Phụ huynh Hàn Quốc đổ xô mua "thuốc thông minh"

Tú Anh, Theo Giáo dục và Thời đại 15:20 09/11/2024
Chia sẻ

Chỉ còn một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh đại học tại Hàn Quốc, còn gọi là Suneung, sẽ diễn ra.

Phụ huynh Hàn Quốc đổ xô mua "thuốc thông minh"- Ảnh 1.

Học sinh Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.

Để kiểm soát nỗi lo lắng của con em trước kỳ thi, nhiều phụ huynh đổ xô tìm mua những viên thuốc được quảng cáo là giúp người dùng thông minh hơn.

Lee, 18 tuổi, hiện theo học tại một trường phổ thông tư thục ở thành phố Incheon, Hàn Quốc là một trong số người dùng thuốc. Ngoài ra, nam sinh không ăn đồ nhiều dầu mỡ, tinh bột và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh để thuốc có thể phát huy tối đa tác dụng.

Lee cho biết: “Cháu nghe nói đây là một dạng thuốc cổ truyền giúp giảm các triệu chứng lo âu như tim đập nhanh, đổ mồ hôi tay và tăng cường khả năng tập trung. Thử một loại thuốc vẫn tốt hơn là không làm gì trước một kỳ thi có thể thay đổi cả cuộc đời cháu”.

Thuốc mà Lee dùng có tên là “Cheongsimhwan”, được quảng cáo là một loại thảo dược truyền thống, giúp điều trị lo âu và căng thẳng. Nó thường được sử dụng để nạp lại năng lượng trước một sự kiện quan trọng. Với học sinh, thuốc giúp điều trị chứng lo âu quá mức bằng cách ổn định nhịp tim và lưu thông máu.

Tương tự, trên thị trường hiện cũng xuất hiện nhiều loại thuốc thảo dược như “gongjindan”, “cheonwangbosimdan”… dùng để cải thiện tình trạng lo âu, mất ngủ ở học sinh sinh viên. Sản phẩm được bán tại các hiệu thuốc không cần kê đơn. Các bác sĩ Đông y cũng khuyên nên sử dụng thuốc thảo dược một hoặc hai tuần trước kỳ thi.

Tuy nhiên, Hiệp hội Y học Hàn Quốc cảnh báo việc dùng thuốc khi học sinh “không cảm thấy quá lo lắng” có thể gây tác động tiêu cực như tiêu chảy, chóng mặt; từ đó, ảnh hưởng đến kết quả. Tác dụng của các loại thực phẩm bổ sung chống lo âu khác nhau tuỳ theo cơ thể mỗi người và liều lượng sử dụng, nếu không cân nhắc đầy đủ các yếu tố có thể gây tác dụng phụ nguy hiểm.

Ngoài các loại thuốc truyền thống, phụ huynh và thí sinh cũng tìm đến các loại thực phẩm bổ sung trôi nổi trên thị trường. Chúng được quảng cáo là tăng cường khả năng nhận thức, hiệu suất làm việc. Những sản phẩm này không cần kê đơn và có thể mua trực tuyến.

Thậm chí, nhiều người còn tìm kiếm thuốc điều trị bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) để tăng cường sự tập trung. Các cơ quan y tế đã phát hiện gần 700 trường hợp bán thuốc điều trị ADHD bất hợp pháp cho học sinh lớp 12 từ ngày 4 - 14/8. Con số này tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước kỳ thi Suneung vào tháng 11 năm ngoái.

Thay vì dùng thuốc mà chưa biết rõ nguồn gốc, cách sử dụng, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ lưu ý học sinh, nhất là thí sinh chuẩn bị thi đại học, nên ăn chế độ cân bằng để giảm bớt lo lắng.

GS Baek Yu-jin - chuyên gia y học gia đình tại Bệnh viện Sacred Heart, Hàn Quốc, cảnh báo phụ huynh và thí sinh không nên để bị tác động bởi những quảng cáo sai lệch về thực phẩm chức năng giúp “hỗ trợ học tập” hay “tăng cường trí nhớ”. Trong giai đoạn nước rút, thí sinh nên duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần thông qua ăn uống lành mạnh, cân bằng thay vì phụ thuộc vào các chất bổ sung.

GS Lee Hae-kook - chuyên gia tâm thần tại Đại học Công giáo Hàn Quốc, nhấn mạnh, thuốc điều trị ADHD dành cho bệnh nhân gặp khó khăn trong việc điều chỉnh nhận thức và hành vi. Uống thuốc không giúp học sinh tăng khả năng tập trung, nhận thức nếu các em không mắc ADHD mà ngược lại, có thể gây ra tác dụng phụ như chán ăn, tăng nhịp tim, mất ngủ, thậm chí ảo giác.


Theo Korea Herald
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày