Tiếp tục xã hội hóa hay "lối cũ ta về"?
Trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhận định, sách giáo khoa (SGK) theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ngoài những mặt tích cực thì còn các hạn chế như xảy ra nhiều sạn, có các ngữ liệu, nội dung không phù hợp, gây bức xúc dư luận.
Giá sách cao gấp 3-4 lần so với sách của chương trình cũ. Vấn đề lựa chọn SGK phức tạp, tập trung vào một hội đồng cấp tỉnh, khiến sách được chọn đôi khi không đúng với mong muốn của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Việc lựa chọn sách chậm, dẫn tới đấu thầu, in ấn bị động và thường xuyên SGK mới bị chậm trễ trong việc phát hành.
Điều khiến dư luận xã hội quan tâm là chi phí thị trường, mức chiết khấu trong phát hành SGK cao và chưa minh bạch. Điều này làm nảy sinh lo lắng về "nhóm lợi ích", khiến gánh nặng giá SGK đè xuống vai người dân.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra những yêu cầu: Cần đánh giá lại mức chiết khấu, chi phí thị trường có thực sự gây ảnh hưởng đến giá SGK không? Hiệu quả của việc chi Ngân sách để mua SGK cho thư viện trường học và học sinh khó khăn thế nào?
Đoàn giám sát cũng yêu cầu đánh giá tính cần thiết trong việc sửa quy định để giao quyền chọn sách cho nhà trường, giáo viên, học sinh thay vì UBND cấp tỉnh, thành; cần đánh giá việc có nên thực hiện "một chương trình, nhiều bộ SGK" hay không và việc Bộ GD-ĐT tổ chức một bộ SGK quốc gia để phòng ngừa có sự rủi ro từ SGK xã hội hóa.
Ảnh: Thu Hương
Trước đó, Nghị quyết 88/2014/QH13 đã nêu Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12 bên cạnh các SGK xã hội hóa. Nhưng do khó khăn trong việc mời đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học tham gia biên soạn nên Bộ GD-ĐT không làm được.
Việc này đã được Chính phủ báo cáo và Quốc hội thông qua bỏ yêu cầu Bộ phải tổ chức biên soạn bộ sách. Nhưng trước những bất cập, câu chuyện "bộ sách quốc gia" lại được mang ra bàn thảo lần nữa.
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, hiện nay ta đang giao việc xã hội hóa SGK mà không nghĩ mức độ xã hội hóa thế nào thì phù hợp. Xã hội hóa không phải là phó mặc hoàn toàn cho các đơn vị mà cần vai trò của Nhà nước trong việc định hướng. Cần phải có đánh giá tác động và thật nghiêm túc những bộ sách hiện có.
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa-xã hội của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, nhận xét: "Trong giáo dục, xã hội hóa nếu không thận trọng sẽ thành thương mại hóa. Cụ thể, giá SGK quá cao, SGK dùng xong bỏ đi, lớp sau học lại mua mới. Nước ta còn nhiều người nghèo, điều này rất lãng phí. Đây là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong việc rà soát, đánh giá để có giải pháp khắc phục".
Nhiều ý kiến góp ý cho việc đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, những kẽ hở trong quy định đã gây nên những bất cập từ SGK xã hội hóa. Tuy nhiên, can thiệp như thế nào là đúng và không ngăn trở quy luật thị trường, khuyến khích được tổ chức, cá nhân biên soạn SGK lại là vấn đề chưa ai có gợi mở rõ nét.
Có cần thêm một bộ sách quốc gia?
Ý kiến của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra việc cân nhắc để Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK quốc gia, hoặc là biên soạn mới, hoặc lựa chọn từ sách đã được phê duyệt để có một bộ sách chuẩn, chất lượng cấp quốc gia. Việc lựa chọn SGK vẫn được triển khai công bằng với tất cả các bộ sách, bao gồm bộ sách của Bộ. Tuy nhiên, việc này gây nên nhiều tranh cãi.
Một số thành viên của đoàn giám sát bảo lưu quan điểm nên có một bộ sách quốc gia. Trong khi luồng ý kiến khác bày tỏ băn khoăn, liệu Bộ biên soạn một bộ sách thì có giải quyết hết các bất cập nảy sinh ở SGK xã hội hóa không?
Những phân tích này để thấy nếu Quốc hội quyết việc "Bộ GD-ĐT phải có một bộ sách quốc gia" thì cũng phải xem xét lại việc có giữ việc "một chương trình, nhiều bộ SGK" hay quay về như trước đây.
Nhận thức về vai trò của SGK: "Điểm nghẽn" cần tháo gỡ
Ông Trần Kiều, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018, khẳng định, "một chương trình, nhiều bộ SGK" thế giới đã làm lâu rồi.
Tuy nhiên, khi áp dụng ở Việt Nam lại có những tình huống mới, vấn đề mới cần giải quyết. Cụ thể trong vấn đề SGK, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 xác định SGK là tài liệu chính dạy học nhưng nó không phải pháp lệnh để tuân thủ cứng nhắc, dạy đúng, dạy đủ.
Khác biệt so với trước là giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình để dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Ngay cả chương trình cũng được để mở để tiếp tục phát triển, cập nhật, hoàn thiện. Tính linh hoạt, chủ động sẽ phát huy mạnh mẽ trong các nhà trường, trong kế hoạch giáo dục của giáo viên.
Nhưng thực tế, việc này chưa làm được. Còn rất nhiều giáo viên hiểu mơ hồ về chương trình, thậm chí không đọc chương trình, không nắm được những yêu cầu đổi mới căn bản.
Các nhà trường, giáo viên không thay đổi thì học sinh cũng không thay đổi. Nỗi sợ "không học hết SGK, khó đạt điểm tốt trong kiểm tra, thi cử" vẫn treo lơ lửng trên đầu cả người dạy và người học. Khi điều này còn tồn tại thì "nhiều bộ SGK" không có ý nghĩa.
Thậm chí nó lại là rào cản trong quản lý, dạy và học, gây lãng phí, phiền toái cho người dân trong các tình huống học sinh phải chuyển trường, chuyển lớp, mua lại SGK mới do sự khác nhau giữa các địa phương về sách được chọn.
Thiết nghĩ, thay vì bàn nên hay không nên có bộ SGK quốc gia, cần quay lại những vấn đề căn cốt để xác định thực hiện nó đến cùng và triệt để.