Nhiều vụ dàn cảnh cướp giật ngay trên phố đi bộ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM) được xem là công trình trọng điểm, là bộ mặt của thành phố từ khi đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2015. Phố đi bộ cũng đã tạo ra nét văn hóa mới khi là nơi giao lưu, vui chơi giải trí, đi dạo của người dân trong và ngoài nước.
Với số lượng lên đến hàng nghìn người cùng tập trung tại một địa điểm đã vô tình tạo cơ hội cho nhiều kẻ cướp giật, dàn cảnh để trộm túi xách, điện thoại, trang sức… của người dân đến phố đi bộ vui chơi.
Phố đi bộ luôn đông đúc khi đêm về.
Mới đây nhất vào tối ngày 18/6, một cô gái được cho đã bị một người phụ nữ lớn tuổi đi cùng đứa trẻ dàn cảnh cướp điện thoại trắng trợn trên phố đi bộ. Tuy nhiên, nhờ cảnh giác, cô đã kịp thời phát hiện và truy hô nên kẻ cướp ra tay bất thành. Sau sự việc, K.N (cô gái bị cướp) chia sẻ rằng cô cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Đồng thời K.N cũng mong muốn mọi người dạo chơi trên phố đi bộ đề phòng cảnh giác hơn.
Hai đối tượng mà cô gái K.N cho rằng đã dàn cảnh cướp giật điện thoại của cô vào tối ngày 18/6.
Là một trong những nạn nhân nên K.N chia sẻ thêm về cách đối phó với vấn nạn trên là nếu ra phố đi bộ nên đi theo nhóm có nam và nữ. Nếu có chụp ảnh thì nên có dây đeo vào cổ để hạn chế cướp còn không thì phải bỏ điện thoại trong túi xách, đeo cẩn thận bên người.
Một nạn nhân khác là chị V.T (quận Bình Thạnh) bị cướp giật điện thoại iPhone 5s cho biết, cách đây 2 tháng tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, chị cũng đã bị phụ nữ và đứa bé giả vờ hỏi đường rồi giật điện thoại trong túi quần.
Phố đi bộ là nơi chụp ảnh của rất nhiều người, và những chiếc điện thoại của người dân luôn trong tầm ngắm của kẻ cuớp.
"Lúc đó tôi đang ngồi tại sát con đường có phương tiện di chuyển thì có một người phụ nữ tới giả vờ hỏi đường, sau đó bất ngờ có một đứa bé (khoảng 10 tuổi) thò tay móc điện thoại trong túi tôi. Khi tôi kịp thời phát hiện chụp lại thì đứa bé vội rút tay ra bỏ chạy lẫn vào đám đông còn người phụ nữ cũng chạy thoát thân. Tôi hoảng hồn quá không thể hô hoán được gì và cũng may vì chưa mất điện thoại nên cũng không trình báo công an", chị T. kể lại.
Theo chị T., sau sự việc chị không dám đến phố đi bộ vui chơi nữa vì nơi vui chơi, thả bộ thư giãn mặc dù có sự tuần tra kiểm soát thường xuyên của lực lượng bảo vệ nhưng cũng không an toàn.
Dạo phố cũng cần cảnh giác
Trước thực trạng nhiều trường hợp dàn cảnh cướp giật xảy ra liên tục trong thời gian qua, nhiều ý kiến trái chiều nói về việc cướp giật có một phần lỗi do nạn nhân đeo nhiều trang sức hay điện thoại có giá trị cao tạo cơ hội cho kẻ xấu ra tay.
Tuy nhiên hầu hết các nạn nhân đều cho rằng vấn đề ấy không quan trọng bằng việc tăng cường đảm bảo an ninh để kiểm soát cướp giật. Bạn Lê Duy Văn (19 tuổi, sinh viên) đang dạo chơi ở phố đi bộ Nguyễn Huệ chia sẻ: "Lần đầu tiên em đến phố đi bộ và nghe tình trạng cướp giật ở đây nên cũng đang rất hoang mang. Em nghĩ mọi người khi đến nơi công cộng như phố đi bộ cũng nên cân nhắc đến việc mang đồ trang sức hay điện thoại có giá trị cao vì sợ cướp sẽ nhòm ngó".
Duy Văn chia sẻ rất lo lắng sau khi biết tin tại phố đi bộ thường xuyên xảy ra cướp giật.
Còn theo K.N (nạn nhân bị cướp điện thoại), việc đeo trang sức làm đẹp là quyền cá nhân của mỗi người nên không thể cấm được. Tuy nhiên cần phải thận trọng trong việc "khoe" trang sức đắt tiền ở nơi đông người.
Khi phố đi bộ được hoàn thành, hàng loạt camera khép kín cũng được lắp đặt ở khắp mọi nơi để hỗ trợ cho việc đảm bảo an ninh trật tự tại đây. Được biết, kể từ sau 3 vụ cướp giật liên tiếp xảy ra vào tối ngày 30/4, 1/5 và 2/5 vào năm 2015 tại phố đi bộ thì lực lượng an ninh ở đây cũng được tăng cường để ổn định trật tự, ngăn chặn "đạo chích".
Hai bên phố đi bộ, nơi có hàng cây che khuất camera là nơi cướp giật hay ra tay.
Thế nhưng theo ghi nhận của chúng tôi trong thời gian qua lực lượng bảo vệ tại phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn khá mỏng mà số lượng người đến chơi phố đi bộ lại quá đông, không thể kiểm soát hết các tình huống.
"Tình hình dàn cảnh ở phố đi bộ không thể kiểm soát hết được vì người đến đây quá đông trong khi lực lượng bảo vệ có hạn. Bọn cướp có nhiều chiêu trò rất tinh vi như đi theo gia đình gồm bố mẹ và con, hai bà cháu hoặc bạn bè đi 4-5 người. Chúng theo dõi ở khu vực hai bên khuất sau camera chờ nạn nhân sơ ý rồi giật bỏ chạy thẳng vào nơi đông người", anh Nguyễn Thanh Bình - lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ tại phố đi bộ cho biết.
Nhiều người sử dụng điện thoại ở phố đi bộ khá lơ là, không hề cảnh giác xung quanh.
Ngoài ra, theo thông tin từ Công an phường Bến Nghé (quận 1), kể từ khi phố đi bộ Nguyễn Huệ được đưa vào hoạt động, đơn vị đã tiếp nhận nhiều trường hợp nạn nhân trình báo cướp giật. Cơ quan chức năng cho biết đối tượng thực hiện hành vi cướp giật móc túi thường là những kẻ đang hành nghề "đạo chích" chuyên nghiệp nên người dân cần hết sức cảnh giác.
Những vụ cướp giật đã xảy ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ:
- Tối ngày 30/4/2015, một kẻ gian giật iPad của một người đang chụp ảnh và đã bị công an bắt giữ cùng tang vật.
- 20h30 ngày 1/5/2015, một phụ nữ đang tản bộ cùng người thân thì bị 3 người phụ nữ áp sát dàn cảnh cướp giật dây chuyền trị giá 20 triệu đồng.
- Ngày 2/5/2015, một du khách nước ngoài đang đi dạo một mình bị một thanh niên móc túi lấy điện thoại rồi tẩu thoát.
- Ngoài ra cơ quan chức năng cũng đã nhận được rất nhiều trình báo việc bị cướp giật trên phố đi bộ. Mới nhất vào ngày 18/6 vừa qua, một cô gái cũng bị các đối tượng dàn cảnh cướp điện thoại nhưng bất thành.