Ngành trồng hoa là mảng kinh doanh đã có từ cuối thế kỷ 19. Tại thập niên 1950, tổng giá trị của ngành trồng hoa trên thế giới chỉ vào khoảng 3 tỷ USD thì đến năm 2003, con số này đã đạt 101,84 tỷ USD.
Nói đến ngành trồng hoa trên thế giới, có lẽ không thể không nói đến Hà Lan khi quốc gia này đã nâng tầm mảng kinh doanh này lên một mức mới. Vào năm 2017, chính phủ Hà Lan đã đầu tư tới 2 triệu Euro để mua số liệu vệ tinh phục vụ cho nông nghiệp, đặc biệt là cho ngành trồng hoa.
Với hơn 41.000 km2 diện tích và 17 triệu người, thậm chí không bằng Việt Nam (rộng 331.231 km2 với dân số hơn 94,5 triệu người), trong đó khoảng 50% lãnh thổ chỉ cao hơn 1m so với mực nước biển, còn lại thấp hơn, rõ ràng Hà Lan là một quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên Hà Lan lại phát triển được một ngành nông nghiệp cực kỳ vững mạnh.
Số liệu của Tổng cục thống kê Hà Lan (CBS) và trung tâm nghiên cứu kinh tế Wageningen cho thấy xuất khẩu nông nghiệp năm 2017 đạt mức kỷ lục 91,7 tỷ Euro năm 2017, cao hơn cùng kỳ năm trước 7%. Thặng dư thương mại nông nghiệp của Hà Lan cũng tăng 4% lên mức 29,1 tỷ Euro.
Trong đó, công nghiệp trồng hoa được coi là ngành sản xuất mũi nhọn của Hà Lan khi có truyền thống sản xuất lâu đời cũng như được đầu tư rất nhiều về công nghệ. Hiện Hà Lan chiếm gần 50% sản lượng hoa cắt cành và 33% cây cảnh trên toàn thế giới.
Hàng năm, Hà Lan cung cấp tới 7 tỷ củ hoa với tổng giá trị 750 triệu USD cho toàn cầu. Quốc gia này có tới 108.000 trang trại hoa với khoảng 135.000 lao động. Ngoài ra, Hà Lan cũng là một trong những nước xuất khẩu giống hoa nhiều nhất thế giới với tổng kim ngạch đạt 3,1 tỷ Euro năm 2014.
Không những vậy, việc mua bán hoa tại Hà Lan đã được thương mại hóa vô cùng cao. Ngoài những sản phẩm được bán ở chợ hay siêu thị, hoa còn được giao dịch tại các sàn, tương tự như các thị trường cổ phiếu.
Ví dụ như sàn giao dịch hoa Aalsmeer của công ty FloraHolland với lượng giao dịch chiếm 60% tổng sản lượng mua bán hoa trên toàn thế giới. Giá hoa tại sàn giao dịch này chi phối hầu hết giá hoa trên toàn thế giới và mỗi ngày có khoảng 20 triệu bông hoa được trao tay tại đây. Nếu tính tổng các sàn giao dịch hoa mà FloraHolland quản lý thì tổng số giao dịch có thể lên tới 50 triệu bông mỗi ngày.
Với lịch sử hơn 100 năm và hơn 25.000 nông dân hợp tác sản xuất hoa, FloraHolland bán được khoảng 12 tỷ cành hoa mỗi năm với lợi nhuận 4 tỷ Euro. Hầu hết các sàn đấu giá của FloraHolland đều có 2 hình thức chính là đấu giá tự do và nhập khẩu bán hoa từ các nhà cung cấp quen biết.
Tất cả sản phẩm hoa đều sẽ được FloraHolland nhập vào kho, đánh mã số cũng như đưa thông tin lên mạng trước ngày đấu giá, hay còn gọi là phiên giao dịch.
Ứng dụng công nghệ cao
Với diện tích đất cũng như nhân lực có hạn, Hà Lan đã áp dụng chính sách tối ưu hóa hiệu quả canh tác với ngành trồng hoa. Trên thực tế, mảng kinh doanh hoa tươi bắt đầu từ thế kỷ 18 tại Anh nhưng chúng lại trở thành ngành mũi nhọn của Hà Lan và tất cả đều có nguyên nhân của nó.
Như đã nói ở trên, chính phủ Hà Lan từng bỏ ra 2 triệu Euro để mua dữ liệu vệ tinh về độ ẩm, chất lượng đất, không khí, áp suất… để giúp người nông dân tối ưu hóa phương án tưới tiêu, bón phân và thậm chí là thụ phấn cho hoa.
Công nghệ này khiến các trang trại hoa của Hà Lan can thiệp chính xác đến quy trình trồng hoa, giúp tiết kiệm hạt giống, phân bón cũng như lượng nước tưới. Đặc biệt, những thông tin này sẽ giúp Hà Lan tiết kiệm được quỹ đất cũng như nhân công nhưng lại cho hiệu quả lớn hơn nhiều so với các phương pháp truyền thống.
Bên cạnh đó, Hà Lan cũng rất chú trọng đến mảng đào tạo nhân lực cho nông nghiệp. Điển hình là Trung tâm nghiên cứu Đại học Wageningen (WUR), cách thủ đô Amsterdam 80km và được công nhận là viện nghiên cứu nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Trung tâm WUR nằm trong một khu vực tập trung hàng loạt những công ty khởi nghiệp và các nhà kính thử nghiệm. Khu vực này được người Hà Lan mệnh danh là "Thung lũng nông nghiệp" (Food Valley) nhằm cho thấy tư duy ứng dụng công nghệ và nông nghiệp có tầm quan trọng thế nào với thành công nơi đây.
Ngày nay, khoảng 45% học sinh tốt nghiệp từ WUR được tuyển dụng ở nước ngoài với hơn 100 quốc gia khác nhau, qua đó cho thấy chất lượng giáo dục công nghệ nông nghiệp cũng như sự đầu tư của chính phủ cho mảng này.
Hàng năm, Hà Lan đầu tư bình quân 4.000 Euro/hecta đất nông nghiệp cùng hàng loạt các chính sách tài trợ, xây dựng hệ thống tưới tiêu, trợ giúp người nông dân trồng hoa cũng như các mảng nông nghiệp khác. Quan điểm của chính quyền Amsterdam là do thiếu đất nên cần tập trung đầu tư hiệu suất cao cho từng khoảng đất.
Số liệu của CBS cho thấy nông sản chiếm tới 22% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 và dù đứng sau Mỹ về tổng giá trị xuất khẩu nông sản nhưng hiệu suất sử dụng đất lại đứng đầu thế giới. Tỷ trọng nông nghiệp của nước này chỉ chiếm 1,6% GDP và chưa đến 1,5% dân số Hà Lan tham gia làm nông nhưng những kỳ tích vẫn được lập nên một cách đáng kinh ngạc.