Ở vị trí của mình - những đứa con, những đứa cháu - có thể không ai trong chúng ta cảm thấy mình sai hay có vấn đề nào. Thực tế thì vấn đề đã tồn tại, chỉ là bản thân chưa nhận ra mà thôi.
Có bao giờ bạn cảm thấy buồn chán, áp lực nhưng không dám nói với bố mẹ vì có nói bố mẹ cũng chưa chắc đã hiểu, chỉ biết lên mạng than thở hoặc cố chịu đựng cho xong? Có bao giờ bạn thấy bất mãn vì làm gì, đi đâu cũng bị bố mẹ kiểm soát từng li từng tí? Rồi lại có bao giờ bố mẹ gọi điện, nhắn tin nhưng vì lý do này lý do kia mà bạn không trả lời dẫn đến những cãi vã không đáng có? Có bao giờ bố mẹ liên tục giục bạn về nhà ăn cơm nhưng ngồi bàn ăn nói được vài ba câu là… hết chuyện, để rồi cả hai đều mặt nặng mày nhẹ không vui?
Những thứ bạn vẫn nghĩ là mâu thuẫn này thực chất đều xuất phát từ một nguồn cơn duy nhất, đó chính là khoảng cách thế hệ. Dù muốn hay không thì những khác biệt tuổi tác, thời đại vẫn gây khó khăn cho việc bố mẹ và con cái thấu hiểu nhau. Trong phần lớn thời gian, không phải bố mẹ không hiểu bạn cũng không phải bố mẹ khó tính khó chiều gì đâu, chỉ vì bố mẹ đang cô đơn và có nhu cầu được quan tâm, giống như bạn luôn muốn được công nhận, luôn muốn được tự do nhưng đồng thời cũng muốn có một bến đỗ an toàn để trở về.
"Sao ngày nào bố mẹ cũng gọi chỉ để hỏi con ăn cơm chưa, sao đi làm về muộn thế?"
Dẫu bé, dẫu lớn, chúng ta đều đôi lần cảm thấy bức bối với những yêu cầu, đòi hỏi của bố mẹ. Có thể với bố mẹ, đó đơn giản là sự quan tâm nhưng trong suy nghĩ của chúng ta khi ấy, chúng không khác gì sự kìm kẹp. Ngày nhỏ xíu, chúng ta đi đâu làm gì đều phải theo quy định của bố mẹ, mấy giờ phải về nhà, không được chơi với bạn A, bạn B, phải học môn này môn nọ… Lớn lên rồi, rời xa vòng tay bố mẹ rồi, những tưởng sẽ được tha hồ vùng vẫy nhưng nhiều khi, chúng ta vẫn cảm thấy mình đang bị bố mẹ "quản lý" bằng cách này hay cách khác.
Nói đâu xa xôi, đơn cử như việc ngày nào cũng như ngày nào, bố mẹ luôn đều đặn gọi điện thoại hỏi bạn ăn cơm chưa. Và bạn thử không bắt máy hay trả lời qua loa xem, kiểu gì bố mẹ cũng giận dỗi. Hay như mỗi dịp lễ Tết bạn về quê, người trẻ mà, nào có ai chịu chôn chân trong 4 bức tường, bạn còn phải đi chơi với bạn bè, đi gặp người này người kia chứ, trong khi bố mẹ chỉ muốn bạn ở nhà, vậy là lại tranh cãi, lại gắt gỏng.
Những cuộc gọi hỏi han tới tấp mỗi lúc bạn không ở nhà rồi những lời càm ràm "Sao suốt ngày đi chơi?"/ "Sao cứ cắm mặt vào cái điện thoại?" ... của bố mẹ đôi khi khiến bạn thấy ngộp thở
T.H (SN 1995) - một chàng trai từng nhiều lần rơi vào tình huống này tâm sự: "Mình đi học, đi làm xa nhà đã hơn 8 năm, tuy vậy mỗi khi về nhà với bố mẹ, mình vẫn thường vào phòng riêng và đóng cửa. Mình chỉ thường giao tiếp với mẹ (bố mẹ mình ly hôn, mình sống với mẹ) vào các bữa ăn, còn lại sẽ vùi đầu vào máy tính hoặc ra đường gặp gỡ bạn bè".
Tương tự với T.H, vì cái gọi là khoảng cách thế hệ nên đôi khi B.V (SN 1997) cũng hơi xa cách với bố mẹ. Anh chàng nói: "Tần suất về nhà của mình cũng ít nhưng mỗi lần về nhà mình thường thích ở trong phòng hơn. Phần vì công việc, phần vì hay ngại bố mẹ hỏi chuyện vì thực sự lớn rồi cũng không phải chuyện gì cũng kể cho ba mẹ được nữa. Đôi khi mình nghĩ là những chuyện mình kể không biết bố mẹ có hiểu được không vì khoảng cách thế hệ nên thường chọn cách im lặng.
Bố mẹ mình không phải là người kiểm soát mình quá gắt gao nhưng việc đi đâu lâu chưa thấy về thì sẽ hay gọi điện. Đôi khi trước mặt bạn bè hay đồng nghiệp, nghe cuộc gọi của bố mẹ cũng khá ngại vì đôi lúc họ sẽ nghĩ mình sao lớn rồi mà cứ như đứa con nít để bố mẹ chăm từng li từng tí hoài. Trước đây, mình còn có thói quen bỏ qua tin nhắn của mẹ nữa, vì mẹ nhắn nhiều quá nhưng câu hỏi thì cứ lặp đi lặp lại, nào là ăn cơm chưa, đang ở đâu, có đi học đi làm không trong khi bố mẹ biết rõ là lịch trình hằng ngày của mình cũng sẽ chỉ thế thôi chứ không thay đổi gì".
Bạn có thể "tám" với bạn bè thâu đêm suốt sáng nhưng không hiểu sao, những cuộc gọi với phụ huynh thường chỉ kết thúc sau đôi ba phút
Nhiều người nghĩ con gái tình cảm với bố mẹ hơn nhưng rõ ràng, đứng trước mâu thuẫn và thứ bạn vẫn nghĩ là sự khó chiều của bố mẹ thì dù con trai hay con gái vẫn không giấu nổi sự khó chịu. T. Trang - một nữ nhân viên văn phòng (SN 1994) cho biết: "Mình vẫn ngồi chung và nói chuyện với bố mẹ trong lúc ăn cơm, sau đó thì ai về phòng nấy. Bố mẹ hỏi thì mình trả lời chứ ít khi chủ động ‘buôn’ chuyện với bố mẹ. Có một số chuyện thì bố mẹ sẽ không hiểu và đồng cảm được, có một số chuyện thì mình không muốn cho bố mẹ biết.
Đôi lúc mình thấy khó chịu và muốn ra ở riêng. Mình đã lớn nên bố mẹ không kiểm soát quá chặt như hồi bé nhưng lúc đi chơi vẫn bị bố mẹ hỏi đi đâu, sao ra ngoài nhiều như vậy. Mua sắm cái gì đó cũng vậy, dù là tiền mình bỏ ra nhưng bố mẹ cũng sẽ không vui nếu mình mua 1 món nào đó mà bố mẹ cảm thấy là vô ích hay tốn kém".
Đó là vì bố mẹ cô đơn…
Người trẻ chúng ta vốn là thế hệ bay bổng. Trong đầu lúc nào cũng tràn ngập những lý tưởng. Chẳng ai muốn bó mình trong một góc chật hẹp. Đi, đi và đi, đó mới là thứ ta hướng đến. Thế giới của chúng ta rất lớn, nên lắm lúc chúng ta quên mất sự hiện diện của bố mẹ. Còn thế giới của bố mẹ rất nhỏ, tất cả chỉ là chúng ta thôi.
Cuộc sống tất bật có đôi lúc cuốn chúng ta đi rất xa khỏi gia đình, ngay cả một cuộc điện thoại tưởng chừng đơn giản cũng trở thành điều xa xỉ. Nhưng bạn biết không, bố mẹ đâu có cần điều gì lớn lao, đâu hy vọng bạn mua cả thế giới về cho họ, thứ họ có đôi khi chỉ là được lắng nghe tiếng con mình dẫu qua đường dây điện thoại, hay được nhìn thấy mặt con trong đôi ba ngày nghỉ. Cuộc điện thoại của bố mẹ có thể nhàm chán và lặp đi lặp lại nhưng đó là vì khoảng cách thế hệ mà, bố mẹ chẳng biết nói gì khi mà chính bạn không chịu chia sẻ. Cũng không phải bố mẹ khó tính, bạn lớn rồi còn kiểm soát bạn không cho bạn đi chơi, chỉ là bạn lâu lắm mới về nhà, bố mẹ muốn ở bên bạn nhiều hơn mà thôi.
Không phải bố mẹ khó tính, khó chịu gì đâu, chỉ vì bố mẹ cô đơn và muốn bên bạn nhiều hơn mà thôi
Cô H. (52 tuổi, Hà Nội) tâm sự: "Tôi và chồng có 2 con đã lớn, 30 tuổi và 25 tuổi. Đứa lớn đã ở lại nước ngoài sống sau khi đi du học, đứa nhỏ cũng dọn ra ngoài sống từ 3 năm trước, khi vừa tốt nghiệp đại học. Nó chấp nhận đi thuê nhà chứ không ở cùng vợ chồng tôi. Đứa ở bên kia Trái đất vì lệch múi giờ, trái khung sinh hoạt lại có gia đình rồi nên hoạ hoằn lắm chúng tôi mới nói chuyện với nhau đã đành, đến đứa ở Việt Nam cũng chẳng mấy thân thiết. Con tôi bận. Tôi biết chúng muốn tự lập, muốn kiếm tiền để bố mẹ không phải lo lắng sau này, nhưng đôi khi tôi chỉ muốn nó tranh thủ về nhà và ăn cơm cùng chúng tôi.
Hồi đầu tôi hay gọi điện nhắc về sớm, nhắc ăn uống đầy đủ, cuối tuần về nhà với bố mẹ, nhưng nghe giọng nó không vui… Nên thôi, nó về lúc nào thì về. Thật ra mỗi lần về nhà, con tôi cũng hay kể này kia mà tôi không hiểu gì cả. Tôi chỉ biết có giá quả trứng, bó rau rồi chơi được cái Facebook là may rồi chứ làm gì biết được giá chứng khoán, chứng chỉ đâu. Càng nghe càng thấy lạc hậu!
Thành ra bây giờ chỉ còn hai vợ chồng lủi thủi nên cũng tủi thân, lắm lúc ăn cơm tối mà chỉ có tiếng TV chứ không thấy tiếng người…".
Chung nỗi lòng như trên là cô M. (50 tuổi, Hà Nội). "Nhà tôi chỉ có 1 đứa năm nay 26 tuổi mà nó lại phải cái chân hay đi. 2 năm gần đây vì dịch bệnh thì nó ở nhà nhiều hơn chứ ngày trước cứ hở ra là đi. Thậm chí có năm vừa mùng 1 Tết xong là nó xách balo đi luôn. Thỉnh thoảng tôi cũng dặn dò về sớm ăn cơm cùng mẹ chồng tôi - tức bà nội nó nhưng được vài bữa là đâu lại vào đấy. Tôi biết trẻ thì có nhiều cái để làm để chơi nhưng tụi nó có biết đâu thời gian của ông bà, bố mẹ chẳng được mấy nỗi nữa…", cô thở dài.
Những biểu hiện "khó ở" của bố mẹ, ông bà đôi khi là tấm gương phản chiếu sự cô đơn, tủi thân không nói thành lời trong chính con người họ mà thôi. Họ "khó chịu" với bạn không phải thực sự vì họ không hiểu bạn đâu, chỉ là vì họ đang cần được quan tâm nhiều hơn. Mà không, thật ra ông bà, bố mẹ cũng không kỳ vọng bạn phải ở cạnh chăm sóc, vì hơn ai hết đấng sinh thành luôn muốn bạn bay xa với ước mơ của bạn. Cái ông bà, bố mẹ chỉ cần nhìn thấy bạn, nghe giọng của bạn, biết là bạn vẫn còn nhớ đến họ, cảm nhận được sự ấm áp của tình cảm gia đình.
Bố mẹ không cần gì cao sang, chỉ là một cuộc gọi điện từ bạn, một bữa ăn vui vẻ cả gia đình quây quần cũng đủ rồi
Là những người yêu thương bạn nhất trên đời, làm sao có chuyện bố mẹ không hiểu bạn. Chỉ là dù hiểu nhưng khoảng cách thế hệ khiến bố mẹ không biết phải hành động ra sao để lại gần bạn hơn. Dù hiểu bạn bận, bố mẹ cũng không dằn lòng được mà gọi vài phút điện thoại, hỏi bạn vài câu để khỏa lấp nỗi trống trải. Dù hiểu bạn muốn đi đây đó, nhưng ông bà, bố mẹ sợ quỹ thời gian eo hẹp chẳng còn mấy khi, nên mới mong bạn về, ngồi cùng bữa cơm, uống cùng cốc trà.
Càng trưởng thành, thế giới của chúng ta càng trở nên lớn hơn. Trong thế giới ấy là vô vàn những hoài bão, những ước mơ; là những điều thú vị cần trải nghiệm, những vùng đất mới cần ghé thăm. Cũng trong thế giới mênh mông ấy, chúng ta gặp gỡ nhiều người hơn, chúng ta thêm cho mình hằng hà mối quan hệ mới. Và đó cũng là lý do mà nhiều người trong chúng ta vô tình bỏ quên miền bình yên mang tên gia đình, mà ở đó ông bà, bố mẹ của chúng ta là những người lớn đôi khi đang cô đơn chẳng biết nói ra với ai, bày tỏ thế nào.
Lúc chúng ta lớn lên cũng là lúc ông bà, bố mẹ già đi. Khi thế giới của mình rộng mở cũng là lúc thế giới của ông bà, bố mẹ nhỏ dần đi. Mình đừng vô tâm nữa nhé, đừng để thế giới bé nhỏ ấy cô đơn…
Người cao tuổi thường gặp những vấn đề về sức khoẻ tâm trí như: thay đổi tâm lý, hay phiền muộn, lo âu, suy giảm trí nhớ, khó giao tiếp... khiến họ cảm thấy cô đơn ngay cả khi sống cùng con cháu.
Thấu hiểu điều này, Vitatree đồng hành cùng tuyến nội dung "Sống trẻ - Quà tặng cháu con" mong muốn chia sẻ những lo lắng về sức khỏe tâm trí của người cao tuổi và cùng người trẻ chăm sóc ông bà, cha mẹ.
Vitatree là thương hiệu từ Úc với những sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe được người dùng Việt đón nhận, điển hình là TPBVSK Vitatree Ginkgo Plus 6000 bổ sung Q10 giải pháp hỗ trợ trí nhớ và sức tập trung chiết xuất bạch quả thiên nhiên.
Vitatree là món quà sức khỏe chất lượng cao từ Úc, hỗ trợ sức khỏe tâm trí cho người cao tuổi; là cách để chăm sóc ông bà, cha mẹ thiết thực; là bạn đồng hành để người già cảm thấy tâm trí an yên, thêm gắn kết với gia đình.