Trước khi đứa con đầu lòng ra đời, Gabriella Martenson đã đi đến một quyết định - cô sẽ không nói với đứa trẻ rằng giới tính của con là gì, và cũng tránh thảo luận về chủ đề này với những người ngoài gia đình hoặc không thân thiết.
“Tôi muốn các con được tự do lựa chọn mình là ai, thay vì để cha mẹ là người quyết định điều đó”, Marteson chia sẻ, đồng thời cho biết thêm:
“Tương tự như thế, tôi cũng không muốn là người quyết định công việc hay bạn đời của con trong tương lai”.Từ khi còn nhỏ, Martenson, giống như tất cả những người bạn đồng trang lứa, đã được nuôi dạy theo một chuẩn mực giới tính khuôn mẫu, chẳng hạn như con gái thì sẽ mặc váy màu hồng. Nhưng khi đến tuổi thiếu niên, cô đã khám phá và bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về chuẩn mực của giới tính. Và để con không bị gò bó giống như mình, Martenson đã mua rất nhiều loại đồ chơi và quần áo khác nhau để con có thể tự chọn lựa.
Với phương pháp nuôi dạy này, cô hy vọng con cái của mình sẽ khám phá thêm nhiều sở thích, hoạt động thay vì hướng tới những hoạt động khuôn mẫu, đồng thời giúp con dễ thích nghi hơn nếu con không thuộc về giới tính được chỉ định sau khi sinh.
Chỉ định giới tính (tiếng Anh: Sex assignment hoặc Biological sex), hay còn được gọi là Chỉ định giới (tiếng Anh: Gender assignment) là hình thức gán giới tính cho trẻ em sau khi chúng được chào đời. Phương pháp xác định đa phần thông qua bộ phận sinh dục.
Ba người con của Martenson được nuôi dạy theo phương pháp phi giới tính
Không chỉ có Martenson, số lượng cha mẹ quyết định nuôi con theo phương pháp phi giới tính đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Tuy không rõ chính xác là có bao nhiêu gia đình đã áp dụng cách thức này, vì có rất ít nghiên cứu công khai về chủ đề này với phạm vi lớn, nhưng nhiều tác giả, các nhà trị liệu tâm lý và giáo viên mầm non đều công nhận rằng thực tế này đang tăng lên trong thập kỷ vừa qua, đặc biệt là ở khu vực Bắc Âu và Hoa Kỳ.
Dù ngày càng nhiều bậc phụ huynh lựa chọn, nhưng cách thức nuôi con mới lạ này vẫn còn gây ra vô số tranh cãi. Tuy nhiên, vì họ có lý do và động lực cụ thể để làm như thế, nên dù nuôi con theo cách truyền thống hay “phi giới tính”, thì ý kiến của họ vẫn nên được tôn trọng.
Ravna Marin Nathanael Siever, tác giả và giảng viên về kỹ năng nuôi dạy con cho biết việc không áp đặt giới tính cho trẻ bắt đầu gây chú ý vào những năm 1980, chủ yếu là trong cộng đồng LGBTQ+.
Trong quá trình viết ra cuốn sách mới, Siever đã nghiên cứu về những tài liệu, đồng thời cũng nói chuyện trực tiếp với các bậc cha mẹ. Theo những gì được chia sẻ, các vị phụ huynh bị thu hút bởi phương pháp nuôi dạy “phi giới tính” là vì họ không muốn con mình phải trải qua những gì mà chính mình đã trải nghiệm: Lớn lên trong một xã hội định kiến giới, người chuyển giới thì bị phân biệt đối xử và các mối quan hệ LGBTQ+ thì ít được chấp nhận.
Do đó, việc nuôi dạy con cái “phi giới tính” không nhằm mục đích vô hiệu hoá giới tính của trẻ em, mà là cho phép chúng được tự do khám phá bản sắc của mình thay vì bị người khác áp đặt.
Trên thực tế, cách thức nuôi con này không phải là một điều quá mới lạ, mà đã xuất hiện từ những năm 1990 và 2000, nhưng phải đến năm 2010, khi những gia đình đồng tính và dị tính chia sẻ câu chuyện của họ trên các phương tiện truyền thông thì mới được nhiều người chú ý đến. Mặt khác, một số trường mầm non ở Thuỵ Điển cũng tránh sử dụng từ “em trai ấy” hay “em gái ấy” khi nói về học sinh của mình vào thời kỳ này.
