. Các viêm nhiễm mà XBB 1.16 gây ra vẫn chủ yếu ở hệ hô hấp trên, chứ không tấn công nhiều vào phổi. Có điều phải cẩn trọng là vì độc lực của XBB 1.16 dù không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch.

Điều mà Ấn Độ cảm thấy lo lắng trong đợt bùng phát dịch lần này là việc người dân thờ ơ với COVID-19 quá sớm. Nhiều người bị ho, sốt, cảm nhận mình có các triệu chứng của COVID-19 khá rõ ràng, tuy nhiên giờ đây họ không chịu xét nghiệm nữa và cũng không còn ý thức tự cách ly. Công tác truy vết và đánh giá về mức độ bùng phát của dịch lần này tại Ấn Độ vì thế khó khăn hơn nhiều. Thực tế thì XBB 1.16 được xác định đã lây nhiễm trong cộng đồng tại Ấn Độ thì vài tháng qua, nhưng tỉ lệ nhập viện không cao.

Giới y tế Ấn Độ vì thế cho rằng, nguy cơ tái diễn một thảm kịch như từng xảy với biến thể Delta là không cao, nhưng điều đó không có nghĩa là đợt bùng phát lần này là không nguy hiểm. Giới y tế Ấn Độ những ngày qua nhấn mạnh một thông điệp, đó là nếu bạn cảm thấy mình nhiễm COVID-19 mà vẫn ổn, thì không có nghĩa là người khác cũng sẽ ổn như bạn. Nếu người nhiễm COVID-19 không giữ một thái độ đúng đắn, để COVID-19 lây lan bừa bãi thì rất có thể sẽ gây ra những hậu quả khó lường với những người xung quanh, nhất là những người già, suy giảm hệ thống miễn dịch, trong đó có cha mẹ, bạn bè, con cái mình.

Nhật Bản vẫn thận trọng với dịch COVID-19

Số ca nhiễm mới COVID-19 tăng nhanh, nguy cơ dịch bùng phát trở lại - Ảnh 4.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi đi trên đường phố tại Osaka (Nhật Bản). Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tại khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản cũng là nơi ghi nhận số ca COVID-19 tương đối cao. Dù vậy thì từ đầu năm đến nay, đường cong dịch bệnh ở nước này đang giảm dần. Kết quả này có được có thể là nhờ tâm lý thận trọng phòng dịch của người dân. Sau một tháng Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19, nhiều người vẫn không bỏ khẩu trang, dường như sau ba năm dịch bệnh, việc đeo khẩu trang đã trở thành thói quen và tạo ra cảm giác an toàn hơn khi tiếp xúc tại những nơi đông người. Trên đường phố hoặc trong các ga tàu tại Nhật Bản, có thể thấy chỉ lác đác một số người bỏ khẩu trang, đa số còn lại vẫn lựa chọn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Theo một khảo sát gần đây, có đến 86% người dân vẫn đeo khẩu trang, một phần là bởi đây đang là thời gian bùng phát dị ứng phấn hoa, nhưng lý do chính là phòng tránh các nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Mặc dù đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch và cho phép người dân bỏ khẩu trang, nhưng cơ quan y tế Nhật Bản vẫn khuyến cáo đeo khẩu trang trong một số trường hợp như đi khám bệnh ở các cơ sở y tế, người đến thăm các cơ sở y tế hoặc viện dưỡng lão hoặc tham gia các phương tiện giao thông công cộng đông người. Chính phủ Nhật Bản vẫn tỏ ra khá thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, ưu tiên kiểm soát sự lây nhiễm dịch bệnh được xem là quan trọng hàng đầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày