Sau vụ Thành Bưởi: Nhà xe quay đầu vào bến

THU HỒNG - ANH VŨ, Theo Người lao động 11:09 15/11/2023

Sau khi cơ quan chức năng xử lý mạnh tay các vi phạm của nhà xe Thành Bưởi, từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều nhà xe xin vào Bến xe Miền Đông mới hoạt động.

Việc nhà xe tấp nập đăng ký vào bến hoạt động được các chuyên gia vận tải đánh giá là tích cực. Tuy nhiên, để duy trì, cơ quan quản lý cần tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của nhà xe ngoài bến, lập lại môi trường vận tải hành khách an toàn, lành mạnh.

Sau vụ Thành Bưởi: Nhà xe quay đầu vào bến - Ảnh 1.

Hành khách mua vé tại Bến xe Miền Đông mới sáng 14-11 (Ảnh: THU HỒNG)

Tìm bến đi an toàn

Tuy là đầu tuần nhưng sáng 14-11, tại các quầy vé của Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức, TPHCM) khá đông đúc. Quầy vé của hãng xe Phương Trang, nhiều hành khách hỏi mua vé về Quy Nhơn và Nha Trang.

Mua 2 vé cùng vợ về Nha Trang dự đám cưới người thân, anh Nguyễn Xuân Tính (ngụ quận 12, TP HCM) cho biết trước đây anh hay đón xe quen ở ngoài bến, từ ngày nhà xe Thành Bưởi gây tai nạn, anh lo ngại và chuyển sang đi xe trong bến. "Tuy phải mất thêm 100.000 đồng để đón xe công nghệ ra Bến xe Miền Đông mới nhưng ở đây không mất nhiều thời gian; phương tiện và tài xế được ban quản lý bến kiểm tra kỹ trước khi xuất bến nên an tâm hơn" - anh Tính nói.

Không chỉ ở quầy vé của nhà xe Phương Trang, một số nhà xe khác đi các tuyến miền Trung như Thuận Thảo, Cúc Tùng… cũng có khách đến mua vé đi ngay. Một nhân viên bán vé ở đây cho biết: Trước đây, khách rất vắng vào những ngày đầu tuần nhưng từ đầu tháng 10 đến nay, lượng khách liên tục tăng. Không chỉ nhà xe vui mà nhân viên cũng phấn khởi vì khách đã chịu vào bến.

Ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Ban Bến xe Miền Đông mới, cho biết từ ngày 1-10 đến nay, lượng khách tăng khoảng 200 lượt/ngày, đặc biệt vào 2 ngày cuối tuần, tăng gần gấp đôi.

Cụ thể, khi thực hiện di dời giai đoạn 2 (từ ngày 11-10-2022 đến hết ngày 14-9-2023), mỗi ngày bến tiếp nhận khoảng 2.400 lượt khách với khoảng 173 chuyến xuất bến. Giai đoạn thực hiện sau khi di dời thêm một số tuyến từ Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) và có sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý của các cơ quan chức năng về tình hình "xe dù, bến cóc", số lượng xe xuất bến tăng nhẹ với 178 lượt xe/ngày, vận chuyển 2.574 lượt khách. Riêng ngày cao điểm, cuối tuần lên đến 258 lượt xe/ngày với 4.876 lượt khách/ngày.

Giải thích về lượng khách tăng nhẹ, theo ông Hải, có thể sau vụ tai nạn của nhà xe Thành Bưởi, nhiều hành khách lo ngại về sự an toàn nên chọn xe trong bến. Không chỉ vậy, từ ngày 1-10 đến nay, có 9 đơn vị vận tải xin vào bến hoạt động với 15 tuyến, 58 chuyến/ngày. Trong số 9 đơn vị xin vào bến, nhiều đơn vị chạy xe hợp đồng bên ngoài, một số đơn vị mở tuyến mới. Hiện nay hồ sơ xin vào bến của 9 đơn vị đã được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) 2 đầu bến chấp thuận.

Cạnh tranh bình đẳng

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách ô tô TP HCM, cho rằng sau khi cơ quan chức năng kiểm tra nhà xe Thành Bưởi đã lộ ra nhiều vi phạm trong loại hình xe hợp đồng. Do đó, nhiều hành khách có tâm lý e ngại đã di chuyển vào Bến xe Miền Đông nên lượng khách tăng nhẹ là điều dễ hiểu.

Theo ông Tính, xe dù, bến cóc không chỉ là xe chạy sai tuyến và đậu đỗ không đúng quy định - đây là các lỗi cơ quan chức năng thường xử lý mà phải mở rộng định nghĩa: Xe dù, bến cóc là những xe, những bến hoạt động không đúng quy định. Từ đó, công an, thanh tra giao thông, địa phương căn cứ vào các quy định hiện hành để xử lý nghiêm.

