Cuối tuần qua, trận quyền anh tỷ đô giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor đã diễn ra trong sự chờ đợi của cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một trận đấu thể thao có thể đạt doanh thu chạm tới con số tỷ đô. Cuộc so tài Mayweather và McGregor vì thế được coi là trận so găng thế kỷ.
Trận so găng thế kỷ giữa Floyd Mayweather và Conor McGregor diễn ra hồi cuối tuần qua.
Những người có thâm niên xem quyền anh ngót nghét khoảng 20 năm đều biết, trong quá khứ, dân mê boxing Mỹ hầu như chỉ tập trung sự chú ý vào những trận quyền anh hạng nặng. Thời đó, võ sỹ thép Mike Tyson là tâm điểm của mọi cơn sốt.
Nhưng suốt hơn 1 thập kỷ qua, làng quyền anh Mỹ đã ngừng sản sinh ra những Tyson phiên bản 2, 3, 4… Quyền anh hạng nặng bước vào thời kỳ thoái trào ở Mỹ.
Tuy nhiên, thay vì "cố đấm ăn xôi" với hạng đấu không có người kế cận nổi bật, người Mỹ lập tức chuyển trọng điểm sang phát triển quyền anh hạng trung và bán trung, mà Floyd Mayweather chính là đại diện tiêu biểu nhất. Những người hâm mộ ban đầu tẩy chay các hạng đấu nhẹ cân và cố bám trụ lấy niềm tự hào của Tyson trong quá khứ dần dần cũng bắt đầu phải xuôi theo xu thế.
Floyd Mayweather "độc cô cầu bại" của nước Mỹ ở hạng cân của mình.
Nhìn vào trận đấu thế kỷ giữa Mayweather và McGregor bỗng dưng có chút liên tưởng tới nền thể thao Việt Nam. Với NHM thể thao nước nhà, bóng đá dù trải qua bao binh biến vẫn là tình yêu số 1. NHM yêu đội tuyển một cách vô điều kiện, yêu cuồng si.
Nhờ tình yêu của số đông mà bóng đá trở thành môn thể thao trọng điểm, được đầu tư bài bản, công phu, tốn kém. Các cầu thủ lớn đa phần đều có cuộc sống sung túc hơn bất kỳ đồng nghiệp ở những môn thể thao khác.
Nhưng cứ mỗi giải đấu lớn trôi qua, NHM thể thao lại phải miễn cưỡng tìm niềm tự hào ở những môn thể thao khác, thay vì tình yêu số 1 bóng đá. Những lần lá cờ tổ quốc bay lên trong niềm tự hào đều nhờ cử tạ, bắn súng, bơi lội, điền kinh. Còn bóng đá hầu như chỉ mang đến những sự hưng phấn nhất thời rồi lại chuyển tất cả về trạng thái thất vọng, hụt hẫng.
Nữ CĐV Việt Nam hụt hẫng trên khán đài khi chứng kiến ĐT U22 dừng bước ngay tại vòng bảng.
Đọc những câu chuyện bên lề về những cô gái, chàng trai vàng của thể thao nước nhà mà chạnh lòng. 4 cô gái vàng vừa giành HCV Sea Games nội dung 4x100m đã làm được điều mà bóng đá nam không làm được: Đánh bại người Thái.
Họ phải tập luyện trong điều kiện kham khổ. HLV của 4 cô gái này phải chạy vạy khắp nơi để mượn nhà cho 4 học trò ăn ở tập trung. Để gặp được nhau, họ chỉ hỗ trợ tiền vé tàu. Thầy trò lại phải tự bỏ tiền túi mua vé máy bay cho đỡ tốn thời gian và sức khỏe.
Rồi một cô gái khác giành HCV ở nội dung nhảy xa từng một thời đi… xách vữa, làm phụ hồ. Thời mới bắt đầu sự nghiệp, nữ VĐV nhảy xa này chỉ hưởng mức lương… 50.000 VNĐ/tháng. Để duy trì niềm đam mê, cô phải xin thêm tiền từ gia đình để tiêu.
Bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt lên hoàn cảnh và dũng mãnh bước lên bục mà chưa một lần những thiên sứ tình yêu trong trái tim NHM (bóng đá nam) đặt chân tới: Bục nhận huy chương vàng SEA Games.
Tú Chinh cùng các đồng đội giúp điền kinh Việt Nam vượt mặt Thái Lan tại nội dung chạy tiếp sức, không chỉ có vậy các cô còn phá kỷ lục SEA Games ở cự ly 4x100 mét.
Trong khi đội tuyển bóng đá nam sang tận Hàn Quốc tập huấn thì 4 cô gái vàng vừa giúp thể thao Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đoạt HCV ở nội dung 4x100m thậm chí còn không được hỗ trợ tiền máy bay để tập trung cùng nhau. Vẫn biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Bóng đá ở đâu trên thế giới cũng "hoành tráng" hơn so với những môn thể thao khác. Tuy nhiên, chênh lệch như ở Việt Nam thì hiếm lắm.
Như câu chuyện vừa kể ở đầu bài: Nếu người Mỹ có thể bỏ hẳn đi niềm tự hào quyền anh hạng nặng để tập trung phát triển vào hạng mục mà họ thật sự có một nhân tài để rạng danh toàn thế giới, thì tại sao thể thao Việt Nam không nâng tầm những cô gái vàng điền kinh, những Ánh Viên hay Kim Sơn lên ngưỡng để họ có thể trở thành một Floyd Mayweather, thay vì cố đi tìm Mike Tyson phiên bản 2, 3…