Vào thời điểm cuối những năm 70, không ai trong giới mộ điệu thời trang không biết đến cái tên Gia Carangi. Khi đó, người ta chỉ gọi người đẹp sải bước trên sàn catwalk, chụp ảnh quảng cáo là người mẫu và Gia chính là định nghĩa của danh hiệu siêu mẫu đầu tiên trên thế giới. Ở tuổi 18, cô gái trẻ dường như có tất cả mọi thứ trong tay nhưng cuộc đời sau ánh đèn sân khấu lại lắm nỗi thăng trầm, cuối cùng qua đời bởi căn bệnh thế kỷ - AIDS.
Gia chào đời vào năm 1960 tại thành phố Philadelphia, Pennsylvania (Mỹ) có bố là chủ nhà hàng và mẹ làm nội trợ. Năm Gia được 11 tuổi, bố mẹ cô ly hôn. Sự kiện này để lại nhiều tổn thương và ảnh hưởng cực lớn đến lối sống, tính cách của cô người mẫu sau này.
Năm 1978, Gia được nhiếp ảnh gia, thợ làm tóc Maurice Tannenbaum phát hiện trong lúc đi chơi ở câu lạc bộ đêm. Thời đó, làng thời trang nước Mỹ tràn ngập những cô người mẫu tóc vàng, màu mắt xanh như búp bê nên đối với thế giới đó, Gia được ví như 1 làn gió mới. Cô sở hữu 1 gương mặt đẹp sắc sảo, phảng phất chút bí ẩn tạo nên sức quyến rũ khó cưỡng cùng thân hình nóng bỏng với số đo 3 vòng cực chuẩn. Maurice đã yêu cầu Gia tạo dáng để chụp 1 vài bức ảnh trước khi ông gửi nó đến loạt công ty người mẫu có tiếng ở New York và chính thức giúp cô gái trẻ trở nên nổi tiếng khắp nước Mỹ. Lúc đó, bản thân Gia không ngờ mọi thứ lại ập đến quá nhanh như vậy. Cô chưa từng được đào tạo làm mẫu nhưng dần dần lại trở thành người mẫu.
Cuộc đời của Gia thật sự sang trang khi cô chuyển đến New York sinh sống và ký hợp đồng với công ty người mẫu Wilhelmina Cooper. Thiếu vắng tình yêu thương của gia đình từ thuở nhỏ, Gia xem người đứng đầu công ty, bà Wilhelmina, như mẹ ruột của mình.
"Gia có thứ mà người khác không có. Tôi chưa từng gặp 1 cô gái nào thế này. Cô ấy hội đủ những tố chất để trở thành người mẫu, hoàn hảo từ mắt, miệng đến đầu tóc. Và ấn tượng nhất đối với tôi là thái độ bất cần" - nhiếp ảnh gia đồng thời là bạn thân của Francesco Scavullo.
Vẻ ngoài cá tính của Gia đến từ xu hướng tình dục của cô. Nhiều tin đồn cho rằng Gia thích nữ giới, điều này không ít lần làm phật lòng mẹ cô gái trẻ. Mẹ Gia thậm chí còn dẫn con gái đến gặp bác sĩ tâm lý để "chữa bệnh" nhưng tại đây, các chuyên gia khẳng định giới tính của Gia không hề có vấn đề gì, giúp cô càng thêm tự tin.
Chỉ trong thời gian ngắn, Gia đã trở thành nàng thơ của hàng loạt các thương hiệu thời trang lớn Christian Dior, Giorgio Armani, Versace, Diane Von Furstenberg… và nâng mức thu nhập lên 100 nghìn USD/năm, mức thù lao vượt hơn hẳn đồng nghiệp. Đây cũng chính là lý do các nhà sử học thời trang lần đầu tiên đặt ra danh hiệu siêu mẫu và dành tặng nó cho Gia.
Bản thân Gia cũng nhận thức được thế mạnh của mình, bao gồm nhan sắc, hình thể và khả năng diễn xuất trước ống kính. Cô cho rằng người mẫu cũng cần phô diễn cảm xúc và tự tin có thể biến hóa theo bất kỳ yêu cầu nào.
