Nhìn lại những gì đã qua, tôi nhận ra rằng tôi đã phải trả giá cho khả năng ngoại ngữ kém bằng cả một tình yêu đầu đời.
Người đàn ông mà tôi yêu là một bác sĩ người Iraq. Cũng ở tuổi trẻ như tôi, chiến tranh đã buộc anh phải rời khỏi đất nước của mình và tới Syria để làm việc trong trại tị nạn. Đó là năm 2008, trước cách mạng.
Bấy giờ, tôi sống tại Syria để học tiếng Ả Rập. Chúng tôi đã gặp nhau trong trại tị nạn và năm sau đó, chúng tôi đã yêu nhau và rồi chia tay, tan vỡ rồi lại trở về bên nhau, chia sẻ rồi lại cãi vã, hầu như chỉ vì tôi không hiểu tất cả những gì anh muốn nói với tôi.
Chúng tôi giao tiếp bằng tiếng Ả Rập, là tiếng mẹ đẻ của anh ấy và là ngôn ngữ thứ hai của tôi. Anh và tôi đều sống một mình tại Damascus. Anh nói rằng anh yêu tôi từ lần đầu tiên trò chuyện, bởi tôi đã hỏi anh một câu hỏi. Điều đó có nghĩa rằng tôi muốn hiểu và sẵn sàng học hỏi.
Tôi không nhớ câu hỏi của mình. Những gì tôi nhớ được là gió bụi càng lúc càng thổi mạnh, cái nắng gay gắt không ngừng và những căn lều trắng chắp vá, trải ra như những cánh hoa từ xe cứu thương.
Tôi vào trong xe cứu thương tránh nắng. Anh đang dỗ dành một đứa bé quấy khóc, nó dịu xuống và ngủ thiếp đi khi anh vỗ về. Tôi nghĩ: Tôi muốn người đàn ông ấy yêu tôi nhiều như tôi yêu anh. Vì không giỏi tiếng Ả Rập nên tôi chỉ nhìn anh chăm chú, và anh ấy cũng nhìn lại tôi như thế.
Tiếp đó, anh đã gọi cho tôi và chúng tôi gặp nhau trong một quán cafe. Anh tặng tôi một bài thơ. Dù tôi nghe không hiểu nhưng cũng chẳng sao, chúng tôi vẫn yêu nhau.
Tôi là người mới học tiếng Ả Rập, tôi yêu thích và cố gắng học. Tôi đã biết từ “bệnh viện”, nhưng không biết “tình trạng khẩn cấp”, tôi biết từ “tình yêu” nhưng không biết từ “đam mê”, tôi biết “chiến tranh” nhưng không biết “nội chiến”.
Bác sĩ và tôi đều muốn trở thành những người cầm bút nên vào lúc rảnh, chúng tôi thường học cách hùng biện. Đôi khi tôi hỏi: “Sao anh có thể yêu được em khi em nói tiếng Ả Rập chẳng ra hồn như thế?”
Anh quả quyết rằng anh thấy được vẻ đẹp bên trong qua những câu nói lủng củng ấy của tôi. Chúng tôi không lo ngại gì cho dù tôi biết anh thạo tiếng, bởi Ả Rập là tiếng mẹ đẻ của anh. Vốn từ ít ỏi không chỉ ảnh hưởng tới việc diễn đạt mà còn ảnh hưởng tới việc thấu hiểu nhau, và chúng tôi vẫn chưa học được điều đó.
Tôi nói không ra lời còn anh thì trò chuyện tự nhiên. Chúng tôi đều thích những nét đặc trưng và các chi tiết, và anh ấy thường cũng sử dụng tốt những chi tiết trong câu chuyện của mình. Còn từ vựng tiếng Ả Rập của tôi ít ỏi và chung chung, vì thế mà những lời của anh đến tai tôi cũng chỉ đến vậy.
