Nếu bạn từng nghĩ tiếng Anh là chìa khóa vạn năng đi đâu cũng dùng được, thì bạn nên một lần thử đi Trung Quốc. Tin mình đi, đó sẽ là chuyến đi mở khóa thực tế cực mạnh. Còn mình, chuyến đi sang Trung Quốc đầu tiên đã cho mình một cú sốc nho nhỏ nhưng cũng đủ để thay đổi luôn quan điểm về ngôn ngữ. Sang Trung và thấy không có từ tiếng Anh nào, mình nhận ra đã đến lúc phải học tiếng Trung thật nghiêm túc!
Ban đầu, mình nghĩ Trung Quốc là quốc gia hiện đại, phát triển, nhiều thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Thâm Quyến đều là những đô thị quốc tế, nên chuyện nói tiếng Anh chắc không thành vấn đề. Nhưng thực tế thì hơi khác.
Người Trung Quốc gần như không sử dụng tiếng Anh. (Ảnh minh họa)
Từ lúc xuống sân bay, mình đã thấy mọi bảng chỉ dẫn đều bằng tiếng Trung là chính, phần tiếng Anh cực kỳ nhỏ. Còn khi bắt đầu ra ngoài đường, lên xe bus, gọi món ăn, đi siêu thị hay hỏi đường, mình càng nhận ra một điều rõ ràng rằng ở Trung Quốc, tiếng Trung là "vua", không có chuyện ai cũng biết hoặc sẵn sàng nói tiếng Anh như mình từng nghĩ.
Một lần mình đi lạc ở Trùng Khánh - một thành phố siêu rộng, cầu chồng cầu, tàu điện đan nhau như mê cung và mình hỏi người dân địa phương bằng tiếng Anh: "Can you help me find this place?" (Tạm dịch: Bạn có thể giúp tôi tìm địa điểm này không? - PV). Ai cũng lắc đầu, xua tay và nói gì đó mà mình không hiểu.
Có cô bác tốt bụng dùng điện thoại dịch lại, nhưng... phần dịch đôi khi rất buồn cười, như kiểu mình hỏi đường mà nó lại ra thứ trên trời. Đỉnh điểm là lúc mình vào một nhà hàng gọi món, mở Google Dịch ra nói "I want beef noodle" (Tạm dịch: Tôi muốn mì bò - PV), anh phục vụ gật gật đầu. Nhưng 5 phút sau bưng ra một tô… mì thịt lợn. Lúc đó mình cười mà như mếu, chỉ muốn hét lên: "Tôi muốn học tiếng Trung ngay lập tức!".
Mình bắt đầu để ý hơn. Trên đường, các bảng hiệu đều viết bằng chữ Hán. Các thông báo tàu điện, sân bay, xe bus đều phát tiếng Trung trước, rồi mới tới tiếng Anh và thường là phát nhanh đến nỗi chưa kịp hiểu gì. Các app phổ biến cũng là tiếng Trung từ Didi (gọi xe), Meituan (đặt đồ ăn), đến app bản đồ nội địa... tất cả đều ưu tiên tiếng Trung, thậm chí không có giao diện tiếng Anh.
Một vài bạn trẻ Trung Quốc có thể hiểu tiếng Anh cơ bản, nhưng đa phần vẫn dùng tiếng mẹ đẻ là chính. Ở một đất nước 1,4 tỷ dân với nền văn hóa đồ sộ, việc người dân không cần dùng tiếng Anh cũng... hoàn toàn dễ hiểu. Họ đã có "một thế giới riêng bằng tiếng Trung", lớn đến mức không cần lệ thuộc vào ngôn ngữ nào khác.
Chính khoảnh khắc đó làm mình suy nghĩ. Mình từng tự tin vì biết tiếng Anh, nghĩ rằng chỉ cần giỏi tiếng Anh là đủ để "đi khắp thế giới". Nhưng thật ra, mỗi ngôn ngữ là một cánh cửa văn hóa. Và nếu bạn không biết tiếng Trung, bạn sẽ mãi đứng ngoài một trong những cánh cửa lớn nhất hành tinh này.
Bạn sẽ bỏ lỡ những biển hiệu trên đường phố, những bài hát cổ truyền nghe rất cuốn, những lời thoại phim cung đấu nổi tiếng, hay cả những cách nói chuyện dí dỏm mà người Trung thường dùng. Bạn cũng sẽ không hiểu được những video viral, không đọc được bình luận của cư dân mạng Trung Quốc, không hiểu nổi các meme "cười ra nước mắt" đang hot trong cộng đồng mạng Weibo, Xiaohongshu hay Douyin.
Sau chuyến đi đó, tôi nhận ra mình phải học tiếng Trung.
Và quan trọng hơn bạn sẽ không thể giao tiếp, kết nối hay làm việc với một cộng đồng rộng lớn mà cả thế giới đang muốn hợp tác. Trong thời đại mà Trung Quốc là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, nếu muốn học hỏi, làm ăn, du học hay thậm chí chỉ đơn giản là kết bạn với người Trung, việc học tiếng Trung không còn là một "option", mà gần như là một điều cần thiết.
Học tiếng Trung có khó không? Tất nhiên là có. Chữ tượng hình, thanh điệu, phát âm... mọi thứ đều khác xa tiếng Việt hay tiếng Anh. Nhưng học rồi mới thấy nó cực kỳ thú vị. Bạn sẽ phát hiện ra tại sao người Trung hay nói "加油" để động viên nhau, tại sao "吃瓜群众" lại là những người hóng chuyện, hay vì sao có những câu như "你几岁了" nói sai ngữ cảnh lại có thể khiến người ta hiểu lầm. Và bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn mỗi ngày, khi học một ngôn ngữ mới không chỉ là học cách nói mà là học cách hiểu và tôn trọng một nền văn hóa.
Kết lại, chuyến đi Trung Quốc đó tuy không dài, nhưng đủ để dạy mình một bài học lớn rằng ngôn ngữ không chỉ là công cụ, nó còn là tấm hộ chiếu văn hóa. Và nếu muốn bước vào thế giới của hơn một tỷ người, muốn hiểu, cảm và kết nối với một trong những nền văn minh lâu đời, thì học tiếng Trung là cách duy nhất. Vậy nên, từ sau chuyến đi đó, mình đã đăng ký lớp học tiếng Trung gần nhà, tải app học Hán ngữ, và bắt đầu lại từ những con số 1. Không phải vì mình buộc phải học, mà vì mình thật sự muốn hiểu họ từ những điều nhỏ nhất, bằng chính ngôn ngữ của họ.