Cuối năm 2020, cư dân mạng ở Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới không khỏi xôn xao, ngỡ ngàng khi những bức ảnh về con rùa vàng lan truyền khắp cõi mạng, đặc biệt là ở nền tảng Twitter. Trông con vật toàn thân vàng óng hệt như thể món đồ chơi làm từ nhựa hay miếng phô mai ngon béo ngậy và khiến nhiều người tỏ ý nghi ngờ. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thật trong tự nhiên và còn là một trong những sinh vật vô cùng quý hiếm, cần được bảo tồn!
Theo trang tin tức The Quint, vào khoảng cuối tháng 10 năm 2020, một con rùa vàng đúng nghĩa đã được phát hiện ở bang Tây Bengal (Ấn Độ). Nhân viên Sở Lâm nghiệp Ấn Độ (IFS) tên Debashish Sharma đã đăng tải vài bức ảnh lên mạng xã hội Twitter và lập tức khiến cộng đồng mạng nháo nhào.
Giống như một lát phomat, một phiến bơ hoặc lòng đỏ của một quả trứng, sinh vật với toàn bộ các bộ phận đầu, chân, móng đều có màu vàng sặc sỡ này đã nhanh chóng trở thành tâm điểm trên internet.
Debashish đăng tải những bức ảnh kèm chú thích: "Hôm nay, một con rùa vàng đã được cứu khỏi một cái ao ở Burdwan, Tây Bengal. Đây là loài rùa rất hiếm".
Một nhân viên của IFS khác tên Rames Pandey cũng chia sẻ những bức ảnh làm sáng tỏ hơn về vụ việc, ông viết: "Đây là lần thứ 2 trong thời gian ngắn người ta tìm thấy rùa màu vàng như vậy. Vẫn chưa rõ là loài mới hay bị bệnh bạch tạng, hoặc bạch tạng đột biến".
Nếu loài rùa này hoàn toàn có thật thì câu hỏi đặt ra là vì đâu mà chúng lại có màu vàng kỳ lạ như vậy?
Được biết, đây là lần thứ 2 chỉ trong vòng 3 tháng, Sở Lâm nghiệp Ấn Độ đã thông báo về việc phát hiện ra con rùa màu vàng nổi bật như thế.
Theo trang thông tin Sciencealert, đây được gọi là loài rùa flapshell Ấn Độ (tên khoa học là Lissemys punctata), một loài rùa nước ngọt cực kỳ phổ biến tại Nam Á, nơi chúng là một trong những loài phổ biến nhất trong các loài rùa thủy sinh. Chúng thường có màu nâu với các đốm vàng và mặt thân dưới màu trắng kem. Nhưng vì gặp phải một dạng đột biến lạ nên chúng có màu vàng óng như vậy.
Trước đó, vào năm 1997, người ta tìm thấy một con rùa có màu vàng và đôi mắt màu hồng tại Gujarat (phía Tây Ấn Độ). Bên cạnh đó, cũng có một vài cá thể được phát hiện ở Myanmar và Bangladesh, nhưng dữ liệu chưa được công bố.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng này được cho là do thiếu sắc tố tương tự như bệnh bạch tạng thuần túy - một rối loạn di truyền gây ra sự thiếu hụt hoàn toàn các sắc tố trong cơ thể.
Nhưng thay vì biến thành màu trắng, trong một số trường hợp nhất định, các sắc tố pteridine (màu vàng) vẫn được giữ lại, và trở thành màu trội. Hiện tượng này còn được gọi là chứng bạch thể màu. Và với loài rùa thì hội chứng này sẽ tạo ra những màu sắc cực kỳ nổi bật.
Khi người ta tìm ra con rùa vàng đầu tiên tại Ấn Độ vào tháng 7 năm 2020, các nhà động vật học cho rằng trong một số trường hợp, các sắc tố khác cũng có thể tồn tại sau khi đột biến, chẳng hạn như màu đỏ. Nhưng ví dụ về con rùa màu đỏ như thế này không được tìm thấy trên mạng internet.
Nguồn: Sciencealert