"Rái cá sông Gianh" và giấc mơ hóa rồng

A PHI, Theo Tiền Phong 16:29 11/02/2024
Chia sẻ

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng bước vào năm 2024 với đầy hoài bão và tham vọng. Đây là năm tuổi, cũng là năm để “Rái cá sông Gianh” có cơ hội biến giấc mơ hóa rồng tại Olympic trở thành sự thật.

Rái cá sông Gianh

“Rái cá sông Gianh” đã trở thành biệt danh quen thuộc của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng. Nó nổi tiếng đến mức những người không quá yêu mến môn bơi lội cũng nhớ đến. Khi bạn tìm kiếm cụm từ này, Google sẽ trả về 227.000 kết quả chỉ trong vòng 0,26 giây. Và ở những trang kết quả đầu tiên, bạn tuyệt nhiên không thấy hình ảnh hay thông tin nào về con rái cá theo nghĩa đen. Thay vào đó là những bài viết về Nguyễn Huy Hoàng.

Sau Nguyễn Ánh Viên , Huy Hoàng chính là kình ngư nổi tiếng và thành công nhất Việt Nam trong những năm gần đây. Huy Hoàng sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo bên bờ sông Gianh, thuộc thôn Thanh Tiến, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Cha mẹ làm nghề chài lưới, Hoàng là con út trong gia đình có 6 anh em.

Dân làng, người yêu mến Huy Hoàng ví von kình ngư với “Rái cá” một phần vì tài năng, một phần khác từ mối lương duyên đặc biệt của anh với bơi lội. Theo lời kể của cha, Nguyễn Huy Hoàng sinh ra trên thuyền, khi gia đình anh lênh đênh kiếm sống ở sông Gianh. Phải đến khi anh 4 tháng tuổi, cả gia đình mới lên bờ cắm dùi vì hạn hán, sông không còn tôm cá để khai thác.

Rái cá sông Gianh và giấc mơ hóa rồng - Ảnh 1.

Huy Hoàng vinh dự cầm cờ cho đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic 2020

Ngay từ khi còn rất nhỏ, Huy Hoàng đã tiếp xúc với sông nước. Cha mẹ vất vả theo nghề chài lưới, Huy Hoàng cũng bơi lội dọc sông Gianh cào hến, bắt cá, vừa thỏa mãn tính ham chơi của trẻ nhỏ, vừa phần nào giúp đỡ gia đình.

Mẹ Huy Hoàng, bà Nguyễn Thị Học chưa bao giờ hết tự hào khi nhắc đến cậu con trai. “Tôi cũng không biết Hoàng biết bơi từ lúc nào. Ở miền quê sông nước chúng tôi, hầu hết đứa trẻ nào cũng biết bơi như kỹ năng sống vậy. Nhưng Hoàng như được thiên phú tài năng bơi lội. Nó bơi vượt trội bạn bè, thậm chí hơn cả các anh lớn tuổi trong làng. Người ta hay gọi nó là rái cá là vì như thế”, bà Học nhớ lại.

Lớn hơn một chút, Huy Hoàng có thêm “điều kiện” tập bơi khi cha anh nuôi cá lồng trên sông. Ngoài giờ học hàng ngày, Huy Hoàng có nhiệm vụ bơi dọc bờ sông vớt rong cho cá ăn. Cứ thế, khả năng bơi lội của anh phát triển vọt lên lúc nào không hay. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp Huy Hoàng mạnh ở các cự ly bơi dài.

Rái cá sông Gianh và giấc mơ hóa rồng - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Học bên tủ huy chương của con trai

Bước ngoặt cuộc đời và sự nghiệp của Huy Hoàng đến vào năm lớp 5, khi anh được vào đội tuyển trường tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Bình, xuất sắc giành giải Nhất bơi lội ở bậc tiểu học và được chọn vào đội tuyển năng khiếu của tỉnh. Được cha mẹ ủng hộ và động viên, Huy Hoàng khăn gói lên thành phố ăn tập khi mới 11 tuổi.

Hai năm sau, Huy Hoàng một mình Nam tiến khi được tuyển chọn đào tạo tại Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia TPHCM và Cần Thơ. Đây cũng là thời điểm “Rái cá sông Gianh” bắt đầu bước ra ánh sáng khi giành huy chương Vàng giải trẻ quốc gia và được gọi lên tuyển.

Năm 2015, Huy Hoàng trở thành hiện tượng không chỉ của môn bơi, mà của cả thể thao Việt Nam khi thống trị giải bơi vô địch trẻ Đông Nam Á. Lần đầu tiên ra nước ngoài thi đấu khi mới 15 tuổi nhưng Huy Hoàng không chút e dè hay tự ti. Anh đoạt 5 huy chương Vàng các nội dung 400m tự do , 1.500m tự do, 200m bướm, 200m bơi sải và tiếp sức 4x100m. Ngoài ra, kình ngư này còn phá kỷ lục lứa tuổi ở các nội dung 200m bướm, 400m tự do và 1.500m tự do.

