Shark Tank tập 3 mùa 5 tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của dân tình với 4 startup đến từ 4 lĩnh vực khác nhau. Điều đáng nói là dù gọi vốn thành công hay không, cả 4 startup đều đem lại những ấn tượng đặc biệt, thú vị cho các Shark lẫn người xem.
Mở màn cho tập 3 Shark Tank là Sadu - startup trứng gà premium. Giới thiệu về sản phẩm của mình, CEO Phan Trung Kiên cho biết trứng gà này được sản xuất từ những chú gà có quy trình nuôi khác bình thường khi được ăn dược liệu, nghe nhạc, ngủ trưa,... Hàm lượng cholesterol thấp hơn rất nhiều so với trứng bình thường. Song song với đó, giá thành sản phẩm cũng cao hơn, rơi vào khoảng hơn 8k/ quả.
Ngay khi CEO đang chia sẻ, Shark Phú đã đặt ra một tình huống: Nếu đại lý mua trứng gà giá rẻ về trộn chung với trứng gà Sadu để bán với giá cao thì phải làm sao? Và CEO đã phải thừa nhận đây là câu hỏi khó và mình không trả lời được. Ngay lập tức Shark Phú tuyên bố không đầu tư, bất kể Sadu có deal thế nào. Lý do mà Shark đưa ra là "khi em không bảo vệ được người dùng thì anh nghĩ là mô hình rất khó".
CEO Phan Trung Kiên
Trước phản ứng có phần gay gắt này của Shark Phú, CEO Trung Kiên tỏ ra khá bối rối nhưng vẫn khẳng định: "Trong thời gian hơn nửa năm mà em đã bán được gần 2 triệu quả trứng thì phải có chỗ đứng và được khách hàng công nhận ở mức độ nào đó rồi... Cuối cùng em gọi vốn 10 tỷ đồng cho 20% cổ phần". Ngoài ra CEO này còn chia sẻ thêm trước khi đến đây đã rất mong được Shark Phú đầu tư vì đã theo dõi thương hiệu cũng như hệ sinh thái của vị "cá mập" này.
Với bài toán bảo vệ người tiêu dùng, Shark Hưng và Shark Phú đã đưa ra gợi ý cho startup này rằng nên sử dụng công nghệ số thay vì dán tem thông thường như hiện tại. Việc này sẽ giúp khách hàng kiểm tra trứng thật - giả một cách nhanh gọn, dễ dàng hơn. Trong khi đó Shark Hùng Anh và Shark Liên lại có sự bất đồng về giá cả của trứng gà Sadu. Shark Hùng Anh khẳng định trứng gà thường dành cho người có thu nhập thấp mà bây giờ lại có giá cao như vậy thì sẽ rất khó nên quyết định không đầu tư. Còn Shark Liên lại cho rằng startup không cần quan tâm nhiều về giá mà phải định vị được sản phẩm trong lòng người tiêu dùng. Shark Bình cũng không đầu tư vì đây không phải thế mạnh của mình.
Shark Liên có ý định đầu tư nhưng sau khi thấy startup thích Shark Hưng hơn nên đã nhanh chóng rút lui. Kết quả, startup trứng gà và Shark Hưng chốt deal thành công với cam kết đầu tư 10 tỷ đồng cho 36% cổ phần.
Startup thứ 2 là ông Nguyễn Vĩnh Sơn - nhà sáng chế và kỹ sư. Đã 63 tuổi nhưng ông Sơn vẫn mang đến một tinh thần cực kỳ nhiệt tình, hăng hái giới thiệu 2 sản phẩm của mình: áo chống đâm và vòng bi cổ xe - bộ giảm xóc cho xe máy. Vòng bi cổ xe và bộ giảm xóc đều đã có bằng sáng chế và được ông Sơn bán 10 năm nay với hàng trăm nghìn bộ. Để tìm hiểu sản phẩm, đích thân Shark Hưng đã thử chạy chiếc xe ra đường và cảm thấy rất thú vị. Sau khi trình bày về sản phẩm, ông Sơn đề nghị được đầu tư cho vòng bi cổ xe - bộ giảm xóc là 4,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần và tặng thêm 20% cho nhà đầu tư nếu tiếp tục đồng hành.
Nhà sáng chế Nguyễn Vĩnh Sơn giải thích cơ chế hoạt động của sản phẩm
Shark Liên thắc mắc tại sao ông Sơn không liên hệ với các hãng xe máy để sản xuất bộ sản phẩm hàng loạt. Trả lời câu hỏi này, nhà sáng chế cho biết mình không bán cho hãng mà bán cho những người thợ sửa xe vì số xe chạy ngoài thị trường đang lớn gấp 10 lần số xe hãng bán ra. Tuy nhiên Shark Phú cho rằng việc làm như vậy không được công nhận vì không được hãng ứng dụng.
"Người ta hay hỏi ngần này tuổi rồi, viên mãn rồi còn cần tiền làm gì? Không! Tôi còn một ước mơ cao lắm là muốn cả thế giới biết được người Việt Nam là ai! Và tôi muốn truyền cảm hứng cho các startup trẻ, làm cái gì cũng phải thật hoàn chỉnh rồi mới đưa lên cho các Shark chứ đừng làm nửa vời. Như vậy nó sẽ bị chết" - ông Sơn kể về ước mơ của mình.
Khi Shark Hùng Anh hỏi thăm về con trai ông Sơn - Nguyễn Vĩnh Hưng, anh cho biết mình đến đây chỉ đóng vai trò động viên tinh thần cho bố. Hưng không hỗ trợ quản lý hay việc kinh doanh của bố bởi đang là kiến trúc sư tại Hàn Quốc. Nói thêm về con trai, startup 63 tuổi cực kỳ tự hào: "Hổ phụ sinh hổ tử, mình là nhà sáng chế nên chỉ sinh ra nhà sáng chế thôi. Nó cũng là thủ khoa trường ĐH California".
Con trai thủ khoa của ông Sơn đi cùng để động viên bố
Về kết luận đầu tư, Shark Hưng nhận xét, thực tế nhà sáng chế này không cần tiền mà chỉ cần người đồng hành nên sẽ không đầu tư mà đồng hành bằng cách kết nối với nhà sản xuất xe hay tư vấn con đường thương mại hóa. Shark Phú, Shark Hùng Anh và Shark Liên từ chối đầu tư do không nằm trong hệ sinh thái của mình. Shark Phú cho biết nếu ông Sơn ứng dụng được sáng chế của mình vào các sản phẩm gia dụng thì sẽ sẵn sàng mua lại hoặc thương mại hóa cùng với nhà sáng chế này. Shark Hùng Anh cũng hứa sẽ hỗ trợ tiếp thị quảng cáo cho nhà sáng chế sau khi sản phẩm đã được thương mại hóa.
Cuối cùng, Shark Bình với phong cách đầu tư ưa mạo hiểm đã đưa ra deal cho ông Sơn. Cụ thể sau khi nghiên cứu và thẩm định tính khả thi, phía Shark Bình sẽ đầu tư 4,5 tỷ đồng và phụ trách mọi vấn đề về sản xuất, thương mại hóa cho sản phẩm, phía Shark Bình sẽ lấy 70% lợi nhuận thu về (sau khi trừ đi mọi chi phí). Ông Sơn đồng ý deal này nhưng xin Shark Bình trích 1% lợi nhuận cho hội sáng chế và vị "cá mập" cũng nhanh chóng gật đầu, chấp nhận con số 69% lợi nhuận.
Startup nữ duy nhất của tập 3 là Đặng Thị Hoài Trinh - CEO kiêm founder của nền tảng kết nối giáo dục anyLEARN. Mục đích của startup là giúp các phụ huynh tìm được cho con mình một môi trường học tập an toàn, một lộ trình tương lai đúng hướng và phù hợp. Đến với chương trình Hoài Trinh đề nghị được cả 5 Shark đầu tư với con số 200.000 USD với 10% cổ phần.
Ngay sau khi Hoài Trinh vừa kết thúc thuyết trình, Shark Liên đã nhanh chóng đặt câu hỏi: "Em gái thân mến! Em có cái gì mà tự tin đến mức để mời chào các Shark vào danh sách cổ đông sáng lập? Những gì em đang nói thì trong và ngoài nước đều đã có rất nhiều rồi". Trả lời câu hỏi, nữ CEO cho biết đây là nền tảng đi sâu vào booking, đi sâu vào việc truyền thông, định hướng, tư vấn để khách hàng có thể đăng ký và thanh toán trực tiếp trên nền tảng.
CEO Đặng Thị Hoài Trinh
Tuy nhiên các Shark liền có thắc mắc: Với cơ chế của anyLEARN, có phải trường nào trả nhiều tiền hơn thì sẽ được giới thiệu nhiều hơn? Giải thích điều này, Hoài Trinh khẳng định mình giới thiệu các trường phù hợp với nhu cầu của phụ huynh nhưng vẫn không mấy thuyết phục.
Khi Shark Bình hỏi về kênh khách hàng chính, nữ CEO cho biết mình quảng bá và kết nối trên nền tảng và vẫn có văn phòng đại diện. Ngay lập tức, Shark Bình khẳng định mình đã kiểm tra website của anyLEARN và thấy không có gì. "Về cơ bản anh thấy website này được lập ra chỉ để lên Shark Tank thôi chứ chưa có giá trị" - Chủ tịch HĐQT Nexttech nói. Ngoài ra, Shark Bình nhận xét startup này về bản chất là đi môi giới giáo dục, tức là bán hàng nhưng nữ CEO chưa giải thích được mình giỏi bán hàng ở chỗ nào. Trả lời rõ ràng hơn, Hoài Trinh cho biết thời gian gần đây startup đã marketing offline quảng bá đến doanh nhân khi kết hợp với các cộng đồng doanh nhân đồng thời chia sẻ tệp khách hàng với các trường.
Dù nữ CEO thể hiện khả năng ăn nói và thuyết trình rất lưu loát nhưng cuối cùng cả 5 Shark đều từ chối đầu tư vì những lý do như rủi ro, quá mới, không khả thi. Riêng Shark Bình nhấn mạnh: "Lúc đầu anh tưởng em lên Shark Tank sớm nhưng hóa ra em lên... sớm thật, sớm quá. Và đặc biệt khi nhìn những gì em cung cấp thì anh giật mình: 'Ôi! Founder này còn non và xanh quá!'... Đôi khi 1 câu nói có thể thay đổi cuộc đời. Bài học startup ở đây là em nên startup cái gì mà em giỏi nhất. Chúc em thành công".
Gây ấn tượng nhất tập này là startup Nerman của 3 chàng trai trẻ Đặng Thanh Định, Nguyễn Văn Nhật và Hồ Xuân Hải, kêu gọi đầu tư 500.000 USD cho 8% cổ phần. Được biết startup này tập trung vào dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho nam giới, tập trung vào thị trường 3 nước là Việt Nam, Thái Lan và Indonesia. Nerman bắt đầu mở bán sản phẩm vào đầu năm 2021 và đến hết quý 1 năm 2022 đã có hơn 150.000 khách hàng, bán ra 330.000 sản phẩm và đạt doanh thu 1,3 triệu USD trong quý 1 năm 2022.
Những con số ấn tượng của Nerman nhanh chóng thu hút sự chú ý của các Shark. Trong khi Shark Bình tìm hiểu về tỷ lệ các nhà đầu tư hiện tại thì Shark Phú lại đặt dấu hỏi về doanh số: "Làm sao để chứng thực được doanh số này?". Trả lời câu hỏi, founder Nguyễn Văn Nhật gợi ý Shark Phú có thể lên ngay các sàn thương mại điện tử để có thể thấy số lượng bán của sản phẩm. Chàng trai này cũng trả lời rõ ràng % các chi phí để chứng minh số lãi 23% đã đưa ra ban đầu. Startup cho biết thêm mình không nợ mà đang có tài sản là 8 tỷ.
3 đại diện của Nerman
Chia sẻ thêm về mục đích gọi vốn, founder Đặng Thanh Định cho biết mình muốn sử dụng để tìm kiếm và xây dựng 1 nguồn nguyên liệu đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Vì hiện tại startup này vẫn đang phải thuê gia công bằng cách đưa công thức cho xưởng và sản phẩm được cơ quan chức năng kiểm nghiệm.
Sau khi nghe chia sẻ của startup, Shark Hưng không đầu tư vì thấy mình không giúp được nhiều cho startup. Shark Hùng Anh và Shark Liên cũng từ chối.
Shark Phú đưa ra offer đầu tiên là 500.000 USD đổi lấy 20% cổ phần. Tiếp nối, Shark Bình nhận xét mô hình kinh doanh này còn yếu ở các điểm: quá mới và việc bán online là yếu tố chưa chắc chắn như khả năng cạnh tranh, copy, chạy marketing,... Kết lại Shark Bình đưa ra deal lần 1 là 1 triệu USD đổi lấy 30% cổ phần.
Sau một thời gian trao đổi qua lại và tìm cách cân bằng lợi ích cho nhà đầu tư trước đó của startup, Nerman đã nhận đồng ý 1 triệu USD cho 27% cổ phần với sự đầu tư của cả Shark Bình và Shark Phú. Với kết quả này, Shark Bình và Shark Hưng liền nửa đùa nửa thật rằng "liên minh" đầu tư này nghe đã thấy giàu có và bình an!
Ảnh: BTC