Việt Nam sở hữu một loại hoa thu về hàng trăm triệu USD mỗi năm là hoa hồi – loại hoa từ cây hồi (hay đại hồi). Theo thống kê, sản lượng hồi của Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới, sau Trung Quốc, với sản lượng hàng năm ước đạt 22.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 55.000 ha. Trong đó, Lạng Sơn chiếm 72,7% về diện tích.
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi về đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng, hoa hồi Lạng Sơn vẫn được đánh giá là sản phẩm có chất lượng tốt nhất, có hàm lượng tinh dầu cao. Sản lượng hoa hồi của Lạng Sơn hàng năm thu hoạch chiếm 87,5% sản lượng cả nước.
Đáng chú ý trên thế giới, cây hồi hầu như chỉ có tại Việt Nam và Trung Quốc cũng như có thể sản xuất hồi với số lượng lớn nhờ điều kiện thuận lợi. Cây hồi bắt đầu cho thu hoạch kể từ năm thứ 4, tuy nhiên khoảng 16 năm mới có thể thu hoạch 2 vụ/năm, do đó loại cây này đã hiếm lại càng quý hơn. Trong đó, vụ Xuân tập trung vào tháng 2, tháng 3; vụ mùa vào tháng 9, tháng 10.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu 1.662 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt 7,8 triệu USD, tăng 7,4% so với trong tháng 6. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Ấn Độ với 1.062 tấn, chiếm 63%.
Lũy kế trong 7 tháng đầu năm nước ta đã xuất đi 8.685 tấn hoa hồi với kim ngạch đạt gần 42 triệu USD, tăng 5,1% về lượng so với cùng kỳ năm trước.
Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam với 5.472 tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo lần lượt là các thị trường Mỹ với 601 tấn (tăng 7,9%), Đài Loan 276 tấn (tăng mạnh 228%), Trung Quốc 259 tấn (giảm 63%),…
Về đặc điểm của cây hồi, đây là loài cây thuộc giống Illicium, họ Liliaceae, là cây có giá trị kinh tế cao. Thông thường hoa hồi sẽ có 6-8 cánh, xếp thành hình cánh sao có đường kính từ 2,5 đến 3 cm, mỗi cánh mang bên trong một hạt nhỏ hình quả trứng nhẵn bóng.
Đa phần hoa hồi sao khi thu hoạch sẽ được mang đi phơi khô, xuất khẩu dưới dạng hoa khô, chỉ có một phần nhỏ được đem chế biến thành tinh dầu.
Hoa hồi cũng là một trong những loại gia vị cực phẩm mà các đầu bếp nổi tiếng luôn ưa chuộng sử dụng trong các món ăn. Sử dụng hoa hồi trong các món ăn một cách khéo léo sẽ giúp nâng tầm món ăn lên một hương vị hoàn toàn mới. Tại Việt Nam, đây cũng là một loại gia vị quan trọng để nấu các loại nước dùng.
Ngoài công dụng trong chế biến món ăn, sử dụng hoa hồi nguyên chất cũng có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh như cảm lạnh, đau đầu, đau bụng, các bệnh về tiêu ho và các bệnh về xương khớp. Ngoài ra, hoa hồi còn có tác dụng trong chữa các bệnh nấm da, ghẻ lở, giảm đau, giảm bầm tím, trị ho, long đờm... và nhiều tác dụng chữa bệnh khác. Bên cạnh đó tinh dầu hoa hồi còn là một trong những loại mỹ phẩm tốt được sử dụng trong ngành làm đẹp.
Năm 2024, dự báo thời tiết còn diễn biến phức tạp, với hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng. Do đó, sản lượng hồ tiêu, quế, hồi… sẽ chịu ảnh hưởng, nhất là tại các khu vực bị tác động bởi biến đổi khí hậu.
Theo dự báo của VPA, năm 2024 bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm của hồ tiêu (thường kéo dài 10 năm), điều này sẽ gây tác động đến các cây gia vị khác, như quế, hoa hồi.
Thị trường gia vị và hương liệu thế giới đã trị giá đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2021 và được dự báo sẽ tăng lên 27,4 tỷ USD vào năm 2026.