Ai cũng biết rằng học sinh hiện nay phải chịu áp lực học tập lớn hơn thế hệ trước rất nhiều. Không chỉ phải đối mặt với các môn học ở trường và bài tập về nhà nặng nề, các em còn cần phải tham dự các lớp học phụ đạo khác, bao gồm cả môn học văn hóa cho đến học nghệ thuật, thể thao. Với phụ huynh, bản thân họ cũng phải chịu gánh nặng lo tiền học thêm cho con.
Trước đây, khái niệm học thêm không hề tồn tại nhưng dường như hệ thống giáo dục vẫn hoạt động trơn tru. Những học sinh giỏi vẫn có thể học hành thành tài và đạt được thành tựu trong sự nghiệp, cuộc sống. Vậy tại sao trẻ em ngày nay phải đi học thêm? Liệu học sinh thời nay không đi học thêm có được không?
Thực chất, lý do dẫn đến sự thay đổi này rất đa dạng và phức tạp. Trước tiên, ngày trước bài thi hầu hết đều dựa trên những gì được dạy ở trường nhưng bây giờ thì không như vậy. Kiến thức dạy vẫn giống nhau nhưng nội dung bài thi còn được giáo viên căn cứ vào nhiều nguồn khác như sách tham khảo bên ngoài. Để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, kiến thức được truyền dạy trên lớp thôi là chưa đủ.
Ảnh minh họa
Cách phân tích này được nhiều phụ huynh đồng tình vì họ nhận thấy rằng dù con cái vẫn học những kiến thức giống như mình ngày trước, nhưng mỗi lần giúp con làm bài tập về nhà, không ít cha mẹ nhận thấy độ khó và độ sâu của câu hỏi phức tạp hơn rất nhiều.
Hiện nay, thái độ của nhiều phụ huynh đối với các lớp phụ đạo là "không muốn học cũng bắt buộc phải tham gia". Bất kể họ có thấy học thêm hữu ích hay không, họ vẫn phải cho con học thêm vì không muốn con bị tụt lại phía sau.
Không thể phủ nhận dù là ở bất kỳ đâu, chương trình giáo dục cũng đã thay đổi, được cải tiến theo thời gian. Thực tế cho thấy lớp học thêm là lớp dạy học nâng cao thực sự có hiệu quả. Không có gì đảm bảo học sinh có đi học phụ đạo sẽ được điểm cao hơn các bạn khác nhưng các em đã được học tăng cường và thu thập được nhiều kiến thức hơn.
Nền giáo dục ngày nay quả thực rất cạnh tranh, các kỳ thi ngày càng khó khăn, yêu cầu đối với học sinh cũng cao hơn. Học thêm như một cách "lấp chỗ trống" hiệu quả những kiến thức học sinh chưa kịp tiếp thu hết trên trường.
Không phải cứ đi học thêm là học sinh sẽ học tốt hơn hay được học nhiều hơn. Sau tất cả, để học phụ đạo thực sự phát huy tác dụng tối đa thì cần sự hướng dẫn và lựa chọn đúng đắn của cả học sinh lẫn cha mẹ.
Thứ nhất, lớp học, môn học phụ đạo cần phù hợp với năng khiếu của từng em học sinh. Việc phụ huynh chú ý đến điểm số là đúng nhưng cũng nên xây dựng kế hoạch đào tạo dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của con. Ví dụ, đừng quá bắt ép con phải học Toán nếu có thiên hướng thích và học giỏi môn Văn.
Ảnh minh họa
Thứ hai, cha mẹ nên rèn luyện ý thức học tập và phương pháp học tập tốt cho con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu trẻ hình thành thói quen học tập chăm chỉ khi còn nhỏ thì khi lớn lên cha mẹ sẽ bớt phải lo lắng hơn nhiều.
Thứ ba, phụ huynh nên khéo léo sử dụng phương pháp giáo dục "động viên". Nếu con em học chưa tốt như mong đợi thì nên tìm ra điểm tốt và khen ngợi nhiều hơn thay vì mắng mỏ, chê bai. Việc này có thể nâng cao sự tự tin và ý thức đạt được thành tích của học sinh, đồng thời nâng cao tinh thần học tập của các em.
Nguồn: Sohu