"Không chỉ ra quân rầm rộ sau vụ tai nạn của nhà xe Thành Bưởi, theo tôi, cơ quan chức năng cần duy trì kiểm tra, xử lý các nhà xe vi phạm hoạt động ngoài bến để lập lại trật tự vận tải hành khách bằng ô tô. Từ đó lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xe trong và ngoài bến. Để thu hút nhà xe, hành khách vào bến, Bến xe Miền Đông mới cần tổ chức khâu trung chuyển tốt hơn, cải tiến cung ứng dịch vụ cho nhà xe, tránh phí chồng phí, phải công khai, minh bạch trong phân chia chuyến, chỗ đậu…" - ông Tính đề xuất.

Là doanh nghiệp (DN) hoạt động trong Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe Miền Đông, ông Nguyễn Đăng Tấn Ái, Giám đốc HTX Xe khách liên tỉnh và du lịch Miền Đông, cho rằng việc cơ quan chức năng ra quân xử lý mạnh tay với các đơn vị hoạt động ngoài bến sẽ góp phần chấn chỉnh tình trạng hoạt động xe khách bát nháo hiện nay. Qua đó, góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN vận tải. Thực tế, nhà xe trong bến ngoài việc đóng thuế, phí cho nhà nước, bến xe còn chịu sự kiểm soát chặt chẽ của ban quản lý bến trong khi xe ngoài bến không phải đóng phí bến bãi, thuế mập mờ, tự kiểm soát phương tiện…

Sau vụ Thành Bưởi: Nhà xe quay đầu vào bến - Ảnh 2.

Bãi xe Hà Phương trên đường Liên Phường, TP Thủ Đức, TP HCM vẫn hoạt động (Ảnh: ANH VŨ)

Vẫn còn nhà xe "núp bóng"

Không rầm rộ, công khai như trước đây, hoạt động đón, trả khách của các hãng xe ngoài bến có phần kín kẽ và cảnh giác hơn sau đợt kiểm tra Công ty Thành Bưởi. Tại đường Liên Phường (TP Thủ Đức) - tuyến đường có rất đông nhà xe hoạt động - im ắng hơn ngày thường. Rầm rộ nhất là từ khoảng 15 giờ - 20 giờ, cứ 30 phút là có 1 - 2 xe khách của những nhà xe này xuất hoặc cập bến. Buổi chiều cũng là thời gian các xe tiếp nhận hàng hóa nên shipper, hành khách ra vào liên tục.

Dọc đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quốc lộ 13, Quốc lộ 1 (TP Thủ Đức)... hàng loạt xe dù, bến cóc vẫn hoạt động. Tại số nhà 124 Kha Vạn Cân (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), khoảng 16 giờ ngày 10-11, nhiều hành khách tập trung ở đây chờ xe. Lúc này xe khách Ngọc Ánh cũng nổ máy, nhân viên vội để vali, hàng hóa của khách vào gầm xe. Ngoài ra, xe Trung Kén (đi Bình Phước), Phượng Hoàng (đi Hà Nội), Hoàng Long (tuyến Bắc - Nam), Tân Xuân Phúc (đi Bình Định), Quý Liên (Khánh Hòa)... cũng chờ đón khách lên xe.

Cách đó không xa, tại số 19 Quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), hành khách ngồi chờ la liệt trước bãi xe Đệ Nhất. Cổng bãi xe này được khép hờ nhưng khách tay xách vali, hàng hóa ra vào liên tục.

Cũng trên Quốc lộ 13, nhà xe Minh Nghĩa ở số 816 chiều nào cũng có hơn 10 hành khách ngồi chờ xe. Đông đúc hơn là bãi xe của Công ty TNHH Vận tải Thành Công - Chi nhánh Hiệp Bình Phước (số 834, phường Hiệp Bình Phước). Nhiều biển hiệu ghi rõ chỉ chở hàng hóa nhưng luôn có hơn 20 hành khách trong bến, đây là "bến" của nhà xe đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Còn tại bãi xe số 397 Đinh Bộ Lĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh), hành khách cũng "tay xách nách mang" liên tục ra vào dù dán bảng thông báo không đón, trả khách và chỉ lên xuống hàng hóa.

Tăng cường kiểm tra các nhà xe trá hình

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, khẳng định sẽ lập thêm các đoàn kiểm tra đột xuất các nhà xe "núp bóng". Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2023, sở sẽ kiểm tra từ 2 đến 3 DN vận tải có dấu hiệu vi phạm và lên kế hoạch kiểm tra cho năm 2024.

Theo ông Lâm, nếu cần thiết sẽ lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm Sở GTVT, Cục Thuế, BHXH... xử lý nghiêm các DN vi phạm nhiều lần như Thành Bưởi vừa qua. Để xử lý triệt để xe dù, bến cóc rất vất vả nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được. Trong đó cần sự phối hợp chặt chẽ của 3 "chân kiềng" gồm Công an thành phố, Sở GTVT và chính quyền địa phương.

Sắp tới, Sở GTVT TPHCM sẽ tăng cường đối thoại với DN. Những DN nào thường vi phạm sẽ mời ký cam kết, thành lập bộ phận theo dõi, trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ nhằm nhắc nhở kịp thời, theo dõi, kiểm tra đột xuất những DN vi phạm.