Ngay trong sáng 2/4, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại một số địa điểm, tuyến đường bị chặn trên địa bàn phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Theo ghi nhận, riêng xã Lê Lợi, phường Hoành Bồ có gần chục tuyến đường bị đất đá, bê tông chắn lối đi. Tại các điểm này đều không có biển thông báo cụ thể việc chặn đường.
Các tuyến đường bị chặn không có biển báo cụ thể.
Bên cạnh nhưng tuyến đường bị chắn, nhiều tuyến đường đã được dỡ bỏ, thu dọn đất đá. Thay vào đó là các chốt kiểm soát người và phương tiện được dựng lên để kiểm soát dịch bệnh.
Trao đổi với Tiền Phong vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trong sáng nay, tỉnh đã họp bàn phương án và bố trí lực lượng ứng trực tại các điểm chốt. Việc tháo dỡ các điểm chặn đã diễn ra khi có đủ lực lượng cán bộ ứng trực. Cái khó ở đây là việc thiếu hụt lực lượng, anh em ở địa bàn luôn căng mình chống dịch, các thôn bản lại có nhiều đường mòn lối mở nên không thể kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trong thời gian này”.
Một số tuyến đường đổ đất đá ngày 1/4 đã được thu dọn
Vị đại diện này cũng cho biết thêm, việc đổ đất chặn đường là biện pháp phòng dịch cấp bách, đại đa số người dân đều ủng hộ phương án này và trước mắt nó đã đem lại hiệu quả chứ không phải “ngăn sông cấm chợ”. Mỗi một thôn xóm, làng bản đều có nhiều đường ra vào, những lối mở không cần thiết cần được đóng để 1 lối chính có chốt kiểm soát 24/24 hoạt động hiệu quả.
“Đổ đất chặn đường có hơi bất tiện về đi lại nhưng trong tình hình dịch bệnh này việc làm này là cần thiết. Đi xa 1 chút, vòng vèo 1 chút nhưng kiểm soát được dịch bệnh dân chúng tôi cũng an tâm hơn” – Bà Vũ Thị Hằng (64 tuổi) thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long nói.
Một số hình ảnh Tiền Phong ghi nhận tại TP. Hạ Long sáng 2/4:
Lối vào chính của thôn Thống Nhất, phường Hoành Bồ được chốt chặn bởi lực lượng chức năng.
Tỉnh lộ 326 đi qua phường Hoành Bồ vẫn bị bê tông chặn kín.
Tỉnh lộ 326 thường ngày rất ít người qua lại nhưng là tuyến đường đi qua phường Hoành Bồ.
Một số đường nhánh của thôn vẫn bị chặn bởi đất.
Đường ống bê tông trở thành vật liệu chắn đường.
Sau khi dỡ bỏ đất đá, bê tông, các chốt kiểm soát được lập để kiểm soát dịch bệnh.
Các khối bê tông, đất đá sau khi được dỡ bỏ vẫn nằm ngổn ngang trên vỉa hè.
Một số lối vào của thôn Tân Tiến được chặn bởi dây chắn công trường.
Ngay sau khi bố trí được lực lượng tại các chốt xung yếu vào thôn, các lối chắn đã được chính quyền tháo dỡ.
Việc chốt chặn không gây ảnh hưởng nhiều đến người dân vì trên thực tế việc đi lại trong mùa dịch được hạn chế và mỗi thôn vẫn có con đường chính lưu thông qua trạm kiểm soát người và phương tiện 24/24.