Tài năng là thế nhưng Gia cũng lắm tật xấu, nổi bật nhất ở cô chính là nét tính cách bất cần, thích gì làm nấy. Gia làm việc theo tâm trạng, cô có thể thẳng thừng bước ra khỏi trường quay nếu cảm thấy không muốn tiếp tục làm việc hoặc chấp nhận hủy bỏ lịch trình cho vài tuần tới chỉ vì không thích quả đầu tóc mới cắt.
Nhìn vào đó, có lẽ nhiều người sẽ đánh giá Gia chảnh chọe, không biết điều nhưng đó chỉ là những gì thế giới nhìn thấy ở cô gái có trong tay tất cả ở tuổi 18, sống cuộc đời sang chảnh đáng mơ ước. Chẳng ai biết đằng sau ánh hào quang lại là rất nhiều những nỗi đau mà ngôi sao trẻ phải chịu đựng. Theo lời 1 người bạn, Gia từng bị rất nhiều người lợi dụng về mặt thể xác hay nói cách khác là xâm hại tình dục nhưng lại không thể lên tiếng vạch mặt kẻ ác.
Cuộc sống của Gia hệt như 1 vòng lặp. Buổi sáng, cô được vây quanh bởi hàng chục máy quay, trở thành trung tâm của mọi sự chú ý nhưng đêm đến khi trở về nhà, nàng siêu mẫu phải 1 mình chống chọi với nỗi cô đơn đối diện với 4 bức tường lạnh ngắt.
Năm 1980, Wilhelmina qua đời khiến cuộc đời Gia rơi vào bế tắc. Thời trung học, cô đã bắt đầu sử dụng chất kích thích và cái chết của người đỡ đầu khiến nàng siêu mẫu cùng lún sâu hơn vào vũng bùn nghiện ngập. Khi đó, Gia không thể kiểm soát được hành động của mình. Trong lúc chụp hình cho tạp chí Vogue, cô nhảy ra khỏi cửa sổ chỉ để trốn đi hút ma túy. Nhân viên tạp chí vô cùng tức giận nhưng vẫn chấp nhận cho Gia cơ hội thứ 2, lần này người ta mới phát hiện ra đôi tay đầy rẫy những vết thương của cô, hậu quả của việc lạm dụng chất kích thích. Đến nỗi sau đó, tạp chí Cosmopolitan phải sử dụng chiếc đầm và nhiều thủ thuật để che đi cánh tay phủ đầy những vết sẹo của Gia. Đây cũng là lần cuối cùng cô được xuất hiện trên trang bìa của 1 tạp chí thời trang.
Năm 1982, Gia rời công ty và trở thành người mẫu tự do. Tuy nhiên, con đường hoạt động của cô sau đó gặp nhiều khó khăn khi chẳng ai muốn cộng tác với 1 người mẫu tính khí thất thường, sáng nắng chiều mưa. Thêm nữa, sự xuất hiện của người mẫu Cindy Crawford trở thành mối đe dọa cực lớn dành cho Gia khi tân binh này sở hữu vẻ đẹp và phong cách không hề thua kém đàn chị.
Mùa thu năm 1986, Gia nhập viện cấp cứu sau khi bị hành hung và xâm hại tình dục dã man ngoài đường giữa trời mưa lạnh giá. Kết quả xét nghiệm máu xác định Gia bị nhiễm HIV và đã chuyển sang giai đoạn AIDS, cô qua đời chỉ 2 tháng sau đó. Trước cái chết của Gia, anh lớn của cô bày tỏ sự tiếc nuối và nhận về lỗi lầm của gia đình là không ở bên cạnh em gái trong lúc cô cần họ nhất. Cuộc đời của siêu mẫu đầu tiên trên thế giới mắc bệnh AIDS được tái hiện trong phim điện ảnh do HBO sản xuất mang tên Gia.
Poster bộ phim nói về cuộc đời Gia miêu tả về siêu mẫu đầu tiên thế giới: "Quá đẹp để chết, quá nổi loạn để sống".
Trong quá khứ, Gia từng nói: "Nghề người mẫu chẳng khác 1 vở kịch ngắn". Chính cô cũng ý thức được hào quang sẽ không tồn tại mãi mãi nhưng cái kết của nàng siêu mẫu trẻ tuổi, tiền đồ xán lạn lại buồn bã và đau khổ hơn tất cả những gì mọi người có thể tưởng tượng.
(Nguồn: All That's Interesting)