Sinh vật lớn nhất thế giới chẳng phải cá voi xanh, cũng chẳng phải những cây cổ thụ nghìn năm tuổi trong rừng Amazon. Danh hiệu ấy thuộc về một loài nấm, có tên Armillaria - còn gọi là nấm mật ong, hoặc nấm khổng lồ (humongous).
Armillaria thuộc chủng nấm ký sinh, có thể xâm chiếm thân thể của hơn 500 loài thực vật. Chúng có thể xem là con quái vật, là cơn ác mộng cả với những khu rừng rộng lớn nhất.
Chúng chặn đường đi của nước và dưỡng chất, khiến rễ cây chết đi rồi xâm chiếm toàn bộ đường đi của bộ rễ ấy. Chúng có thể bao phủ khu vực tương đương diện tích của một thành phố nhỏ, với trọng lượng lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tấn.
Đặc biệt ở chỗ, rễ của nấm Armillaria có thể liên kết với nhau. Đó cũng chính là lý do vì sao Armillaria được xem là sinh vật có cơ thể lớn nhất thế giới, vì dù có bao nhiêu cây nấm xuất hiện, chúng vẫn là một thực thể thống nhất - còn gọi là đại cơ thể.
Và giờ đây, con người đã có thể hiểu được bộ mã gene của nấm mật ong, qua đó giải mật được cơ chế "phát tướng" của con quái vật này. Tất cả là nhờ nghiên cứu của tiến sĩ György Sipos từ ĐH Sopron (Hungary).
Tiến sĩ Sipos cùng các cộng sự giải mã bộ gene của 4 loài nấm Armillaria, sau đó so sánh với 22 loài nấm khác.
Theo đó, Armillaria có một lượng lớn gene đóng vai trò làm thối rễ. Chưa kể, nấm A. ostoyae - chi nấm phổ biến nhất của Armillaria còn có các gene hỗ trợ quá trình lây lan.
Cụ thể hơn, bộ gene của A. ostoyae giúp chúng tạo nhiều enzyme phân hủy lignocellulose, giúp nấm tấn công rễ cây nhanh gấp nhiều lần so với vi khuẩn. Đó là một lợi thế sinh tồn cực kỳ lớn, qua đó giúp chúng phát triển với tốc độ rất khủng khiếp.
Đặc biệt, bộ gene của Armillaria có tỉ lệ đột biến thấp và chậm hơn rất nhiều loài nấm khác - ước tính cả ngàn lần. Theo Sipos lý giải, chúng chẳng việc gì phải thay đổi, khi đã có sẵn một bộ gene giúp xâm chiếm cả thế giới.
Trên Trái đất hiện tại có rất nhiều "đại cơ thể" nấm Armillaria, trong số quái vật nấm lớn nhất được tìm thấy ở rừng quốc gia Malheur, bang Oregon (Mỹ). "Đại cơ thể" này rộng tới 10km vuông - tương đương với 0,14% diện tích khu rừng, và nặng tới 605 tấn - một con số mà không một sinh vật nào có thể "đỡ" nổi.