Ngày 8/11, theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường vụ sập hầm vàng tại hang Cột Cờ (thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) khiến 2 phu vàng mắc kẹt, mặc dù đã huy động nhiều máy bơm nước, hút bùn, để cứu hộ nhưng lượng bùn lẫn đất, cát, sỏi đá trong hang còn quá nhiều khiến cho công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Trong buổi sáng hôm nay (8/11) một máy bơm công suất lớn có thể hút được lượng cát sỏi có trọng lượng hơn 1 tấn đã được chuyển từ Phú Thọ tới hiện trường để phục vụ công tác tìm kiếm.
Công tác cứu hộ cứu nạn vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Hình ảnh ghi nhận tại Hòa Bình vào sáng 8/11. Ảnh: Hữu Thắng
Công ty Điện lực Hòa Bình cũng tăng cường 01 máy phát điện loại 250kva, hiện cũng đang chở xuống hiện trường với hy vọng tăng cường thêm máy phát phát điện, máy hút bùn thì mới có thể hoàn thành được công việc cứu nạn, cứu hộ một cách sớm nhất.
Ngoài ra còn có 4 máy bơm, 8 máy xúc và hàng trăm chiến sĩ cán bộ thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, công tác cứu hộ cả ngày lẫn đêm.
Quá trình bơm hút nước, bùn tại hang vàng, nhiều lần máy bơm gặp trục trặc, sự cố khiến tiến độ cứu hộ bị hạn chế.
Theo ông Quách Tất Liêm, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng quân số tham gia cứu hộ đã hơn 100 người, bao gồm lực lượng công an, quân đội, PCCC, dân quân tự vệ và người dân địa phương.
Trả lời câu hỏi vì sao không đề nghị hỗ trợ lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp, ông Liêm cho biết, cũng đã cầu cứu nhiều nơi, trong đó có các công ty than ở Quảng Ninh có kinh nghiệm xử lý sự cố nhưng tất cả đều “bó tay” vì địa hình cứu nạn ở đây không bình thường, chỉ có thể sử dụng phương án hút bùn, dùng máy xúc ủi mở đường tiếp cận.
Công nhân bơm hút nước, bùn tìm kiếm hai phu vàng mắc kẹt.
Cơ quan chức năng xác định, 2 phu vàng gặp nạn là anh Bùi Văn Thú (SN 1990, thôn Đệt, xã Thanh Nông) và anh Trương Công Chánh (SN 1992, xã Thành Minh, Thạch Thành, Thanh Hóa). Bước đầu xác định, khi anh Chánh và Thú đang làm việc ở mỏ vàng trái phép trên thì nước từ bờ hồ phía ngoài cửa hang bị vỡ, bịt kín lối ra vào hang.
Tính đến chiều 8/11, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được vị trí các nạn nhân bị mắc kẹt. Theo nhận định, hy vọng sống sót của 2 người mắc kẹt trong hang gần như không còn.
Hàng chục máy xúc, máy bơm và hơn 100 người tham gia công tác cứu hộ.
Để mặc cho những giọt nước mắt lăn dài trên má, đôi mắt thất thần của chị Bùi Thu Trang - vợ nạn nhân Bùi Văn Thú dõi mắt về phía những người tìm kiếm, cứu nạn. Chẳng biết từ bao giờ những giọt nước mắt ấy đã làm ướt sũng nơi vạt áo buông hờ.
Trò chuyện với chúng tôi trong sự ngắt quãng của những tiếng nấc nghẹn, người phụ nữ ấy nói trong nỗi xót xa. “Mới buổi tối em còn gọi anh ấy có về ăn cơm không để 2 mẹ con còn chờ. Anh ấy chỉ nói là hôm nay ít người phải làm gấp nên không về rồi tắt máy. Thế rồi đến nửa đêm em bồn chồn dậy gọi cho anh ấy lần nữa nhưng không liên lạc được. Sáng sớm có người đến báo tin anh ấy gặp nạn”, chị Trang vừa nói vừa ôm dịt đứa con trai 6 tuổi vào lòng.
Chị Bùi Thu Trang, vợ của nạn nhân Bùi Văn Thú (thứ 3 từ trái sang) như hoá đá chờ tin chồng nơi lò khai thác vàng trái phép bị sập dưới chân núi Cột Cờ. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Nghĩ về người chồng còn mắc kẹt nơi hang sâu, chưa khi nào nước mắt người vợ trẻ ngừng rơi. Chị kể, 2 vợ chồng cưới nhau từ năm 2009. Do hoàn cảnh khó khăn nên 2 vợ chồng phải đi làm thuê ở nhiều nơi, mãi cho đến năm 2012 mới sinh con. Sau khi mẹ anh ấy mất thì 2 vợ chồng về ở với bố và anh Thú xin làm lái xe cho ông chủ Bưởng vàng trái phép. Chị Trang đi làm cho một nhà hàng nhưng chẳng may bị xe đâm gãy tay cách đây 4 tháng nên ở nhà từ đó đến nay. Vì thế, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng lương làm thuê của anh Thú.
Gia đình nạn nhân Trương Công Chánh cũng có hoàn cảnh rất khó khăn. Ở quê, anh Chánh có vợ và hai con nhỏ (cháu lớn 6 tuổi, cháu nhỏ 8 tháng tuổi). Khi nghe tin dữ, vợ Chánh khóc ngất, sức khỏe và tinh thần quá yếu không thể đến hiện trường ngóng tin chồng.
Người thân lập bàn thờ ngay ngoài cửa hang, cầu mong tìm thấy hai phu vàng.
Đã bước sang ngày thứ năm tìm kiếm tuy nhiên công tác cứu hộ vẫn gặp nhiều khó khăn. Người thân gần như bất lực chỉ biết chờ đợi, mỗi giờ mỗi phút trôi qua, ngọn lửa hy vọng trong họ dường như yếu dần. Mặc dù không muốn nhưng họ cũng chấp nhận thực tế là rất khó khăn để người thân mình vượt qua cơn đại hạn này.
“Nếu chẳng may các cháu không còn sống sót, chúng tôi cũng mong sớm tìm được thi thể chứ nằm dưới bùn và nước như kia lạnh lẽo lắm”, người thân của một phu vàng nức nở nói.
Công tác phục vụ những người làm nhiệm vụ cứu trợ cũng như người nhà 2 phu vàng được thực hiện tại chỗ nhằm chạy đua với thời gian trong quá trình tìm kiếm 2 phu vàng mất tích.
Ở diễn biến liên quan, Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, đã tạm giữ hình sự đối tượng Bạch Xuân Hưng - chủ bãi khai thác vàng trái phép để lấy lời khai củng cố hoàn thiện hồ sơ vụ án. Qua khám nghiệm hiện trường cho thấy, các đối tượng khai thác vàng trái phép đã vùi lấp một số trang thiết bị máy móc để phi tang.
Chạy đua với thời gian
“Với những vụ sập hầm có thể xảy ra nhiều tình huống, ví như nếu bị đất đá vùi lấp thì nạn nhân chắc chắn không thể sống được. Tình huống thứ hai, nếu chỉ bị bít cửa thì phụ thuộc nhiều yếu tố như không khí, nguồn thức ăn, nước uống có đủ hay không. Đặc biệt, trong điều kiện hang tối như vậy, nếu bị mắc kẹt và được cứu sống sau 2 tuần trở ra, nạn nhân sẽ đối mặt với các rối loạn về mặt thời gian, thị giác, định hướng không gian tâm lý và các hậu quả khá nặng nề về sức khỏe… Tuy nhiên, trong điều kiện đó, con người vẫn có thể tồn tại cả tháng nếu đủ không khí và nước mà không có đồ ăn.
Với trường hợp sập hầm vàng như trên, mọi khả năng đều có thể xảy ra, vì cũng có thể họ không bị vùi lấp trong đó. Chính vì vậy, công tác cứu hộ cần có giải pháp phù hợp để chạy đua với thời gian", BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Saint Paul) chia sẻ.