Curiosity hiện là robot tự hành (rover) nổi tiếng nhất trên sao Hỏa. Nhưng ít người biết rằng trước khi phóng và kích hoạt Curiosity, đã từng có một số rover khác được con người cho tiếp cận hành tinh Đỏ. Trong số đó, lâu đời nhất là rover mang tên "Cơ hội" - Opportunity.
Opportunity được phóng đến sao Hỏa từ tháng 6/2003, hạ cánh vào tháng 1/2004, dự tính chỉ "sống" được khoảng 3 tháng. Nhưng sau gần 15 năm nó vẫn hoạt động, sử dụng năng lượng Mặt trời và di chuyển hàng chục kilomet trên bề mặt hành tinh Đỏ.
Rover Opportunity
Nhưng có vẻ như lần này, Opportunity đang gặp một rắc rối rất lớn. Lần đầu tiên trong suốt 15 năm hoạt động, rover này đã mất liên lạc hoàn toàn với Trái đất.
Mọi chuyện xảy ra sau khi trận bão cát quy mô toàn hành tinh xảy ra, đến nay đã kéo dài hơn 2 tháng mà chưa có dấu hiệu kết thúc. Và theo thông tin ghi nhận từ NASA, Opportunity đã ngắt liên lạc từ 10/6/2018.
Được biết, những trận bão cát có quy mô lớn trên sao Hỏa xảy ra vài năm 1 lần, bao phủ cả hành tinh bằng một trận bão bụi đỏ. Tuy nhiên, đây dường như là trận bão khủng khiếp nhất từ trước đến nay.
"Đây là trận bão kinh khủng nhất mà Opportunity từng gặp. Chúng ta đã làm mọi thứ, chắp tay cầu nguyện, hy vọng điều tốt lành sẽ đến với nó thôi," - Steve Squyres, chuyên gia từ ĐH Cornell, và là trưởng ban điều hành nhiệm vụ Opportunity của NASA.
Tại sao trận bão có thể giết chết robot tự hành?
Những trận bão cát như vậy không chỉ che lấp ánh Mặt trời - thứ chú robot của chúng ta cần để lấy năng lượng. Toàn thân robot còn bị phủ một lớp bụi dày nữa, và điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lưu trữ và sử dụng năng lượng dưới dạng điện.
Để hiểu rõ hơn thì chắc nhiều người cũng biết rằng nhiệt độ trên sao Hỏa có thể rất lạnh. Vào ban đêm, nhiệt độ có thể xuống tới -73 độ C, ngay cả với khu vực gần xích đạo. Nhiệt độ lạnh như vậy sẽ làm co cứng và bẻ gãy lớp kim loại trong mạch điện.
Bên trong Opportunity có một cái nút được làm từ chất phóng xạ plutonium-238 để giữ cho bảng mạnh được ấm. Tuy nhiên, phóng xạ không thể tồn tại mãi vì nó phân rã theo thời gian, và như vậy là không đủ để bảo vệ hệ thống của rover.
Đó là lý do Opportunity cần có điện. Nó liên tục nạp điện từ Mặt trời nhằm chạy hệ thống sưởi bên trong. Bão cát đang khiến hệ thống nạp xả này gặp trục trặc, nên có thể nói rover này đang gặp nguy hiểm.
Sao Hỏa thường ngày (trái) và khi có bão cát xảy ra
Hơn nữa, sử dụng pin đến cạn kiệt cũng sẽ gây ra nhiều vấn đề. Pin không thể vận hành càng lâu, độ "chai" càng lớn hơn. Bởi vậy nếu trận bão khủng khiếp kia vẫn tiếp tục xảy ra, NASA tin rằng pin của Opportunity sẽ sớm rơi vào tình trạng không thể phục hồi.
Nói cách khác, đó là thời khắc cuối cùng Opportunity, giống như những gì đã xảy ra với Spirit - robot chị em với Opportunity, hạ cánh gần như cùng một thời điểm.
Spirit đã mất liên lạc với NASA kể từ tháng 3/2010, vào mùa đông của sao Hỏa. Các chuyên gia đã cố gắng liên lạc lại với Spirit, nhưng rồi họ cũng bỏ cuộc.
Tia hy vọng trong màn đêm
Trong cuộc họp báo vào ngày 16/8, NASA tỏ ra lạc quan, vì cơn bão đang có dấu hiệu yếu đi. Điều này có nghĩa rằng ánh sáng Mặt trời có thể sẽ sớm chạm đến tấm thu năng lượng, nạp điện vào pin và giúp Opportunity hoạt động trở lại.
Những gì Opportunity nhìn thấy trước ngày 10/6
Cơ sở của niềm tin này là vì những cục pin ấy trước đó vẫn trong trạng thái khá tốt, "không bị xuống cấp quá nhiều," - trích lời Squyres. Hơn nữa, cơn bão bụi ấy cũng phần nào làm không khí ấm lên, nên mạch điện chưa chắc đã hỏng.
Dĩ nhiên ở thời điểm hiện tại, Opportunity vẫn chưa chính thức rời khỏi cuộc chơi. Nhưng theo lời người phát ngôn của NASA, họ vẫn chưa có tin tức gì của rover này. Và nếu tình hình vẫn tiếp tục thì rất có thể trong tương lai, Opportunity sẽ được liệt vào danh sách những rover "đã chết" của nhân loại.