Sự sầm uất của Sài Gòn luôn là thứ thanh âm đối với kẻ lạ thì khó mà nghe nổi, còn với người đã quen thì nó như một điều bình thường. Bình thường như ly cà phê đầu hẻm, người hàng xóm già bên cửa sổ và như bất cứ điều gì mà người ở đó đi xa sẽ biết mình nhớ gì.
Có lẽ người lớn sẽ nhớ nhiều cái mùi cà phê bay thoang thoảng trong gió, những người bạn già ngồi nói chuyện không đầu không kết. Hôm nay nói chưa xong mai lại nói tiếp, để hôm sau lại có cái cớ gặp nhau. Người Sài Gòn uống cà phê suốt bốn mùa.
Ở Sài Gòn, người ta uống cà phê suốt bốn mùa.
Chưa ai thống kê nổi cái thành phố này có bao nhiêu quán cà phê, chỉ biết là nhiều lắm thôi. Nhiều không đếm xuể, cũng chẳng ai rảnh mà đếm. Cà phê đâu có câu nệ, dăm ba cái ghế, vài cái ly thuỷ tinh, mấy phin cà phê thơm nồng và những người bạn là thành ra một cái quán rồi. Cà phê ở Sài Gòn còn là cha truyền con nối, cà phê chứng kiến những cuộc đổi thay, chia li rồi lại tiếp tục số kiếp của nó.
Ở chân cầu Thị Nghè (Quận Bình Thạnh), có một quán cà phê đã hơn nửa thế kỷ nay. Quán đã qua hai đời, khách ở đây đa phần tóc đã hai màu.
Quán chẳng có cái bảng hiệu nào hết, hỏi thì người ta biết là quán Ông Năm gốc bưu điện thôi. Khách cũng chỉ toàn khách ruột, có người uống từ thời trai trẻ mà nay đã lên chức ông, người đến quán gần nhất cũng đã hơn mười mấy năm. Nếu nói họ là chứng nhân của cái quán cũ này, của Sài Gòn cũng không phải quá. Sáu mươi năm cuộc đời họ đã ngồi ở đây, mặc cho cuộc đời ngoài kia thay đổi chừng nào.
Quán Ông Năm gốc bưu điện - "bạc màu" tồn tại đã hơn 50 năm.
Chiếc quán nhỏ xíu, cũ kĩ. Những người đến đây cũng đã gắn bó với quán cả nửa cuộc đời.
Chủ quán là ba người phụ nữ trung niên, họ nhớ tên gần như toàn bộ khách đến quán, thuộc lòng cả thói quen của họ như uống món gì, mấy giờ đến quán... Những chú xe ôm da sạm cháy, những bác tài xế taxi tranh thủ giờ nghỉ trưa cũng tạt qua quán "làm" li cà phê. Những người làm nghề bảo vệ, thợ hồ... Hoặc đơn giản chỉ là những người đàn ông lớn tuổi trong cùng một cái xóm ra đó ngồi cùng nhau để trò chuyện. Tiếng cười nói rôm rả một góc đường.
Chú Trung một vị khách lâu năm của quán kể rằng: "Ngồi cà phê ở đây cũng toàn là ông già thôi, phải tuổi cha chú trở lên mới tới đây. Nhưng ai đến thêm cũng vui, chỉ cần là người tốt thì ở đâu cũng được. Uống ly cà phê với nhau đi, người Sài Gòn mà". Ba chữ "người Sài Gòn" nói thì nhẹ, mà giữ để làm nó thành một cái riêng, ai nhắc đến cũng nhớ ngay về sự hào sảng, nghĩa khí mới là khó.
Cà phê đã mang những con người xa lạ, đủ độ tuổi, tầng lớp đến gần nhau. Ở đây dù bạn là giám đốc hay là anh công nhân, bạn cũng chỉ có thể mua được li cà phê mười nghìn đồng không hơn kém ai.
Khách tại quán chủ yếu là khách quen thân hàng chục năm
Chủ quán biết tên từng vị khách, cả khẩu vị, giờ đến quán...
Từng ly trà đơn sơ nhưng đong đầy những câu chuyện sớm tối.
Người ta nói rằng muốn biết về một vùng đất nào đó bạn phải ngồi cà phê với người bản xứ. Vậy thì có dịp bạn thử ghé lại đây, quán cà phê vợt nhỏ xíu, cũ kỹ trên con đường Phan Văn Hân. Dấu hiệu nhận biết là cà phê rất thơm, cô chủ có gương mặt nghiêm nghị, còn các bác các chú sẽ cười xoà đưa tay ra ngoắc bạn lại:"Vào đây làm ly cà phê đi!".
Rồi bạn sẽ được nghe họ kể những câu chuyện xa lắc mà bạn chưa từng biết, những địa danh mà hồi trẻ họ từng đi qua, những người lạ sẽ kể bạn nghe về cuộc đời họ ở đó. Như một ông cụ đã ngoài 70 kể rằng: "Đi đâu rồi cũng về ngồi đây, nhìn Sài Gòn đổi thay nhiều lắm. Chỉ có mấy ông già ở đây mới hiểu hết thôi". Đấy Sài Gòn nuôi sống người ta mà chẳng cần hàm ơn gì hết, họ tự động biết thương cái vùng đất này vậy thôi.
Đấy Sài Gòn nuôi sống người ta mà chẳng cần hàm ơn
Trong một buổi chiều thảnh thơi nào đó, có li cà phê thơm và những người là lạ, có khi bạn sẽ thấy lòng bình an như những hạt cà phê chờ được rang, pha kia. Bạn có thấy Sài Gòn hiền lành hơn chưa?