Theo Co-op, quyết định trên sẽ giúp loại bỏ 60 triệu túi đựng bằng nhựa. Loại túi giấy đựng đồ nhẹ có thể được sử dụng để mua sắm sau đó có thể được tái sử dụng làm túi đựng rác sẽ được cung cấp trong vài tuần tới cho khoảng 1.400 cửa hàng của Co-op trên khắp nước Anh và sau đó sẽ được mở rộng cho toàn bộ 2.600 cửa hàng của hãng này.
Theo Co-op, tất cả loại túi của hãng này sẽ trở nên dễ dàng tái chế vào năm 2023. Hãng này cũng cam kết sử dụng tối thiểu 50% các loại nhựa tái chế làm chai, lọ, khay và giỏ vào năm 2021.
Chuỗi siêu thị Co-op của Anh, sẽ bắt đầu cấm các loại túi nilon sử dụng 1 lần từ năm 2023. Ảnh: iwcp.co.uk
Theo số liệu công bố hồi tháng 7 của Bộ Môi trường, thực phẩm và nông thôn Anh, doanh số bán túi nilon của 7 siêu thị lớn nhất của Anh đã giảm 86% kể từ khi chính phủ áp mức phí 5 pence (tương đương 0,07 USD).
Anh là một trong nhiều quốc gia trên thế giới công bố lệnh cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nilon trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành cuộc khủng hoảng thế giới. Ngày 20/9 vừa qua, bang California, Mỹ đã ban hành một dự luật cấm các nhà hàng có người phục vụ cung cấp sẵn ống hút nhựa cho khách hàng.
Tháng 9/2017, thành phố Seattle đã trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ cấm ống hút nhựa, sau đó San Francisco, Santa Barbara, Malibu và nhiều thành phố khác cũng đã áp dụng lệnh cấm này. Gần đây, New Zealand và Chile cũng đã ban bố lệnh cấm đối với túi nilon.
Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra các đại dương mỗi năm, đe dọa nghiêm trọng môi trường sống của các sinh vật dưới biển. Giới khoa học cũng lo ngại những ảnh hưởng trong dài hạn của những hạt nhựa trôi nổi trong nước biển đối với sức khỏe của con người sau khi những hạt này theo các hải sản xâm nhập vào chuỗi thức ăn.