Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng để lại tài sản cho con cái sau khi họ qua đời. Thế nhưng bà Lâm, 1 người phụ nữ đến từ Trung Quốc lại không đi theo số đông. Bà quyết định để lại tiền tiết kiệm cho người đối xử hết lòng với mình khi đau ốm.
Tự chủ tài chính, không phụ thuộc vào con cái
Bà Lâm năm nay 66 tuổi, đã nghỉ hưu nhiều năm. Bà sống 1 cuộc đời an nhàn và bình yên, mỗi tháng nhận mức lương hưu 6.200 NDT (khoảng 20 triệu đồng). Hai vợ chồng bà Lâm chỉ sinh được 1 cô con gái duy nhất. Nhiều năm nay, cô gái này chính là niềm tự hào của vợ chồng bà. Từ khi con còn nhỏ, bà Lâm đã không cần lo lắng quá nhiều cho con. Con gái bà có lực học tốt, luôn đứng đầu về điểm số trong các kỳ thi. Cuối cùng, sau bao nhiêu nỗ lực cô gái này cũng đỗ vào 1 trường đại học danh tiếng nên càng làm bố mẹ yên lòng.
Tuy nhiên, gia đình đang êm ấm bà Lâm lại nhận 1 cú sốc lớn trong đời. Bà chứng kiến chồng rời xa mình mãi mãi sau 1 vụ tai nạn bất ngờ. Sau đó, bà mất rất nhiều thời gian mới có thể vực dậy được.
Lúc này, con gái bà Lâm đã tốt nghiệp đại học, kiếm 1 công việc ổn định ở doanh nghiệp có tiếng. Thế nhưng vì đặc thù công việc, người này rất ít về thăm gia đình. Ngay cả khi bố mới mất, cô gái này cũng không thể ở bên mẹ lâu, chỉ về vài ngày rồi nhanh chóng thu xếp hành lý trở lại thành phố.
Không chỉ vậy, cô còn hiếm khi gọi điện về cho mẹ. Bà Lâm cũng không tiện gọi nhiều vì lo sợ sẽ làm phiền con. Một năm con gái chỉ về thăm nhà 1 vài lần nhưng người phụ nữ U70 không hề trách móc. Bà nghĩ rằng đó là công việc của con nên mình cần tôn trọng, con chăm chỉ và nỗ lực làm việc cũng để có cuộc sống tốt hơn.
Người phụ nữ U70 sống 1 mình ở quê nhà. Ảnh minh họa: Internet
Nhìn chung, cuộc sống của bà Lâm vẫn ổn vì bà có lương hưu nên có thể tự lo cho mình. Hàng ngày, bên cạnh việc ăn uống, nghỉ ngơi, bà còn tập thể dục, thường xuyên thăm hỏi họ hàng anh em. Không chỉ vậy, bà còn chăm chỉ đọc sách, đi dạo, trồng thêm hoa ở trước hiên nhà.
Bà Lâm sống ở nông thôn nên gần nhà anh em ruột thịt. Dù bố mẹ đã mất nhưng bà còn 1 người anh trai sống gần đó. Anh trai và chị dâu luôn có mặt hỗ trợ bất kể khi nào bà Lâm cần, đặc biệt là những lúc gặp khó khăn. Chưa hết, cháu trai cũng đối xử chân thành với bà Lâm, thường xuyên qua nhà thăm hỏi, giúp đỡ. Bà Lâm luôn cảm thấy may mắn khi bên cạnh mình có những người thân tình cảm, chân thành đến thế. Bởi vậy, dù sống 1 mình nhưng người phụ nữ U70 không cảm thấy cô đơn.
Quyết định để lại tài sản cho cháu ruột
Chuyện sẽ không có gì xảy ra nếu như bà Lâm không ngã bệnh. Bà được gia đình anh trai đưa tới bệnh viện địa phương, bác sĩ chẩn đoán bị xơ cứng động mạch cảnh và phải nằm viện để điều trị. Khi người phụ nữ này liên lạc với con gái, cô đã nhanh chóng về nhà. Tuy nhiên, người này chỉ ở lại 1 buổi và đưa cho bà Lâm số tiền 50.000 NDT (166 triệu đồng) rồi quay trở lại thành phố. Cô tiếp tục lấy lý do công việc đang gặp nhiều khó khăn nên không thể nào ở lại chăm sóc mẹ. Vì vậy, cô chỉ có thể hỗ trợ mẹ về vấn đề tài chính mà thôi.
Trong lúc này, bà Lâm cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình anh trai. Tuy nhiên bà có đủ tiền để có thể lo cho mình mà không cần ai giúp đỡ về tiền bạc. Vì vậy, cách cư xử của con gái khiến bà Lâm rất buồn lòng. Bà chỉ muốn có thời gian bên con nhưng ngay cả khi đau ốm con gái vẫn không bớt chút thời gian cho bà.
Thời gian này, bà Lâm được vợ chồng cháu ruột chăm sóc. Họ hàng ngày dành thời gian tới thăm bà Lâm, chuẩn bị cơm nước cho bà chu toàn. Nhiều bác sĩ trong bệnh viện còn tưởng rằng họ là con ruột của người phụ nữ U70.
Khi nhập viện, bà được cháu ruột chăm sóc thay vì con gái. Ảnh minh họa: Internet
Bà Lâm chủ động trả tiền cho các cháu vì họ đã mua cơm, mua đồ dùng sinh hoạt cho bà trong thời gian nằm viện nhưng những người này đều từ chối. Họ coi đó là khoản tiền nhỏ không cần kể tới và việc chăm sóc bà Lâm đến từ tình cảm chân thành dành cho bà.
Sau nhiều năm sống tiết kiệm, người phụ nữ U70 có được khoản tiết kiệm khoảng 100.000 NDT (333 triệu đồng). Từ trước tới giờ bà luôn dự định sẽ để lại khoản tiền này cùng với ngôi nhà cho con gái.
Tuy nhiên, khoảng thời gian bà Lâm nằm viện đã có quá nhiều thứ xảy ra. Vì vậy bà đưa ra 1 quyết định ít ai ngờ. Bà quyết định chuyển số tài sản mà mình có cho cháu ruột. Sau khi bà qua đời, đây sẽ là món quà mà bà dành cho các cháu vì đã đối xử với bà chẳng khác gì bố mẹ.
Bà Lâm cũng nhận ra rằng con gái không hề có tình cảm với mình mà chỉ làm mọi thứ vì trách nhiệm. Trong cuộc sống, gia đình và tình thân là thứ đáng trân trọng. Chúng ta có thể kiếm được công việc, tiền bạc nhưng tình thân là thứ đã mất đi thì không thể tìm lại được.
Theo Toutiao