Mark Vahrmeyer, một nhà trị liệu tâm lý làm việc ở Brighton, Anh, cho biết vào khoảng năm 2020, những cuộc trò chuyện về bản dạng giới trở nên phố biến trên các phương tiện truyền thông và xã hội, góp phần giúp các bậc phụ huynh nhận thức về nhiều cách nuôi con khác nhau.
Ông nói: “Ngày càng có nhiều cha mẹ nhận thức được khả năng của việc nuôi dạy trẻ “phi giới tính”. Họ muốn cho con không gian tâm lý và cảm xúc để thể hiện bản chất của mình bằng cách giảm thiểu những tác động vô thức mà định kiến giới có thể gây ra cho trẻ - chẳng hạn như quan niệm con gái yếu hơn, hoặc con trai sẽ thông minh hơn”.
Thực tiễn nuôi dạy con “phi giới tính” giữa các gia đình hoặc cộng đồng không hề giống nhau, và cách tiếp cận của mỗi cha mẹ thường mang tính cá nhân, liên quan đến nhận thức và kinh nghiệm xã hội của chính họ mà không theo một quy chuẩn nào.
Chẳng hạn như Markus Tschannen, một nhà văn bán thời gian, đang áp dụng phương pháp nuôi dạy con này. Anh và vợ mình là những người được “áp đặt” giới tính ngay từ khi sinh ra, nhưng đối với họ, việc nuôi dạy con “phi giới tính” không phải là một biểu hiện phản bác quá khứ, mà là một quá trình thích nghi với thế giới đang phát triển. Đặc biệt, cả hai đều cảm thấy không thoải mái trước định kiến giới ở Thuỵ Sĩ trong vài thập kỷ qua.
Markus Tschannen cùng vợ đã quyết định nuôi con mà không cho chúng biết giới tính của mình
Cũng giống như Martinson, hai vợ chồng đã mua cho con mình nhiều loại đồ chơi, quần áo, đồng thời để con tự mình lựa chọn hoạt động giải trí. Ông nói: “Chúng tôi đảm bảo rằng con mình được tiếp xúc với nhiều cuốn sách và bộ phim về sự đa dạng giới, đồng thời cố gắng không đề cập quá nhiều đến khuôn mẫu giới tính”.
Giống như Martinson, Tschannen cũng hy vọng rằng điều này sẽ giúp tương lai của con trở nên dễ dàng hơn nếu chúng xác định mình là LGBTQ+, hoặc nếu không thì sẽ khuyến khích các con chấp nhận những người thuộc cộng đồng này.
Vì phương pháp nuôi dạy con “phi giới tính” vẫn còn là một hiện tượng mới và hạn chế, nên các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định chính xác về tác động lâu dài của chúng, bao gồm cả việc chúng sẽ ảnh hưởng đến trẻ em và toàn xã hội như thế nào.
Những người ủng hộ phương pháp này cho rằng cách thức này đang tạo ra được sự ảnh hưởng, ít nhất là ở cấp độ cá nhân. Dựa trên kinh nghiệm cá nhân, Tschannen chia sẻ rằng vẫn còn rất nhiều cuộc nói chuyện mang đậm tính định kiến giới ở địa phương nơi anh đang sống, nhưng con cái của anh lại không bị tác động bởi những lời nói đó.
Người con lớn nhất của Martinson, hiện 11 tuổi, đã được xác định là con gái từ năm lên bốn, trùng với giới tính được xác định khi sinh của mình. Nhưng dù vậy, nhờ việc lớn lên trong gia đình “phi giới tính”, cô bé có thể theo đuổi nhiều sở thích khác nhau, kể cả là về phong cách thời trang. Không những thế, cô bé cũng dễ dàng chấp nhận những người bạn đồng tính hoặc ăn mặc “không đúng chuẩn mực”, đối với cô, những người bạn này “thật dũng cảm khi dám bày tỏ bản thân như thế”.
Mặt khác, từ những kinh nghiệm làm việc của mình, nhà trị liệu tâm lý Vahrmeyer chia sẻ rằng không phải tất cả trẻ em tiếp xúc với phong cách nuôi dạy này đều cho ra phản ứng tích cực: “Đối với một số đứa trẻ, đó có thể là một hành trình khám phá, nhưng đối với một số còn lại, việc này lại gia tăng sự không chắc chắn và lo lắng của chúng”.
Ngoài ra, các bậc cha mẹ khi quyết định nuôi dạy con “phi giới tính” cần lưu ý rằng ngay cả khi họ đang cố gắng thúc đẩy cái gọi là tự do, thì những thành kiến vẫn có thể đang tồn tại, Vahrmeyer cho biết thêm.
“Cha mẹ cần phải lắng nghe con hơn là áp đặt một phương pháp hay một hệ tư tưởng lên người con mình. Chính vì thế, nếu việc quy định giới tính nam hoặc nữ được cho là độc hại, thì việc cha mẹ áp đặt những quan điểm phản đối giới tính lên người con cũng có thể gây ra tổn hại không kém”.
Erika Ohlsson, một nhà khoa học hành vi từ Stockholm, cũng có ý kiến tương tự. Theo cô, một số bậc cha mẹ đang sử dụng phương pháp nuôi con “phi giới tính” như một cách để hiện quan điểm chính trị, chẳng hạn như để đưa ra tuyên bố chống lại chế độ gia trưởng, hoặc để xoa dịu những vấn đề mà họ đã phải trải qua trong quá khứ.
Điều đó có nghĩa là trong một số trường hợp, các vị phụ huynh chỉ đang mượn cớ nuôi dạy con để thể hiện sự không hài lòng với cách mà mình từng được nuôi dạy, tức là bị áp đặt giới tính từ khi sinh ra. Bây giờ, họ đã được trao cho những cơ hội, cơ hội để tin rằng mọi người đều có khả năng tự quyết định giới tính của riêng mình.
Sau các cuộc trò chuyện về mặt đạo đức và hiệu quả nuôi dạy con “phi giới tính”, các chuyên gia đồng ý rằng thách thức chung với những người áp dụng phương pháp này là họ phải học cách xử lý các phản ứng đến từ xã hội.
Siever lập luận rằng: “Việc để con tự chọn giới tính chỉ được thực hiện bởi một số ít người, và bản thân họ vẫn đang nhận về nhiều sự phản đối. Những người ngoài xã hội vẫn đang định hướng giới tính cho đứa trẻ vì tư tưởng nam nữ khác biệt vốn đã ăn sâu vào lối sống của cộng đồng”.
Vahrmeyer cũng cảnh báo “sự chỉ trích có thể không chỉ đến từ bên ngoài mà còn từ bên trong gia đình, đặc biệt là trong trường hợp của các thế hệ lớn tuổi như ông bà”. Ông tin rằng điều này có thể khiến các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng và cô độc, đặc biệt là khi họ không nhận được nhiều sự ủng hộ từ mọi người.
Thật vậy, Martinson tâm sự rằng mẹ cô đã liên tục đặt câu hỏi về cách nuôi dạy con cái, mô tả việc lựa chọn quần áo tự do không theo giới tính của các cháu là “lạ đời” hoặc “kỳ quặc”. Ngược lại, Tschannen nói không gặp rắc rối như anh vẫn nghĩ, và anh chưa trực tiếp chứng kiến bất kỳ phản ứng tiêu cực nghiêm trọng nào.
Tschannen giải thích: “Chúng tôi đã giải thích điều đó với bạn bè và gia đình, họ chẳng phản đối gì mà chỉ đơn giản là đồng ý”. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc về các con trên mạng xã hội, anh lại bị nhiều người tấn công. Một vài người trong số đó cho rằng việc không nói về giới tính của con là cực đoan, và ám chỉ hành động đó là tẩy não.
Liệu phương pháp nuôi dạy con phi giới tính có được chấp nhận và áp dụng phổ biến không? Đó là câu hỏi vẫn đang cần tranh luận.
Theo những gì Siever dự báo, quá trình này sẽ không diễn ra nhanh chóng mà sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ. Trong khi đó, Tschannen cũng tin rằng vẫn còn “một chặng đường dài” ở phía trước cho đến khi cách nuôi con này trở nên thật sự phổ biến. Dù giới truyền thông ngày càng tỏ ra quan tâm, thì vẫn có một sự khác biệt lớn về việc tò mò nhất thời và áp dụng thực tế.
Tuy nhiên, vẫn có những người khác có cái nhìn lạc quan về xu hướng này, chẳng hạn như Martinson. Trong những năm nuôi dạy con, ngày càng có ít người hỏi cô về giới tính của bé. Đồng thời, cô cũng nhận thấy có sự linh hoạt hơn trong việc ăn mặc của trẻ, những trẻ em nam bắt đầu mặc đồ màu hồng hoặc quần bó, khác với những quy chuẩn trước kia.
Xu hướng nuôi con “phi giới tính" đang dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những nơi công nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, phương pháp này vẫn còn khá mới mẻ và chưa được áp dụng nhiều.