Đó có thể xem là giải đấu khởi đầu cho sự nghiệp đầy vinh quang của Huy Hoàng. Anh nhanh chóng “lật đổ” đàn anh Lâm Quang Nhật ở giải bơi vô địch quốc gia và phá sâu kỷ lục bơi 1.500m tự do tại SEA Games 2017 ở Malaysia. Đỉnh cao của Huy Hoàng đến sau đó 1 năm khi anh xuất sắc giành huy chương Bạc bơi 1.500m và huy chương Đồng bơi 800m ở ASIAD 18, qua đó đạt chuẩn Olympic. Cũng trong giai đoạn này, Huy Hoàng tiến ra thế giới khi giành huy chương Vàng 1.500m tự do nam ở Thế vận hội trẻ 2018 Argentina.

Rái cá sông Gianh và giấc mơ hóa rồng - Ảnh 3.

Huy Hoàng ăn mừng tấm huy chương đồng ở Asiad 19

Những tấm huy chương cứ tìm đến đều đặn với Huy Hoàng kể từ đó và anh trở thành gương mặt quen thuộc của đoàn thể thao Việt Nam mỗi lần tham dự các đại hội lớn như Asiad hay Olympic. Gần nhất ở Asiad 19, Huy Hoàng đã chiến thắng bản thân để giành 2 tấm huy chương Đồng bơi 800m và 400m tự do nam. Cho dù thất bại ở nội dung sở trường, nhưng kình ngư quê Quảng Bình đã trỗi dậy đúng lúc và giành suất dự Olympic một lần nữa.

Giấc mơ hóa rồng

Năm 2024 chính là năm tuổi của Huy Hoàng. Chàng trai tuổi rồng đứng trước giấc mơ hóa rồng của cuộc đời, khi Olympic 2024 có thể là kỳ thế vận hội cuối cùng của anh, hay chính xác là kỳ thế vận hội sau cùng mà anh có thể tranh chấp với các đối thủ ở đẳng cấp thế giới. 4 năm tới, không ai chắc chắn Huy Hoàng sẽ ở đâu. Đừng quên Nguyễn Ánh Viên xin từ giã sự nghiệp thi đấu đỉnh cao từ năm 25 tuổi và giải nghệ sau đó chỉ 1 năm.

Tất nhiên, cơ hội giành huy chương Olympic của Huy Hoàng gần như không tồn tại. Ở tất cả các cự ly mà kình ngư này có thể tham gia, thế giới đều có những đối thủ rất mạnh. Huy Hoàng cũng không cần huy chương để “hóa rồng”. Thay vào đó, anh chỉ cần vượt qua vòng Heat là đủ để đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam.

Góp mặt ở mọi kỳ Olympic từ năm 1988 đến nay nhưng tuyển bơi Việt Nam chưa từng có ai vượt qua giai đoạn Heat, tức vòng loại đầu tiên để tiến vào vòng thi chung kết. Cách đây 3 năm tại Olympic Tokyo, Huy Hoàng đạt 2 chuẩn A bơi 800m và 1.500m tự do, 2 chuẩn B bơi 200m và 400m tự do. Anh đăng ký cả 4 nội dung, trở thành VĐV Việt Nam tham dự nhiều nội dung nhất lịch sử một kỳ Olympic, nhưng đều thất bại.

Năm 2024 chính là năm tuổi của Huy Hoàng. Chàng trai tuổi rồng đứng trước giấc mơ hóa rồng của cuộc đời, khi Olympic 2024 có thể là kỳ thế vận hội cuối cùng của anh, hay chính xác là kỳ thế vận hội sau cùng mà anh có thể tranh chấp với các đối thủ ở đẳng cấp thế giới.

Ở các nội dung sở trường 800m và 1.500m tự do, Huy Hoàng đều đạt thành tích tốt nhất so với các kình ngư châu Á nhưng như thế là chưa đủ để lọt vào chung kết. Vì vậy, lọt vào tốp 8 kình ngư xuất sắc nhất ở bất cứ nội dung được tham dự nào cũng sẽ là kỳ tích với “Rái cá sông Gianh” nói riêng và bơi lội Việt Nam nói chung.

Trong những năm gần đây, thành tích cá nhân của Huy Hoàng đã chững lại. Kỷ lục cá nhân của anh ở nội dung bơi 1.500m tự do đã tồn tại từ năm 2019, tại SEA Games 30 và anh chưa thể vượt qua. Huy Hoàng thậm chí chưa thể cải thiện thành tích ở nội dung 800m từ Thế vận hội trẻ 2018. Tuy nhiên, anh và ban huấn luyện tuyển bơi Việt Nam đã thay đổi giáo án tập luyện, tập trung nhiều vào các cự ly này và kỳ vọng sẽ đạt điểm rơi phong độ, bứt phá đúng vào Olympic 2024 sắp tới. Hai tấm huy chương Đồng ở Asiad 19 cho thấy tiềm năng của Huy Hoàng vẫn còn khá nhiều, và anh hoàn toàn có thể “hóa rồng” nếu đi đúng hướng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày