Sáng ngày 18/11/2015, anh Đường ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, kiểm tra thấy số dư trong thẻ ATM của mình là hơn 190.000 NDT (hơn 662 triệu đồng). Đến 18h40 cùng ngày, khi đang đi ăn tối cùng vợ, anh Đường bất ngờ nhận được tin nhắn thông báo số tiền 190.000 NDT trong tài khoản đã bị chuyển đi mất. Nhận thấy thẻ ATM và điện thoại của mình vẫn ở trước mặt, anh Đường hoang mang không hiểu tiền đã bị “rút” đi bằng cách nào.
Sau một lúc suy nghĩ, anh Đường vội cùng vợ đến cây ATM gần nhất để nạp 100 NDT vào thẻ. Mục đích của việc này là để chứng minh rằng vị trí của chủ thẻ và thẻ ATM khác với vị trí giao dịch được thực hiện. Sau đó, vợ chồng anh Đường gọi điện đến ngân hàng để thông báo việc mất tiền và nhanh chóng đến ngay đồn cảnh sát Trung Quốc để trình báo sự việc.
Bằng các kỹ năng chuyên môn, cảnh sát địa phương đã tìm ra tung tích của số tiền nói trên. Theo đó, 190.000 NDT của anh Đường đã bị chuyển đi thông qua một thiết bị quẹt thẻ cần nhập mật khẩu ở Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Điều này chứng tỏ “kẻ trộm” có thể đã tạo thẻ ATM giả và rút tiền của anh Đường đi một cách dễ dàng.
Không chấp nhận việc tiền của mình bị mất một cách vô lý như vậy, anh Đường sau đó đã đến ngân hàng để yêu cầu giải thích nhưng đối phương phủ nhận trách nghiệm. Quá bất bình với thái độ của ngân hàng, anh Đường đã đệ đơn kiện đơn vị này ra tòa án nhân dân quận Trấn Hải và yêu cầu họ phải bồi thường 190.000 NDT cho mình.
Trước tòa, anh Đường khẳng định việc anh bị mất tiền là do phía ngân hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi cho khách hàng là mình. Do đó, ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho anh số tiền bị mất theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng lại cho rằng khi anh Đường đăng ký làm thẻ ATM, phía ngân hàng đã thông báo cho anh các vấn đề liên quan để bảo vệ thẻ cũng như tài khoản của mình. Do đó, việc tiền trong tài khoản bị rút có thể do anh Đường đã để lộ mật khẩu hoặc cài đặt mật khẩu quá đơn giản. Đồng thời, trong quy định về thẻ này có ghi “Tất cả các giao dịch xảy ra thông qua mật khẩu giao dịch đều được coi là của chủ thẻ”. Vì vậy, ngân hàng khẳng định họ không có lỗi trong vụ việc này nên không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Sau khi xem xét kỹ tình tiết của vụ án, Tòa án quận Trấn Hải kết luận rằng có người đã sử dụng thẻ ATM giả để “rút tiền” của anh Đường, đồng thời liên hệ phía cảnh sát để nhanh chóng tìm ra danh tính kẻ xấu. Trong vụ việc này, Tòa bác bỏ lập luận từ phía ngân hàng vì không có bằng cứ thuyết phục.
Theo đó, ngân hàng cần đảm bảo thẻ ATM của mình phát hành có thể sử dụng và là duy nhất. Đồng thời, ngân hàng với tư cách là tổ chức phát hành thẻ đã không xác định được thẻ giả một cách hiệu quả, dẫn đến việc tài sản của khách hàng bị đánh cắp nên phải chịu trách nhiệm về những tổn thất của khách hàng vì đây là lỗi bảo mật.
Bên cạnh đó, mặc dù quy định của ngân hàng có nói rằng “Tất cả các giao dịch xảy ra thông qua mật khẩu giao dịch đều được coi là của chủ thẻ” thế nhưng tòa án cho rằng điều khoản này không được xem là chứng cứ hợp lệ. Do đó ngân hàng không thể miễn trách nhiệm pháp lý dựa trên điều này.
Hơn nữa, lập luận của ngân hàng khi cho rằng nguyên đơn có thể làm lộ mật khẩu hoặc đặt mật khẩu quá đơn giản cũng không được tòa án chấp nhận vì không có cơ sở và bằng chứng. Từ đó, tòa ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ việc này và phải bồi thường cho anh Đường 190.000 NDT.
Sau sự việc này, Thẩm phán tòa án huyện Trấn Hải cũng cho rằng các ngân hàng nên nâng cấp, cải tiến công nghệ bảo mật để kịp thời phát hiện và ngăn chặn tội phạm công nghệ và lừa đảo. Bên cạnh đó, người dùng nên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng để tự bảo vệ mình. Nếu gặp trường hợp tương tự thì cần thông báo cho ngân hàng, cảnh sát và cung cấp những thông tin cần thiết như số tiền bị mất, phương thức, thời gian, địa điểm, thông tin tài khoản trong giao dịch để có phương thức xử lý kịp thời và bảo vệ quyền lợi của bản thân.
(Theo Sohu)