1. Sao con dốt thế - Dễ vậy mà con cũng không biết à?
Khi thấy con học kém nhưng chỉ bảo mãi trẻ cũng không tiến bộ, nhiều bố mẹ đôi khi sẽ tức giận mà dùng những lời nói coi thường con mình. Tuy nhiên, đây là một trong những cách tệ nhất khi dạy con học, có thể khiến bé xấu hổ, mất tự tin và hoang mang. Những đứa trẻ có tâm lý yếu sẽ bị ám ảnh và không bao giờ quên được câu nói này.
Nếu cha mẹ nói những lời tương tự với con cái trong thời gian dài sẽ giáng một đòn mạnh vào lòng tự tin của con cái. Trẻ sẽ thấy sợ hãi, vô tình nảy sinh những cảm xúc phủ nhận bản thân, cho rằng mình kém cỏi và hình thành thói quen "giấu dốt". Lâu dần, trẻ đánh mất lòng tự trọng, hủy hoại sự tự tin, thu mình lại, thậm chí phát triển tâm lý tự kỷ.
Trong trường hợp này, cha mẹ nên bình tĩnh, kiên nhẫn hơn với con mình. Đặc biệt nên cho trẻ thêm thời gian để học hỏi và tiến bộ hơn từng ngày. Không nên cười chê trẻ mà hãy khuyến khích con chăm chỉ học hành, tạo không khí vui vẻ để bé không bị căng thẳng và tiếp thu tốt hơn.
2. Nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu!
Trong quá trình lớn lên, trẻ thường rất thích thú và tò mò với tất cả những thứ mới lạ. Vì thế sẽ có những lúc, chúng bày tỏ những mong muốn và nhu cầu của mình với hy vọng được bố mẹ đáp ứng. Tuy nhiên không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể chiều lòng trẻ và đưa ra nhiều lý do khác nhau để giải thích. Thay vì chân thành và thẳng thắn giải thích với con tại sao chúng ta không thể mua chúng, phần lớn, bố mẹ sẽ lấy lý do là: "Nó đắt lắm nhà mình không đủ tiền mua đâu" để trẻ không còn "đòi hỏi".
Tuy nhiên trên thực tế, câu nói tưởng chẳng có gì nhưng lại tác động rất lớn đến nhận thức, suy nghĩ, thậm chí là quyết định cuộc đời của trẻ sau này. Theo đó, khi cha mẹ lấy lý do thứ con muốn không thể mua được vì "nó quá đắt" hay "không đủ tiền" sẽ vô tình gieo vào đầu trẻ một suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống, khiến trẻ sẽ không thể thoát ra khỏi ý thức nghèo đói.
Khi một đứa trẻ khao khát một điều gì đó nhưng cha mẹ không thể thỏa mãn mà không có lời giải thích hợp lý để trẻ hiểu. Điều này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý không không dám bày tỏ mong muốn hay ý kiến dù là nhỏ bé, bình thường nhất của mình. Nguyên nhân là bởi vì chúng sợ rằng những nhu cầu đó của mình sẽ mang lại gánh nặng cho gia đình.
Bên cạnh đó, dùng lý do cha mẹ không đủ khả năng để cho con một điều gì đó sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng không xứng đáng với những điều tốt đẹp và trở nên bi quan, lòng tự trọng của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trẻ em vốn rất nhạy cảm nên những lời nói của cha mẹ sẽ tác động rất lớn đến cảm xúc và suy nghĩ của trẻ.
Câu nói "nó đắt lắm, nhà mình không đủ tiền mua đâu" sẽ khiến trẻ nghĩ rằng gia đình mình rất nghèo, còn bản thân mình rất kém cỏi và sinh ra cảm giác thua kém với người khác. Bố mẹ nói câu đó với trẻ chính là đang gián tiếp phá hủy những kỳ vọng của trẻ vào những điều tốt đẹp. Do đó, bố mẹ nên lựa chọn ngôn từ phù hợp để trả lời và giải thích cho con mình hiểu.
3. Nhìn con nhà người ta đi, rồi xem lại mình xem
Câu nói này là câu nói điển hình của những bậc phụ huynh hay lấy hình tượng"con nhà người ta" để so sánh với con mình, khiến trẻ cảm thấy rất khó chịu. Câu nói này không chỉ khiến trẻ cảm thấy mình không bằng người khác mà còn khiến trẻ bị tổn thương và ức chế tinh thần. Đồng thời vô hình tạo ra khoảng cách giữa trẻ và người bạn được đem ra để so sánh.
Có rất nhiều cách để cha mẹ có thể khích lệ con cái nỗ lực hoàn thiện bản thân hơn việc so sánh con với người khác. Do đó, các bậc phụ huynh nên dùng những câu nói tích cực hơn thay vì làm tổn thương trẻ bằng lời nói trên. Ai cũng mong muốn con mình thông minh, tài giỏi nhưng hãy giữ lý trí, giáo dục con cái theo hướng tích cực.
(Theo Sohu)