Sau cụ bà 68 tuổi bị lừa 15 tỷ, thêm cụ bà 77 tuổi ở Hà Nội mất gần 18 tỷ đồng vì kẻ giả danh công an

Trang Anh, Theo Đời sống Pháp luật 09:50 15/05/2024

Mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác rồi sập bẫy.

Ngày 14/5 Công an Hà Nội cho biết, một cụ bà 77 tuổi ở quận Tây Hồ đã bị mất gần 18 tỷ đồng khi sập bẫy thủ đoạn giả danh cơ quan Công an gọi điện.

Cụ thể, vào ngày 05/5, Công an quận Tây Hồ tiếp nhận thụ lý đơn tố giác của bà T (77 tuổi; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) về việc bị chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo, bà T có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Do lo sợ bà T đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền là gần 18 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà T biết mình bị lừa nên đã cơ quan Công an trình báo.

Theo công an Hà Nội, đây là thủ đoạn rất cũ, mặc dù cơ quan chức năng đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản này nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy.

Sau cụ bà 68 tuổi bị lừa 15 tỷ, thêm cụ bà 77 tuổi ở Hà Nội mất gần 18 tỷ đồng vì kẻ giả danh công an - Ảnh 1.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắm đến người lớn tuổi, dễ tin - Ảnh minh hoạ tạo bởi AI Chat GPT

Ngay mới đây, Công an quận Hà Đông cũng đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 15 tỷ đồng. Nạn nhân là bà P., 68 tuổi, trú tại Hà Đông, Hà Nội.

Cụ thể, ngày 5/4, bà P. nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an, người này nói CCCD của bà P. có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền. Nếu bà P. không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bắt bà. Do lo sợ nên bà P. đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh.

Theo Công an Hà Nội, nạn nhân đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà P. biết mình bị lừa nên đã trình báo cơ quan công an.

Hồi tháng 2 cũng có một phụ nữ 59 tuổi ở Tây Hồ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 1,4 tỷ đồng. Theo trình báo của nạn nhân là bà T., người phụ nữ nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Sau cụ bà 68 tuổi bị lừa 15 tỷ, thêm cụ bà 77 tuổi ở Hà Nội mất gần 18 tỷ đồng vì kẻ giả danh công an - Ảnh 2.

Hình ảnh các đối tượng mạo danh cán bộ công an thực hiện cuộc gọi lừa đảo - Ảnh: CA Hà Nội

Người này nói bà có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và yêu cầu bà kết bạn Zalo. Sau đó bà nhìn thấy một người mặc trang phục Công an nhân dân trong cuộc gọi video yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh.

Lúc này, bà T. đã chuyển 1,4 tỷ đồng cho đối tượng. Sau đó, bà biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.

Riêng bị hại địa bàn TP Hà Nội bị chiếm đoạt gần 36 tỷ đồng

Ngày 6/4, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao phối hợp rà soát 28 người là bị hại trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, các đối tượng liên quan đã giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội rồi đe dọa người dân rằng họ có liên quan đến vụ án ma túy, bắt cóc trẻ em, rửa tiền.

Một số nạn nhân còn bị kẻ gian đe dọa bằng cách thông báo thuê bao di động của họ liên quan đến hành vi trái pháp luật và sẽ bị cắt thuê bao.

Các đối tượng còn thông báo bị hại sắp có lệnh bắt tạm giam, phong tỏa tài sản; có trường hợp kẻ lừa đảo làm giả lệnh bắt gửi qua mạng xã hội cho bị hại để uy hiếp. Khi nạn nhân lo sợ, chúng yêu cầu phải họ đến ngân hàng đăng ký tài khoản và dịch vụ ngân hàng điện tử, cung cấp thông tin đăng nhập, mã OTP cho chúng.

Thậm chí, có người còn đi rút sổ tiết kiệm, vay tiền gửi vào tài khoản mới mở. Khi chiếm được quyền quản lý tài khoản, tội phạm chuyển hết tiền đến các tài khoản khác của chúng rồi chiếm đoạt.

Cơ quan công an xác định có 28 bị hại trên địa bàn TP Hà Nội đã bị chiếm đoạt tổng số tiền gần 36 tỷ đồng. Trong số này, một trường hợp là vợ chồng hưu trí (có con làm trong ngành công an) bị chiếm đoạt 10 tỷ; trường hợp khác là vợ chồng lớn tuổi cũng bị mất 10 tỷ.

Một số nạn nhân có người nhà làm ngân hàng vẫn bị kẻ gian lừa chiếm đoạt gần 700 triệu đồng. Thậm chí, có bị hại còn rút cả tiền gửi tiết kiệm và tiền bán khoảng 20 cây vàng (tổng cộng 1,9 tỷ) để gửi.

Cũng theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng 18 tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ bị hại gồm: 3 tài khoản ngân hàng VPBank, 2 tài khoản mở tại VIB; 2 tài khoản mở tại TPBank; 2 tài khoản tại Techcombank. Còn lại là các tài khoản mở tại MBBank, ABBank, Vietinbank, VietBank, Vietcombank, ACB, SHB.

Công an thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày