Viện bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan là "trái tim nghệ thuật" của thành phố New York. Nơi đây lưu giữ 2 triệu tác phẩm nghệ thuật, vật phẩm lịch sử từ nhiều thế kỷ và các vùng lãnh thổ khác nhau, bao gồm loạt kiệt tác của danh họa Claude Monet, Vincent Van Gogh, những báu vật thuộc Hy Lạp cổ đại và cả bộ sưu tập nghệ thuật độc đáo từ châu Á.
Nổi bật bên cánh bắc của bảo tàng Metropolitan là tác phẩm tranh lụa đặc sắc của hội họa Nhật Bản thế kỷ 14 với cái tên: "Niết bàn".
Bức tranh lụa dài 188cm vẽ lại cảnh Đức Phật đang được vây quanh bởi những tín đồ trong khu rừng ở Kushinagar, bang Uttar Pradesh, miền Đông Ấn Độ. Đức Phật xuất hiện ở chính giữa bức tranh, Ngài vừa mới nhập Niết bàn trong tư thế nằm nghiêng bên phải.
Bức tranh mô tả cảnh tượng Đức Phật nhập Niết bàn và những tín đồ than khóc xung quanh. Ảnh: The Met
Trong tranh có nhiều hàng chúng sinh chứng kiến cảnh nhập diệt, và đều đang thể hiện nỗi đau buồn ở nhiều cung bậc khác nhau.
Có thể thấy, các vị thiên, thần; các tu sĩ xuất gia; những người tại gia gồm cả đàn ông và phụ nữ... tất cả đều khóc lóc thảm thiết. Hoàng hậu Maya, mẹ ruột của Đức Phật - vốn đã qua đời sau khi sinh ra Đức Phật, cũng xuất hiện trong tranh và dường như đang ôm mặt khóc thương từ trên những đám mây. Khoảng hơn 30 con vật nằm gục trên nền đất. Hơn một nửa số cây cối trong tranh cũng đã héo tàn.
Bức tranh đã khắc họa một cảnh tượng nhuốm màu thê lương, nhưng đó chưa phải tất cả. Khi xem kỹ tác phẩm này, các chuyên gia của Bảo tàng Metropolitan đã phát hiện có 2 nhân vật trong tranh không hề thể hiện sự đau khổ trong cảnh nhập Niết bàn, đó chính là Đức Phật và Ngài Địa Tạng Bồ Tát (Jizo).
Đức Phật được khắc họa điềm tĩnh, thanh thản như lúc còn tại thế. Ảnh: The Met
Ngài Địa Tạng quỳ dưới chân Đức Phật với dáng vẻ điềm nhiên, không một gợn đau buồn. Ảnh: The Met
Gương mặt của Đức Phật khi nhập Niết bàn, cũng như khi tại thế, vô cùng điềm tĩnh. Đó là vì Ngài đã đạt đến giác ngộ tuyệt đối - cảnh giới lý tưởng cao nhất của người tu đạo, khi thoát khỏi mọi tham ái, sân hận và si mê trong cuộc sống. Địa Tạng Bồ Tát, vị thần vốn rất được sùng kính tại Nhật Bản, cũng thể hiện sự bình tĩnh đến bất ngờ. Trong tranh, Ngài cầm trên tay một miếng ngọc, mắt nhắm và gương mặt điềm nhiên.
"Ngày Địa Tạng hiểu rằng Đức Phật nhập điệt không phải một chuyện đáng buồn, đúng hơn, đó là một đích đến." - Aaron Rio, chuyên gia nghệ thuật Nhật Bản của bảo tàng Metropolitan nói.
Phần mô tả bức tranh của bảo tàng Metropolitan nêu rõ, sự đau khổ trên gương mặt những người chứng kiến Đức Phật nhập Niết bản thể hiện sự giác ngộ chưa hoàn toàn của họ. Đây là lý do các vị Bồ Tát ở góc bên trái bức tranh cũng có vẻ đau buồn nhưng phong thái thanh thản, trang nghiêm hơn những chúng sinh còn lại. Hai đối trọng cảm xúc đau khổ và thanh thản đã tạo ra tương phản đến mức cường điệu nhưng giàu triết lý của tác phẩm này.