Năm 2011, David de Gea cập bến Manchester United từ Atletico Madrid với trọng trách thay thế thủ môn huyền thoại Edwin van der Sar. De Gea chơi lóng ngóng, bấp bênh, mắc nhiều sai sót lớn, khiến cổ động viên MU đặt dấu hỏi về giá trị thực sự của bản hợp đồng trị giá 18 triệu bảng.
Không chấp nhận những lời chê bai, dè bỉu, De Gea quyết tâm rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần để thích nghi với bóng đá Anh. Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử.
De Gea (áo xanh) từng bị chỉ trích thậm tệ vì những sai lầm.
Trước khi trở thành ngôi sao trong khung gỗ Manchester City, Ederson Moraes từng mắc sai lầm lớn trong trận đấu tiền mùa giải với pha ra vào bị Romelu Lukaku biến thành "gã hề". Petr Cech - bức tường tin cậy của Arsenal, từng bị chê là "thảm họa" với màn ra mắt sân Emirates trong trận đấu với West Ham.
Thibaut Courtois đấm bóng hụt biếu không bàn thắn cho Sergio Aguero (Man City), hay phạm lỗi ngớ ngẩn khiến Chelsea hòa 2-2 trước Swansea City và rơi vào cuộc khủng hoảng khiến Jose Mourinho mất ghế. Hay Iker Casillas - huyền thoại của Real Madrid từng "sống dở chết dở" với những sai lầm cùng Real Madrid.
Trong bóng đá, không có sai lầm nào là không thể tha thứ, và cầu thủ nào cũng cần có sai lầm để trưởng thành hơn, dù đó có là thủ môn - vị trí đặc thù mà sai lầm có thể khiến chủ nhân ám ảnh cả cuộc đời.
Nếu cùng mắc sai lầm, cùng bị dìm xuống hố sâu dằn vặt như nhau, điểm khác biệt giữa thủ môn biết đứng dậy để trưởng thành và thủ môn cứ nằm im sau thất bại là gì?
Đó là thái độ với thất bại và niềm tin để biến thất bại đó thành bài học trưởng thành. Những thủ môn gục ngã sau sai lầm đều sở hữu tâm lí yếu ớt khi quá căng thẳng với thất bại, dẫn đến sự ám ảnh và mất tập trung trong những trận đấu kế tiếp. Từ thủ môn đội bóng cấp xóm đến thủ môn đẳng cấp thế giới, muốn giỏi là phải lì. Lì lợm trước sai lầm, lì lợm trước sự hoài nghi, chỉ trích của dư luận.
Tiến Dũng tỏa sáng cùng U23 Việt Nam cũng bởi sự lì từ đôi bàn tay "chai sạn" bởi những sai lầm. Không phải không có khiếm khuyết từ Tiến Dũng trong hành trình tại giải U23 châu Á, với những pha bắt hụt bóng hay ra vào "hớ". Trong trận gặp U23 Hàn Quốc ở vòng loại, pha ra vào không hợp lý của Tiến Dũng "biếu không" cho đối thủ bàn thắng và suýt khiến U23 Việt Nam không được dự vòng chung kết.
Thủ môn sinh ra ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa càng mắc lỗi, càng trở lại mạnh mẽ hơn, tựa như khả năng mạnh hơn sau những lần trọng thương của các chiến binh Saiyan trong bộ truyện tranh Dragon Balls.
Những lần mắc lỗi ấy, Tiến Dũng có xin lỗi không? Câu trả lời là không. Nhưng lần này thì có, sau sai lầm tại AFC Cup trong màu áo FLC Thanh Hóa.
Được đánh giá nhỉnh hơn và sở hữu nhuệ khí sau trận ra quân thành công, song đội bóng của HLV Marian Mihail lại thua ngược 1-2 trước Yangon United. Tiến Dũng chơi không tốt trong bàn thua đầu tiên khi đẩy bóng thẳng vào tầm dứt điểm của tiền đạo đối phương. Dẫu vậy, FLC Thanh Hóa thất bại không phải bởi sai lầm của Tiến Dũng. Khi hàng tấn công bỏ lỡ quá nhiều cơ hội, hàng phòng ngự chơi hớ hênh và chiến thuật không hợp lý sau bàn mở tỉ số, đại diện V-League thua là điều tất yếu.
Video: Yangon United 2-1 FLC Thanh Hóa
Sai lầm của Tiến Dũng chỉ là sai lầm rất nhỏ, trong bức tranh buồn của cả tập thể. Tại sao phải xin lỗi? Nếu Tiến Dũng phải xin lỗi, có lẽ cả tập thể FLC Thanh Hóa cũng phải xin lỗi. Hay Tiến Dũng xin lỗi bởi sai lầm của thủ môn là sai lầm dễ thấy nhất, dễ chỉ trích nhất, so với sai lầm của tiền đạo hay tiền vệ?
Nếu suy nghĩ như vậy, thủ môn sinh năm 1997 phải xin lỗi từ sai lầm trong trận gặp U23 Hàn Quốc ở vòng loại hay lỗi lớn tại giải U21 quốc gia, ngay trước mắt HLV Park Hang Seo. Sai lầm trong màu áo FLC Thanh Hóa tại AFC Cup không nghiêm trọng hơn, không để lại hậu quả lớn hơn, nên lời xin lỗi công khai trên trang cá nhân (dù không biết có phải đích thân Tiến Dũng viết ra hay không) càng khó hiểu.
Liệu có phải Tiến Dũng đã trở thành "cầu thủ quốc dân", nên phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho những sai lầm? Thành công mang lại danh vọng, tiền bạc và cơ hội "đổi đời" cho các cầu thủ, nhưng thay vào đó, họ phải chịu sức ép ngàn cân từ giới mộ điệu cũng như khán giả.
Những cuộc diễu hành, mừng công liên miên chỉ là sự khởi đầu. Sau sai lầm này, bao nhiêu người đã yêu cầu Tiến Dũng phải "trở về mặt đất"?
Lời xin lỗi của Tiến Dũng là minh chứng cho sự khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao. Hôm qua là người hùng, hôm nay đã phải "đăng đàn" xin lỗi người hâm mộ bởi một giây mất tập trung. Nếu chiếu theo quy chuẩn "cứ mắc sai lầm là xin lỗi", các cầu thủ U23 Việt Nam nói riêng cũng như các cầu thủ chuyên nghiệp nói chung còn phải xin lỗi người hâm mộ bao nhiêu lần?
Chẳng cầu thủ nào không biết lỗi sau khi mắc lỗi. Lời xin lỗi giá trị nhất là màn trình diễn trên sân cỏ cùng sự trưởng thành đi cùng năm tháng. Chỉ nên xin lỗi khi những sai lầm đẩy sự việc đi đến cao trào, mà ở đây, thất bại của FLC Thanh Hóa tại AFC Cup vẫn chưa có gì ghê gớm, buộc Tiến Dũng phải nói lời xin lỗi sớm đến vậy.
Còn nếu không, hãy thoải mái với thất bại. Chẳng phải Tiến Dũng có được ngày hôm nay cũng từ những sai lầm rất lớn trong quá khứ hay sao? Hãy nỗ lực, người hâm mộ sẽ không bao giờ trách cứ.