Tờ Guardian đưa tin con tàu phải nằm im chờ đợi ở Ai Cập suốt nhiều tháng để đàm phán về mức đền bù thiệt hại đối với hoạt động của tuyến đường thuỷ huyết mạch Suez hồi tháng 3.
Vài tuần sau khi cập cảng Felixstowe ở Anh, Ever Given quay trở lại cảng Said, Ai Cập, đêm 19/8.
Ngày hôm sau, báo Al-Ahram đưa tin tàu container gắn cờ Panana và thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản bắt đầu hành trình di chuyển qua kênh đào này, được hộ tống bởi hai tàu kéo. Nhật ký theo dõi tàu trực tiếp cho thấy Ever Given vượt thành công qua Suez để hướng ra Biển Đỏ.
Chiến dịch giải cứu tàu Ever Given khỏi kênh đào hồi tháng 3 khiến hành trình của hàng trăm con tàu khác bị đình trệ, buộc một số phải đi vòng qua mũi phía nam của châu Phi xa xôi hơn.
Tàu Ever Given di chuyển qua kênh Suez ngày 20/8 ()Ảnh: Reuters
Một cuộc tranh cãi về mức bồi thường dẫn đến việc con tàu bị chính quyền Ai Cập giữ trong 4 tháng. Công ty sở hữu Shoei Kisen Kaisha cho rằng Cơ quan Quản lý Kênh đào Suez (SCA) phải chịu trách nhiệm khi cho phép tàu Ever Given đi vào bất chấp thời tiết xấu, trong khi đó, SCA đòi phía bên kia phải bồi thường 996 triệu USD.
Cuối cùng, ngày 6/7, Tòa án Kinh tế tỉnh Ismailia của Ai Cập đồng ý cho gỡ bỏ lệnh tạm giữ đối với con tàu khổng lồ Ever Given, cho phép tàu rời Kênh đào Suez trong ngày 7/7 để tiếp tục hành trình theo yêu cầu của SCA. Chủ sở hữu tàu Ever Given, các công ty bảo hiểm và SCA cuối cùng đạt được một thỏa thuận bồi thường là 550 triệu USD. Shoei Kisen Kaisha phát biểu sau khi được thả tàu vào tháng trước rằng: "Chúng tôi sẽ tiếp tục là một khách hàng trung thành của kênh Suez".
Từ khi đi vào hoạt động năm 2018 đến nay, siêu tàu Ever Given đi qua kênh đào Suez tổng cộng 22 lần.