Kết quả là sự bùng nổ các ứng dụng di động - hiện nay chỉ tính riêng cho iPhone đã có hơn 2 triệu ứng dụng - đã thay đổi đời sống hàng ngày của hàng tỷ người trên khắp thế giới.
Theo New York Times, App Store đã mở ra những cách thức mới để chúng ta làm việc và vui chơi - và khiến chúng ta bị phân tâm đến mức đôi lúc chúng ta "quên" rời mắt khỏi màn hình. Nó đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới – hãy thử tưởng tượng các dịch vụ đi nhờ xe như Uber sẽ như thế nào nếu không có các ứng dụng di động - và đẩy mạnh nhu cầu đối với các nhà phát triển phần mềm và các trường dạy lập trình.
Nhưng nó cũng đã mở ra một thời đại đầy lo lắng về công nghệ, với đầy rẫy những quan ngại rằng các ứng dụng đang phục vụ chúng ta... quá tốt và thu hút sự chú ý của chúng ta cho dù chúng ta muốn hay không.
Thế nhưng, những điều nói trên không hề diễn ra vào thời điểm cửa hàng ứng dụng của Apple ra mắt vào một ngày thứ Ba của 10 năm trước. Vào thời điểm đó, điện thoại di động có hay không cũng được, với các tính năng đã được lập trình bởi nhà sản xuất và khả năng tùy biến theo nhu cầu của người dùng chủ yếu giới hạn trong các nhạc chuông điện tử đơn giản.
Bản thân iPhone vẫn còn trong giai đoạn "chập chững biết đi", với chỉ 6 triệu thiết bị được bán trong năm đầu tiên ra mắt. Sau đó, App Store xuất hiện, mang đến 500 chương trình mà người dùng có thể tự cài đặt hoặc gỡ đi. Trong tuần đầu tiên, người ta tải xuống 10 triệu ứng dụng – phần lớn trong số đó là các trò chơi.
Các đối thủ cạnh tranh của Apple như Google, Amazon và Microsoft đã nhanh chóng giới thiệu các cửa hàng ứng dụng của riêng họ. Cùng nhau, các công ty này đã cho ra khoảng 7 triệu ứng dụng. Cùng lúc ấy, Apple đã bán được hơn một tỷ chiếc iPhone.
Sự phát triển vũ bão của các ứng dụng, và chính sự giàu có mà nó tạo ra, đã mở ra những cơ hội kinh doanh mới. Hàng tỷ đô la đã chảy vào túi các start-up thành công nhờ vào các vào ứng dụng của họ, từ Uber, Snapchat, Spotify, cho đến các nhà phát hành game như Rovio, tác giả của tựa game Angry Birds. Những cơ hội cho các nhà phát triển phần mềm cũng nở rộ theo.
Apple có lẽ được hưởng lợi nhiều hơn cả. Những ứng dụng "miễn phí" của họ thường hiển thị quảng cáo hoặc kiếm tiền từ hình thức trả phí định kỳ, hoặc từ tính năng giao dịch trong ứng dụng, trong khi những ứng dụng khác sẽ tính phí người dùng nếu muốn tải xuống. Apple tất nhiên thu một khoản phí nhỏ gọi là "hoa hồng", đôi lúc lên đến 30% giá trị ứng dụng.
App Store hiện nay là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của Apple. Cùng với các dịch vụ khác của Táo khuyết, App Store đã sinh lời đến 33 tỷ USD trong năm qua, tính đến tháng 3 vừa rồi. Công ty cho biết họ đã trả hơn 100 tỷ USD cho các nhà phát triển trong thập kỷ vừa qua.
Bên cạnh những lợi ích, App Store cũng có mặt tối. Trung tâm Công nghệ Nhân đạo - một nhóm được thành lập bởi các nhân viên trước đây của Google và Facebook, đã cáo buộc nhiều ứng dụng được thiết kế đặc biệt để thu hút sự chú ý của người dùng, gây ra những hệ quả không lường trước được. Điều này biến chúng thành "một phần của một hệ thống được thiết kế để khiến chúng ta bị nghiện" - nhóm này nói.
Apple cho biết họ cũng quan ngại điều tương tự. Để giải quyết vấn đề, công ty đã bổ sung một số công cụ mới vào iPhone để giúp theo dõi và kiểm soát thời lượng sử dụng của những ứng dụng tiêu tốn nhiều thời gian nhất của người dùng. Tuy nhiên, giải pháp này có hoạt động hay không, chúng ta sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.