Tôi và anh cùng đến buổi thuyết giảng. Giữa buổi, anh viết vào mẩu giấy của tôi: “Em nhìn thật đẹp trong cặp kính này”. Tôi đã không biết từ “cặp kính” nên tôi chỉ hiểu “Em nhìn thật đẹp”. Anh ấy viết “Anh tưởng tượng em ở trong bồn tắm với những cánh hoa hồng”. Tôi không hiểu từ “những cánh hoa hồng”, tôi hiểu lõm bõm: “Em tắm. Anh có hôi không?”
Con người ta thường chỉ biết những từ cần thiết nhất. Tôi lớn lên từ một thị trấn nhỏ yên bình nên từ vựng của tôi về chiến tranh rất hạn chế. Nhưng chiến tranh lại là điều nổi bật trong công việc, trong gia đình, trong tình đầu của anh và cả nhận thức về mục đích của anh.
Anh từng nói “Anh nhớ lần những quả bom dội xuống phòng cấp cứu”, còn tôi chỉ hiểu rằng đã từng có một quả bom, tôi không biết nó gần bệnh viện đến mức nào và anh đã phải làm việc ra sao trong nỗi kinh hoàng ấy, đôi bàn tay anh run rẩy.
Vấn đề càng trở nên tệ hơn khi anh ấy gọi và nói gì đó với tôi khi tôi đang làm việc, tôi không hiểu và công việc thì dở dang. Tôi nói với anh rằng tôi đang bận và hỏi anh có thể gọi lại sau được không?
Khi gọi lại, anh nói: “Em không có trái tim. Anh nói rằng trại bị cháy, mọi người bị thương, hai người đã mất nhà và em nói rằng em bận, gọi lại sau?”
Tôi tan nát cõi lòng. “Em xin lỗi, em đã không nghe thấy anh nói” – Tôi nói.
“Có bao giờ em nghe anh nói không?”
Tất nhiên, có nhiều cách để nghe một người nói, nhưng không cứ lúc nào cũng phải bằng lời. Đêm hôm đó, chúng tôi vẫn nghe, mặc dù cả hai bị mắc kẹt trong ngôn từ.
Sau đó, chúng tôi vẫn gặp nhau nhưng không còn như trước nữa. Không lâu sau, kỳ trợ cấp của tôi đã hết và tôi trở về nhà.
Tôi đã nghĩ có lẽ đó không thực sự là tình yêu. Làm sao anh có thể yêu tôi khi tôi còn không hiểu anh ấy nói gì? Và nếu tôi không thể hiểu anh hoàn toàn, sao tôi có thể yêu lại anh?
Tôi đã tin là như thế trong hàng năm trời. Đôi khi tôi vẫn nhận được tin của anh nhưng chúng tôi đang ở cách xa nhau, cả một đại dương đang ở giữa chúng tôi, và tôi không còn tin rằng chúng tôi đã thực sự yêu nhau.
Sau đó, tôi đã gặp được người đàn ông sẽ trở thành chồng mình, người có mái tóc dài, tới nước Mỹ từ Brazil để nghiên cứu sinh vật. Khi anh ấy đạp xe đến tòa nhà tôi sống, trái tim tôi như ngừng đập. Anh hiểu tất cả những từ chuyên môn trong tiếng Anh nhưng không biết những từ đơn giản như “tin tưởng” hay “chiếc lược”.
Sau cuộc gặp gỡ, tôi chỉ muốn được ở bên anh. Tôi muốn thổ lộ hết trái tim mình, để nói và lắng nghe. Và nếu ai đó đặt câu hỏi về tình yêu của chúng tôi (bởi nó diễn ra quá nhanh, chỉ hơn hai tháng), hoặc nếu anh ấy đã từng đặt câu hỏi về tấm lòng của tôi (vì chúng tôi không cùng lưu loát trong một thứ ngôn ngữ), thì hẳn điều đó đã làm trái tim tôi tan nát rồi.
Tôi thấy mình ở vị trí của chàng bác sĩ trước kia. Và tôi học được rằng đôi khi, chỉ nói một vài từ cũng đủ, bất kể việc người bạn yêu có hiểu hay không. Đôi khi, chỉ cần muốn nói - là đủ.
Mối tình đầu của tôi từng nói: “Em hiểu anh như anh hiểu em, và nếu em không hiểu anh thì một ngày nào đó, em sẽ hiểu”. Anh ấy đã từng tin tưởng vào tương lai.
Tôi yêu cách mà chồng tôi nhìn mình khi anh ấy đang lắng nghe. Anh tạo ra những trò chơi mà chẳng cần ngôn ngữ. Anh không biết làm thơ bằng tiếng Anh nhưng anh có thể vẽ những bức hình lên những mẩu giấy cũ và để nó ở nhà. Bằng cách đó, tôi hiểu anh ấy cảm thấy ra sao.
Tôi đã làm gì để chứng tỏ tôi quan tâm tới chàng bác sỹ trước kia?
Qua năm tháng, tôi đã tiếp tục học tiếng Ả Rập và tiến bộ hơn. Khi tôi bắt đầu phiên dịch cho người ở những quốc gia có chiến tranh, tôi đã có được vốn từ vựng chuyên ngành.
Với vốn từ mới, tôi đọc lại bài thơ của anh. Tôi lấy chúng ra từ một chiếc hộp cũ, từng cái một. Tôi thích thú, nhận ra rằng anh ấy đã rất hùng hồn, anh viết chính xác và đầy sức thuyết phục.
Quay trở lại câu chuyện về quả bom mà anh từng kể, giờ tôi đã hiểu đôi tay anh run lên thế nào trong ca phẫu thuật, mạnh đến nỗi anh không biết có thể hoàn thành công việc đó hay không. Nhưng trước anh vẫn là một bệnh nhân, bởi vậy, anh buộc mình phải mạnh mẽ và hoàn thành công việc. Bệnh nhân đã sống và đó là một sự can đảm.
Tôi đã biết được những điều thật khủng khiếp rằng chính xác, anh đã bị đánh và tra tấn ra sao, rằng anh đã phải chịu đựng những lần đe dọa đến tính mạng chỉ vì anh giỏi trong công việc. Tôi học được rằng đôi khi, lòng tốt là thứ nguy hiểm nhất.
Cuối cùng, sau rất nhiều năm, tôi hiểu về tình yêu cái đẹp của anh. Anh đã viết bài thơ về hoa lài, bung nở giữa cát bụi và băng ở sa mạc lạnh giá.
Cho dù anh ấy nghĩ loài hoa ấy như tình yêu của chúng tôi, điều đó chẳng còn là vấn đề. Điều quan trọng là những lời của anh sẽ còn mãi, xinh đẹp như hiện tại và sau này. Một vài năm sau khi chúng tôi chia tay, cuối cùng thì tôi cũng hiểu lòng anh.
Giờ anh đã có gia đình và sống tại Thụy Điển, nơi anh ấy đang làm việc cho Hội Chữ thập Đỏ. Ngay khi tôi rời Syria, anh gặp rắc rối trong hoạt động chính trị và buộc phải chạy trốn. Là một người tị nạn với hộ chiếu không đảm bảo, anh đã làm một cuộc hành trình đầy bấp bênh qua Thổ Nhĩ Kỳ, băng qua biển với một con tàu không chắc chắn. Hành trình ấy diễn ra từ 5 năm trước khi hàng nghìn người tị nạn Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến tranh của riêng họ, họ cũng đã làm điều tương tự.
Anh ấy vẫn làm thơ, thường phát trên đài phát thanh địa phương, nổi tiếng đến mức người dân gọi đến và hỏi về “The Love Doctor”. Tôi cũng lắng nghe và tra những từ khó trong từ điển của mình.
Những bài thơ của chàng bác sĩ là món quà kỷ niệm cho tình yêu một thời của chúng tôi, cùng với một bài học: Đôi khi sẽ phải mất nhiều năm để chúng ta học được điều gì đó từ một mối quan hệ. Và không có hạn chót nào cho sự thấu hiểu.