Rosé (BLACKPINK) có kỷ niệm kém vui tại NBA: Xuất hiện với visual 10 điểm nhưng lại bị phân biệt chủng tộc

HUY PHẠM, Theo Nhịp sống Việt 07:00 14/11/2021

Trong lần đến cổ vũ cho New York Knicks tại sân nhà Madison Square Garden, Rosé (BLACKPINK) đã phải chịu những lời lẽ phân biệt chủng tộc.

Rạng sáng thứ Năm giờ Việt Nam tức tối thứ Tư 10/11 (theo giờ Mỹ), NBA tiếp tục diễn ra với 13 cặp đối đầu. Một trong số đó nhận được sự quan tâm đặc biệt tới từ cộng đồng fan Kpop là cuộc đối đầu giữa New York Knicks và Milwaukee Bucks. Số là Rosé của nhóm nhạc BLACKPINK là một trong những khách mời của đội chủ sân Madison Square Garden.

Rosé xuất hiện với visual 10 điểm, ảnh chụp vội cũng cho thấy nhan sắc "đỉnh của chóp" của nữ idol sinh năm 1997

Xuất hiện cùng vẻ ngoài xinh xắn trên hàng ghế courtside, "đóa hồng người Úc" nhanh chóng chiếm được spotlight dù ăn mặc khá đơn giản. Là một trong những cô nàng ca sỹ có nhiều fan hâm mộ trên thế giới, hẳn ai cũng biết Rosé có một tình yêu đặc biệt dành cho bóng rổ và đặc biệt là giải đấu NBA.

Ở trong trận đấu này, cô nàng cổ vũ cho New York Knicks, cùng với đó là Derrick Rose, cầu thủ thuộc biên chế của đội chủ sân Madison Square Garden và có trùng tên với cô nàng. Với sự nổi tiếng của mình cũng như việc nhận lời xuất hiện tại Madison Square Garden, BLĐ đội bóng đã tặng nữ idol sinh năm 1997 chiếc áo đấu của Derrick Rose.

Rosé vô cùng vui vẻ trong lần trải nghiệm với tư cách là khách mời trong một trận đấu tại NBA cũng như món quà được tặng lúc ra về bởi đội chủ sân MSG

Thông qua những gì được Rosé chia sẻ trên Instagram cá nhân, có thể nhận thấy nàng ca sĩ xinh đẹp đã có những giây phút vui vẻ khi tham gia một trận đấu tại NBA. Tuy nhiên, ở một thành phố rộng lớn như New York và đặc biệt là khi tham gia một trận đấu của đội chủ sân Madison Square Garden, việc nhiều người không nhận ra Rosé là ai cũng dễ hiểu.

Với đa số những người có mặt ở cổng ra khỏi nhà thi đấu MSG, hầu hết mọi người đều cảm thấy tò mò tại sao lại có nhiều người hào hứng như vậy khi thấy nữ ca sĩ đình đàm của nhà YG Entertainment. Thông qua một đoạn clip được tài khoản TikTok @ctrlchaennie quay lại, xen vào giữa những tiếng hò hét, một giọng người đàn ông vang lên: "Ai vậy? Đó là ai? Ling Ling à?".

Được biết, Ling Ling là tên cũ của thành phố Vĩnh Châu thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Mỹ, từ này thường được sử dụng như một cách để miệt thị chủng tộc, coi thường người châu Á. Nó bắt nguồn từ việc những người không phải gốc Á bắt chước âm thanh giống như tiếng Trung Quốc.

Đoạn clip đang gây bão trong cộng đồng Blink và fan Kpop

Kể từ thời điểm đăng tải là hơn 2 ngày cho tới nay, đoạn video trên đã có hơn 300.000 lượt xem và hơn 1.000 bình luận. Trong số những bình luận đó, phần lớn là các Blink (fandom của BLACKPINK) đều bày tỏ sự lo lắng cho nữ ca sĩ sinh năm 1997, không ít người cũng để lại những bình luận phê phán về việc phân biệt chủng tộc tại Mỹ, đặc biệt là kỳ thị với người châu Á.

Ở một quốc gia đa chủng tộc như Mỹ, việc phân biệt cũng như kỳ thị người da màu, đặc biệt là châu Á đang ngày càng nghiêm trọng hơn tại xứ sở cờ hoa. Kể từ khi Covid-19 xuất hiện tại đây, đã có rất nhiều những câu chuyện thương tâm xảy ra chính từ sự kỳ thị này. Chính vì lẽ vậy, việc fandom cũng như cộng đồng mạng lên tiếng chỉ trích người trong đàn ông trong clip trên là điều dễ hiểu.

Trong các bình luận bên dưới, một số ít người lên tiếng và nói rằng có khả năng người đàn ông đã nghe nhầm BLACKPINK sang "Bling - bling". Sự việc hiện đang thu hút sự quan tâm tới từ cộng đồng fan Kpop nói chung và các Blink nói riêng, hiện YG Entertainment và đội chủ sân Knicks vẫn chưa có động thái phản hồi về vấn đề này.

Rosé (BLACKPINK) có kỷ niệm kém vui tại NBA: Xuất hiện với visual 10 điểm nhưng lại bị phân biệt chủng tộc - Ảnh 4.

Phân biệt và kỳ thị người châu Á là một trong những vấn nạn khó có thể thay đổi tại Mỹ

Rosé (BLACKPINK) có kỷ niệm kém vui tại NBA: Xuất hiện với visual 10 điểm nhưng lại bị phân biệt chủng tộc - Ảnh 5.

Jeremy Lin là một trong số những cầu thủ gốc Á lên tiếng chia sẻ về sự phân biệt này. Trước đó ở đầu năm 2021 khi đang thi đấu tại G-League, nhà vô địch năm 2019 đã bị gọi là "virus corona". Dù có ít nhiều tiếng tăm tại NBA, thế nhưng sự tôn trọng vẫn là thứ hiếm khi Jeremy Lin nhận được tại đất Mỹ