Chân sút Almoez Ali của Qatar đang dẫn đầu danh sách ghi bàn ở Asian Cup 2019 với 7 bàn. Anh bỏ cách hai người đứng sau là Ali Mabkhout (UAE) và Sardar Azmoun (Iran) đến 3 bàn. Khả năng rất lớn Almoez Ali sẽ giành vua phá lưới, bởi trước mắt các đội là trận bán kết rất khó để nâng cao thành tích ghi bàn.
Hiện tượng đội bóng có vua phá lưới không thể vô địch xảy ra rất thường xuyên trên thế giới trong những năm qua, không chỉ ở cấp đội tuyển mà còn ở cấp CLB. Có 1 người ghi bàn nhiều không quan trọng bằng có nhiều người biết ghi bàn.
Almoez Ali dẫn đầu danh sách ghi bàn với 7 pha lập công. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử vua phá lưới Asian Cup, ta sẽ thấy có 1 cái dớp: 10 kỳ qua, đội nào có vua phá lưới đều không thể vô địch, chỉ có 1 ngoại lệ.
Vào năm 1980, Behtash Fariba của Iran và Choi Soon-ho của Hàn Quốc đều ghi 7 bàn, chia nhau danh hiệu vua phá lưới. Nhưng đội tuyển của họ đều không vô địch mà là Kuwait.
Năm 1984, Iran có đến 2 vua phá lưới nhưng thậm chí chỉ đứng hạng tư chung cuộc. Saudi Arabia giành ngôi vô địch.
Vào năm 1988, Lee Tae-ho của Hàn Quốc giành vua phá lưới. Tuy nhiên đội bóng xứ sở kim chi chỉ giành ngôi á quân sau khi để thua Saudi Arabia trong loạt sút luân lưu 11m.
4 năm sau, tiền vệ Fahad Al-Bishi của Saudi Arabia giành ngôi vua phá lưới với 3 pha lập công. Nhưng trong trận chung kết, Al-Bishi tịt ngòi, ngậm ngùi nhìn đội nhà thua Nhật Bản 0-1.
Kịch bản tương tự diễn ra vào năm 1996. Ali Daei, huyền thoại bóng đá Iran trở thành chân sút tốt nhất với 8 bàn. Nhưng đội tuyển của anh bị loại ở bán kết sau khi thua Kuwait trên chấm luân lưu.
Asian Cup 2000, Lee Dong-guk ghi 6 bàn, thắng giải vua phá lưới nhưng tuyển Hàn Quốc bị loại ở bán kết. Lee Dong-guk ghi bàn phút 90+1 cũng không thể giúp Hàn Quốc ngược dòng Saudi Arabia bởi họ đã thua trước đến 2 bàn.
Tại Asian Cup 2004, danh hiệu vua phá lưới được chia sẻ cho 2 tiền đạo Ali Karimi (Iran) và A’ala Hubail (Bahrain) với thành tích cùng 5 bàn. Tuy nhiên cả Bahrain và Iran đều gục ngã ở bán kết trước Trung Quốc và Nhật Bản trong các loạt sút luân lưu 11m.
Ali Mabkhout, ngôi sao sáng nhất của nước chủ nhà UAE, đã có 4 bàn thắng tại giải năm nay. Anh từng giành ngôi vua phá lưới kỳ Asian Cup 2015 với 5 bàn. Ảnh: Getty.
Ngoại lệ chỉ đến vào năm 2007. Trong kỳ Asian Cup duy nhất đến nay được đồng đăng cai ở 4 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia, danh hiệu vua phá lưới được chia sẻ bởi Younis Mahmoud (Iraq), Naohiro Takahara (Nhật Bản), Yasser Al-Qahtani (Saudi Arabia) với cùng 4 bàn thắng.
Trong 3 người này, Younis Mahmoud đăng quang vô địch với tuyển Iraq. Saudi Arabia của Yasser Al-Qahtani chỉ giành ngôi á quân. Còn Nhật Bản của Naohiro Takahara thậm chí chỉ đứng thứ 4.
Hai kỳ Asian Cup tiếp theo, vua phá lưới đều ghi 5 bàn và đều dừng bước ở bán kết. Tại Asian Cup 2011, Koo Ja-cheol cùng tuyển Hàn Quốc thua Nhật Bản ở loạt luân lưu. Ở Asian Cup 2015, Ali Mabkhout cùng UAE dừng chân sau trận thua 0-2 trước Australia.
Năm | Đội vô địch | Vua phá lưới | Quốc tịch |
---|---|---|---|
1980 | Kuwait | Behtash Fariba Choi Soon-ho | Iran Hàn Quốc |
1984 | Saudi Arabia | Shahrokh Bayani Nasser Mohammadkhani Jia Xiuquan | Iran Iran Trung Quốc |
1988 | Saudi Arabia | Lee Tae-ho | Hàn Quốc |
1992 | Nhật Bản | Fahad Al-Bishi | Saudi Arabia |
1996 | Saudi Arabia | Ali Daei | Iran |
2000 | Nhật Bản | Lee Dong-guk | Hàn Quốc |
2004 | Nhật Bản | A'ala Hubail Ali Karimi | Bahrain Iran |
2007 | Iraq | Younis Mahmoud Naohiro Takahara | Iraq Nhật Bản Saudi Arabia |
2011 | Nhật Bản | Koo Ja-cheol | Hàn Quốc |
2015 | Australia | Ali Mabkhout | UAE |
Lịch thi đấu bán kết Asian Cup 2019.