Cách đây 60 năm trở về trước, văn hóa cafe Sài Gòn bắt đầu được hình thành với chỉ một cách pha chế thông dụng nhất: dùng vợt thiếc. Cafe vợt ngày ấy đã từng đập cùng nhịp sống với nhiều thế hệ người Sài Gòn cho đến khi bị thời gian nhấn chìm vào quên lãng, nhường chỗ cho các loại hình cafe du nhập từ phương Tây.
Cafe pha bằng vợt thuờng có nhiều bọt, uống rất thanh và vừa miệng, là đặc trưng của văn hóa Sài Gòn năm xưa.
Trải qua hàng chục năm sinh tồn, chứng kiến nhiều sự đổi thay của thành phố từ nếp sống, đường xá, nhiều lứa khách cũ ra đi vì tuổi già, lớp trẻ lại không mặn mà với cách pha chế cafe rườm rà, nhiều công đoạn, nên một loạt quán cafe vợt Sài Gòn đã phải đóng cửa hoặc đổi loại hình phục vụ. Đến hiện tại, cả thành phố chỉ còn ngấp nghé 3,4 quán cafe vợt âm thầm phục vụ những vị khách cùng mình đi suốt chặng đường dài mấy mươi năm qua.
Trong số đó, phải kể đến quán cafe của ông bà Ba - tên thường gọi của vợ chồng ông Đặng Ngọc Côn, 81 tuổi, quận Phú Nhuận. Đó là quán cafe vợt tồn tại qua 3 thế hệ, những vị khách thời trai trẻ ngày xưa nay đầu đã có hai thứ tóc, nhưng vẫn mỗi ngày đến quán, cafe, đọc báo, để như được sống lại trong không gian Sài Gòn xưa.
Không gian thú vị trong quán cafe tái hiện văn hóa xưa ở Sài Gòn - Thực hiện: Nam Nguyễn
Quán cafe của ông bà Ba nằm trong con hẻm 330 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, 24h luôn mở cửa đón khách.
Những bậc cao niên gắn bó với Sài Gòn từ rất xưa là các vị khách quen thuộc của quán cafe này.
Ba của ông Côn đã bán cafe ở Sài Gòn từ những năm 1954 và đến năm 1975, ông tiếp tục cái nghề cha truyền con nối này. Tồn tại hơn nửa thế kỷ, quán cafe không tên của ông bà Ba được dân Sài Gòn ưa chuộng từ những ngày đầu mở bán. Xe cafe cóc với bếp củi và mùi cafe thơm lừng lúc nào cũng nghi ngút khói, đã "quyến rũ" rất nhiều dân Sài Gòn xưa sinh sống quanh khu Tân Định, cầu Kiệu.
Chiếc đồng hồ cổ được ông bà mang về từ Thụy Sĩ như một dấu ấn thời gian để khách có thể cảm nhận được sự lâu đời của quán.
Quán cóc của ông bà được người dân chú ý bởi hơn 60 năm mở cửa đón khách, dù nắng mưa hay lễ Tết, ông bà Ba vẫn mở cửa thâu đêm suốt sáng, chỉ đóng cửa duy nhất mỗi năm một lần vào 10 phút giao thừa.
"Hai vợ chồng chúng tôi thay phiên nhau để bán suốt cả ngày, không ngơi nghỉ. Sáng sớm ông bán thì đến trưa chiều tôi bán cho ông nghỉ ngơi, tối nếu hai vợ chồng mệt thì còn người con trai, cứ thế thay phiên nhau để quán hoạt động liên tục", bà Ba chia sẻ.
Bà Ba là một người rất mến khách và cũng là một dân "nghiện" cafe nặng.
Cứ pha xong một đợt cafe phục vụ khách, bà lại tự thuởng cho mình một ly cafe đá nguyên chất. Hỏi bà uống bao nhiêu ly cafe trong ngày, bà chỉ cười: "Không đếm được!".
Trong hồi ức những người lớn tuổi, cafe vợt là cả một tuổi thơ, là những ngày trẻ sống trong gian khó, để rồi được uống một cốc cafe chỉ có vài trăm đồng cùng bạn bè, làng xóm, là khoảng thời gian tuyệt vời khó có gì thay thế được.
Để có một "mẻ" cafe thơm ngon phục vụ khách, ông bà Ba đều làm theo cách quen thuộc hàng chục năm qua: cho cafe đã xay nhuyễn vào chiếc vợt dài rồi nhúng vào siêu nước đang được đun sôi bằng bếp củi, dùng muỗng khuấy đều, tạo bọt rồi đậy nắp nồi siêu lại, chờ khoảng 5-10 phút rồi rót ra ấm, chuẩn bị phục vụ khách.
Cách pha cafe vợt thiếc đặc trưng của người Sài Gòn xưa là cho cafe vào một túi vợt dài chừng 25cm, đường kính miệng 10cm...
Sau đó đổ nước sôi rồi đun cafe liên tục bằng bếp than.
Những giọt cafe thơm lừng tí tách bốc khói nghi ngút làm nao lòng biết bao thực khách cao niên.
Ông Nam, 55 tuổi, một vị khách gắn bó với quán cafe của ông bà Ba từ 20 năm trước chia sẻ: "Uống cafe, quan trọng nhất là không gian của quán. Có những hàng quán sang trọng, bàn ghế còn mùi gỗ mới, cafe ngoại nhập... nhưng mình ngồi mà không cảm thấy thoải mái thì cũng chỉ đến một lần cho biết rồi thôi. Nhưng quán của cô chú Ba đây thì ngoài cafe rẻ, khách đến quán còn được sống trong cái không gian thi vị của Sài Gòn xưa, được trò chuyện với những người cùng bước qua mốc thời gian thăng trầm cuộc đời như mình đây, thì không chỗ nào có được".
Buổi sáng đến quán, kê ghế ngồi sát mép tường, châm một điếu thuốc rồi nhìn dòng xe tấp nập của thành phố lướt qua, là thói quen lâu ngày của không ít người Sài Gòn.