Nhật Bản nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, thế nên các vùng biển xung quanh quốc gia này có chứa rất nhiều ngọn núi lửa cổ đại. Trong đó, có một siêu núi lửa từng bùng nổ vào 7.300 năm trước, mang tên Kikai.
Mới đây, các nhà khoa học tin rằng chính ngọn núi ấy đang có nguy cơ bùng nổ mà không hề có tín hiệu báo trước. Và nếu điều đó xảy ra, hậu quả là cực kỳ khủng khiếp.
Cụ thể, nghiên cứu do Trung tâm khám phá đáy biển Kobe (KOBEC) từ ĐH Kobe (Nhật Bản) thực hiện. Các chuyên gia đã tìm thấy dấu hiệu về một vòm chứa magma khổng lồ, được cho là hình thành từ vụ nổ hơn 7000 năm trước của Kikai.
Theo ước tính, vòm magma của Kikai phải chứa đến 32 km3 dung nham. Quan trọng hơn, các quan sát bên ngoài cho thấy bề mặt vòm đang ngày càng phát triển mạnh.
Hiện tại, vòm đã rộng hơn 10km, cao 600m. Nếu cứ tiếp tục như vậy, khả năng một vụ nổ sẽ xảy ra mà không hề có tín hiệu gì thông báo trước. Và nếu điều đó xảy ra thì sẽ có hàng trăm triệu nạn nhân. Hơn nữa, lượng tro bụi khổng lồ đẩy lên khí quyển sẽ chặn lại ánh Mặt trời, tạo ra cái gọi là "mùa đông núi lửa".
Các bằng chứng cho thấy vòm dung nham của Kikai có dấu hiệu hoạt động khá mạnh
Theo các chuyên gia cho biết, vụ phun trào trong quá khứ của Kikai đã từng xóa sổ tộc người Jomon cổ đại phía nam Nhật Bản. Nếu xảy ra ở thời điểm hiện tại, nó có thể tạo ra những cơn sóng thần cực lớn, đánh úp vào Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, trước khi tiến tới vùng duyên hải Bắc và Nam Mỹ.
"Rất nhiều siêu núi lửa từng có những vụ bùng nổ cực mạnh trong hàng triệu năm." - báo cáo của ĐH Kobe cho biết. "Thế nên, nghiên cứu này nhằm mục đích giúp chúng ta có được sự chuẩn bị tốt cho đợt phun trào kế tiếp."
Kể từ khi KOBEC được thành lập năm 2015, trung tâm đã thực hiện 3 cuộc khảo sát địa hình quanh khu vực này và phát hiện ra mái vòm. Theo như nghiên cứu gần nhất, mái vòm của Kikai có thể đang trùng với hai hòn đảo Satsuma Iōjima và Takeshima.
Ít nhất 6 mẫu đá đã được thu thập là rhyolite - một loại đá lửa hình thành khi dung nham nguội đi. Điều đó chứng tỏ mái vòm có chứa dung nham. Ngoài ra, khi kiểm tra bề mặt của vòm, các bằng chứng đều cho thấy lượng dung nham đang tăng dần. Thậm chí, họ còn tìm thấy các bọt khí gas nổi lên và những cột nước siêu nóng tại gần khu vực này.
Trên thực tế, nói là nguy cơ lớn, nhưng con số có thể không cao như chúng ta tưởng tượng. Tuy nhiên, vì hậu quả nếu nó xảy ra là quá lớn, giới khoa học vẫn buộc phải nghiêm túc vì điều đó.
"Dù tỉ lệ xảy ra bùng nổ gỉ là 1% trong vòng 100 năm tới, nhưng lượng người chết có thể lên đến 100 triệu trong tình huống xấu nhất" - trích lời giáo sư Yoshiyuki Tatsumi - giám đốc của KOBEC.
Theo dự tính vào tháng 3/2018, các nhà nghiên cứu sẽ sử dụng robot lặn phản chấn nhằm tìm kiếm thêm thông tin về quá trình hình thành vòm núi lửa Kikai.
Nếu thành công, họ có thể tiếp tục theo dõi kỹ hơn, dự đoán được thời điểm, khả năng núi lửa hoạt động, và chuẩn bị trước cho viễn cảnh sẽ xảy ra.