Với nhiều người, sẽ là một giấc mơ nếu thức dậy ở đất nước nhiệt đới và xỏ giày chạy dọc bãi biển, dưới ánh nắng xuyên qua các tán cọ và đón nhận làn gió mát thổi vào từ Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên thực tế không lãng mạn như vậy, nếu bạn là một vận động viên và sống ở Timor-Leste (hay Đông Timo trước đây).
Hàng ngày, từ khi trời còn tối đen và vợ con đang say ngủ, Aguida Amaral đã rời nhà. Cùng với đôi giày mòn vẹt và bộ đồ thể thao rẻ tiền, cô bắt đầu chạy dọc theo những con đường bụi bặm ở thủ đô Dili hoặc trên bãi biển lổn nhổn đá sỏi và rác. Vào những lúc khác, Amaral sẽ tập luyện trên đường pitch của sân vận động Taci-Tolu, nơi đầy rẫy ngựa và dê thả rông.
Đó là năm 2000 và Amaral, một cảnh sát, đang chuẩn bị tập luyện cho Olympic Sidney. Và Amaral cảm thấy cuộc sống này quá tốt. Chỉ trước đó 1 năm, cô bị tách khỏi chồng và sống trong trại tị nạn cùng với 3 đứa con. Ngôi nhà của cô đã bị đốt cháy cùng với toàn bộ tài sản, bao gồm đôi giày chạy.
Aguida Amaral, VĐV điền kinh huyền thoại của Timor-Leste.
"Mỗi khi nghe tiếng súng, tôi luôn tự hỏi bao giờ sẽ đến lượt mình và gia đình", Amaral nói với tờ Telegraph. "Tôi đã rất sợ. Và khi biết đã sống sót, dù mất hết tài sản, tôi vẫn cảm thấy may mắn hơn nhiều người".
Amaral chỉ được trở về nhà khi có sự can thiệp của quân đội Australia, sau đó tiếp tục chạy khi mang thai đứa con thứ 4 với đôi chân trần, băng qua những đống đổ nát và các ngôi nhà cháy dở. Rồi cô đến Olympic, mặc dù chỉ về đích thứ 43, song vẫn tốt hơn 8 VĐV khác không hoàn thành quãng đường đua.
Cũng cần lưu ý, Amaral chỉ cao 1m49, có nghĩa cô phải nỗ lực gấp đôi so với những VĐV khác. Và trong điều kiện ít tiếp xúc với bên ngoài, đặc biệt chưa bao giờ tham gia vào các cuộc thi lớn, Amaral đã quỳ xuống vạch đích khi… vẫn còn 1 vòng chạy nữa. Cho đến khi quan chức IOC tiến đến và nhắc nhở, cô lại đứng lên và chạy tiếp trong tiếng hoan hô như sấm dậy từ các cổ động viên.
Amaral tưởng cuộc đua đã kết thúc và quỳ xuống, nhưng vẫn còn 1 vòng chạy nữa.
Dù sao thì thành tích cũng không có nhiều ý nghĩa với Amaral cũng như Timor-Leste. Việc góp mặt và đưa lá cờ đất nước chỉ hơn 1 triệu dân tung bay ở Thế vận hội đã là một thành công lớn, giúp họ rũ bỏ quá khứ dữ dội đến mức nhiều người nói đùa, "lần gần nhất tôi chạy là khi quân đội Indonesia đang đuổi theo đằng sau".
Vốn là thuộc địa của Bồ Đào Nha suốt 500 năm, Timor-Leste giành độc lập vào tháng 11/1975. Nhưng chỉ 9 ngày sau, quân đội Indonesia tràn đến và sáp nhập vào lãnh thổ. Sự phản kháng của Timor-Leste dẫn đến việc gần 1/3 dân số bị giết chết và đất nước bị tàn phá vào năm 1999. Đến năm 2002, họ mới giành độc lập hoàn toàn sau thỏa thuận hòa bình do Liên Hiệp Quốc đứng ra làm trung gian.
Là một quốc gia non trẻ và bị tàn phá, lại tiếp tục mất an ninh trong những năm sau độc lập, Timor-Leste gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng đất nước. 1,1 triệu dân của họ nằm trong số những người nghèo nhất thế giới với mức thu nhập thấp.
Timor-Leste giành Huy chương Vàng đầu tiên ở Sea Games 26 với môn Shorinji Kempo.
Sau nhiều năm, Amaral đã trở thành HLV và đời sống Timor-Leste tuy có cải thiện, song các VĐV, học trò của cô, vẫn thiếu thốn nhiều thứ, từ chế độ dinh dưỡng đến các chất bổ sung. Như hồi huấn luyện Augusto Ramos Soares tham dự Olympic 2012, Amaral nói một cách đơn giản, rằng "chỉ cần cậu ấy ngủ đẫy giấc, mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Tuy nhiên vượt qua nghịch cảnh, các VĐV Timor-Leste vẫn chiến đấu theo tinh thần của Amaral, không bao giờ bỏ cuộc và thi đấu với niềm tự hào về một đất nước bất khuất. Cho đến nay, sau 8 kỳ tham dự Sea Games, Timor-Leste đã có 29 Huy chương, bao gồm 3 Huy chương Vàng. Đáng chú ý là cả 3 tấm Huy chương Vàng họ có đều ở môn Shorinji Kempo, tức "Thiếu Lâm Tự quyền pháp", vốn là thế mạnh của Indonesia và được đưa vào lần đầu ở Sea Games 26 tổ chức tại chính Indonesia.
Lần này không có Shorinji Kempo, nhưng Timor-Leste đặt niềm tin sẽ giành Vàng ở các môn như taekwondo, bắn súng, karatedo, pencak silat, quyền Anh, cử tạ, đạp xe, bơi lội và bóng chuyền bãi biển. Các VĐV cũng biết rằng sẽ chơi với đằng sau là hơn 1 triệu dân Timor-Leste và rất nhiều người hâm mộ Đông Nam Á. Họ không bao giờ cô đơn.