Rau chợ dán nhãn VietGAP vào siêu thị: "Người tiêu dùng có thể tẩy chay"

Dương Hưng, Theo Tiền phong 09:57 23/09/2022
Chia sẻ

"Nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP, Nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay..." - ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - nêu rõ.

Tối 22/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan triệu tập cuộc họp khẩn về phản ánh của truyền thông trước tình trạng “rau chợ dán VietGAP tuồn vào siêu thị”.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT đang triển khai cơ cấu lại ngành hàng, xây dựng kế hoạch để tiến tới chuẩn hoá quy trình canh tác, tiêu chuẩn về chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế ngành nông nghiệp còn tồn tại, mà người nước ngoài tóm tắt bằng 2 từ: "Dễ dãi".

“Sản xuất dễ dãi, ăn cũng dễ dãi. Nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ. Vì lợi ích ngắn hạn, một nhóm nhỏ đã làm méo mó mục tiêu của ngành”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cho rằng, với tư cách người tiêu dùng, nếu chúng ta chấp nhận sự dễ dãi, người bán cũng sẽ dễ dãi, nhìn rộng ra không chỉ trong lĩnh vực rau sạch mà cả các vấn đề khác của xã hội.

Rau chợ dán nhãn VietGAP vào siêu thị: Người tiêu dùng có thể tẩy chay - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng không thể dễ dãi trước tình trạng rau chợ dán nhãn VietGap tuồn vào siêu thị.

"Nhiệm vụ của Bộ NN&PTNT là chuẩn hoá chất lượng nông sản, cải thiện theo từng giai đoạn, khắc phục nhưng phải đo được, lượng hoá được. Bộ cũng cảm ơn các cơ quan truyền thông đã phản ánh góc khuất các sản phẩm đưa vào siêu thị, treo đầu dê bán thịt chó. Đau lòng", ông Hoan bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan chuyên môn từ nay đến cuối năm tập trung chuẩn hoá chất lượng nông sản cho ngay thị trường trong nước, bắt đầu từ các chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... "Xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Không chấp nhận sự dễ dãi từ khâu nhỏ nhất", Bộ trưởng Hoan nói.

Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT - cho rằng, muốn giám sát, chuẩn hoá chất lượng nông sản, thực phẩm phải đưa ra các chỉ số có thể đo lường được, đó là tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc quản lý sau khi được chứng nhận VietGAP lại thuộc bên thứ 3.

Ông Tiệp cho biết, ngay sau cuộc họp, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sẽ phối hợp làm điểm ở 1 trong 3 chợ đầu mối lớn nhất ở TP HCM là Tân Xuân, Bình Điền, Hóc Môn. Đơn vị sẽ lấy mẫu giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, việc rau chợ không rõ nguồn gốc "biến hình" thành rau VietGAP là chuyện sớm muộn sẽ xảy ra, bởi sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát. Hạn chế của nhà cung cấp trung gian hiện nay là không quản lý được đầu vào.

Rau chợ dán nhãn VietGAP vào siêu thị: Người tiêu dùng có thể tẩy chay - Ảnh 2.

Chất lượng hàng xuất khẩu kiểm soát chặt, nhưng hàng trong nước phục vụ 100 triệu dân đang bị buông lỏng.

"Tại sao hàng xuất khẩu chúng ta kiểm tra, kiểm soát tốt mà hàng tiêu dùng cho người dân trong nước lại không làm được?", bà Hậu đặt vấn đề.

Bà cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát, có chế tài xử lý xử phạt nghiêm minh những đơn vị, cá nhân làm ăn gian dối. Trong đó, chính quyền địa phương là cơ quan nắm rõ nhất, từ cơ sở sản xuất, chế biến, trung gian…

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT rà soát lại tất cả các tiêu chuẩn, quy định, chế tài trong việc quản lý, cấp phép, giám sát tiêu chuẩn VietGAP xem còn phù hợp hay không, có những bất cập gì cần sửa.

“Lâu nay chúng ta chỉ khuyến khích làm VietGAP mà chưa bắt buộc tất cả các siêu thị phải bán hàng VietGAP. Nhưng nếu không làm VietGAP mà bán giá VietGAP, Nhà nước có thể vào cuộc kiểm soát, xử phạt; người tiêu dùng có thể tẩy chay...", Bộ trưởng Hoan nói.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng minh bạch. "Chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà còn phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước", ông Hoan nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày