Gần 1 tháng qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 liên tục có các chuyến thị sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại nhiều quận, huyện của thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước và một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý để có thể kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian tới.
PV: Phó Thủ tướng vừa đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch của các địa phương này vào thời điểm hiện nay?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Một điều mà chúng ta rất dễ nhận thấy qua đi làm việc thì dường như các địa phương là chỉ tập trung nguồn lực và kể cả sự chỉ huy của cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng y tế từ xét nghiệm, các công tác chỉ huy dồn dập, dường như cái phần vùng xanh không được chú ý lắm. Cho nên dẫn đến tình trạng vùng xanh thì nhiều nơi càng ngày càng bị thu hẹp.
Ban chỉ đạo cấp cao hơn nữa là Thủ tướng đều đã nhấn mạnh chúng ta phải thực hiện phải rất quyết liệt cả hai mũi. Tôi rất mừng bởi vì gần đây kể cả thành phố Hồ Chí Minh và đến các tỉnh vừa đi, các địa phương đã chú ý hơn đến mũi giữ vùng xanh. Đây là kinh nghiệm rất quý không chỉ đối với các tỉnh này mà với cả nước. Bây giờ nơi nào còn xanh chúng ta phải giữ cho thật chắc.
PV: Chúng ta đã áp dụng Chỉ thị 16 ở các tỉnh phía Nam trong 20 ngày qua, vì sao tình hình dịch vẫn có những diễn biến xấu, vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Giống như tất cả các đồng chí lãnh đạo các tỉnh tôi đã làm việc vừa qua, tất cả đều nhận thấy một điều thực sự nếu tất cả những tỉnh mà thực hiện theo Chỉ thị 16 mà thực hiện nghiêm ngặt, đương nhiên dịch bệnh sẽ không lan, không tăng lên như vậy.
Quy định giãn cách mà chúng ta làm nghiêm thì sau khoảng 2 tuần chúng ta đã thấy kết quả tương đối rõ rồi. Thường sau tuần thứ 3, cùng lắm tuần thứ 4 chúng ta kiểm soát tốt, nếu tất cả các cấp ủy chính quyền cùng quyết tâm khi chúng ta có thể kiểm soát tốt tình hình.
Qua đi các tỉnh vừa rồi nếu tất cả các cấp ủy chính quyền quyết tâm thì hoàn toàn có thể trong còn 9 ngày làm thật nghiêm chúng ta có thể kiểm soát tốt. Ở các tỉnh này, tôi không nói là sẽ hết sạch các ca bệnh, nhưng những điểm nóng dịch bệnh sẽ được khoanh lại những điểm cụ thể chúng ta sẽ bằng nhiều lớp. Cơ bản cả khu vực này chúng ta có thể hình thành một vùng xanh để làm hậu cứ cho chúng ta tiếp tục về kiểm soát dịch bệnh ở thành phố Hồ Chí Minh và vùng lân cận.
PV: Thời gian qua nhiều ca bệnh chuyển biến nặng và số lượng người tử vong cũng tăng. Vậy, có chiến lược nào để giảm số người tử vong tại các khu vực đỏ đậm đặc như khu vực thành phố Hồ Chí Minh lúc này, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Một hệ thống y tế nói chung và hệ thống điều trị của Việt Nam nói riêng, nếu mà nhiều người bị nhiễm quá chắc chắn sẽ quá tải. Và thực tế ở thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, khi ca nhiễm bệnh lên. Một thực tế chúng ta phải thừa nhận là các chỗ bệnh viện điều trị Covid-19 quá tải.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra khu cách ly tại Rạch Giá, Kiên Giang
Chúng ta phải giảm được, tỷ lệ người nhiễm bệnh có triệu chứng cũng phải giảm tỷ lệ xuống và người có triệu chứng nhẹ lên triệu chứng nặng hơn cũng phải giảm xuống. Đặc biệt vừa qua, thành phố Hồ Chí Minh, nhất là một số quận mà tôi đã đi, thấy anh em rất là mạnh dạn sáng tạo, tức là tập trung điều trị ngay từ các trung tâm, các bệnh viện dã chiến bên dưới.
Chúng ta đã tăng cường oxy tập trung, đã tăng cường các máy HF NC, chúng ta cứu chữa ngay từ đó. Muốn giảm tử vong ở tầng điều trị trên cùng thì đầu tiên chúng ta phải giảm tỷ lệ ở tầng thấp nhất, sao cho mỗi tầng giảm được tỷ lệ không nặng hơn mà phải chuyển lên tầng trên. Đây là một trong những kinh nghiệm mà theo tôi là rất quý rút ra từ thực tiễn chống dịch vừa rồi.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, muốn kiểm soát lây nhiễm và dịch trong một nước thì phải kiểm soát sự đi lại của người dân các địa phương và giữa các nước. Vậy giải quyết mâu thuẫn giữa phòng, chống dịch và bảo đảm cuộc sống bình thường của người dân và phát triển kinh tế thì cần thực hiện giải pháp gì?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Cái gọi là mục tiêu kép chúng ta đã xác định từ khi bắt đầu có dịch và luôn luôn chúng ta phải cân đối, phải làm sao thực hiện tốt cho cả 2 mục tiêu. Và 2 mục tiêu này nhiều lúc nó cũng mâu thuẫn với nhau. Nếu chúng ta giãn cách thật rộng, có một ổ dịch chúng ta giãn cách ngay cả tỉnh hay toàn quốc thì đương nhiên là chống dịch sẽ dễ hơn. Thế nhưng mục tiêu phát triển kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác chuẩn bị điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 1 tại Tây Ninh
Nếu chúng ta cố gắng giãn cách ở quy mô thật hẹp, chống dịch sẽ vất vả hơn nhưng những thiệt hại về kinh tế sẽ ít hơn. Thủ tướng cũng đã nói trong trường hợp mà có xung đột giữa mục tiêu kinh tế và bảo vệ sức khỏe nhân dân thì trong chống dịch chúng ta phải nghiêng về phía bảo vệ người dân.
Gần đây Thủ tướng có nói là tùy từng địa phương cân đối giữa hai mục tiêu đấy trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, trong thời gian ngắn trước mắt chúng ta phải nghiêng về phía phải bảo vệ được tính mạng, sức khỏe của nhân dân trước.
Về sản xuất, về lưu thông, đời sống của người dân có bị ảnh hưởng, sinh hoạt của người dân có bị xáo trộn, nhưng chúng ta làm nghiêm trong một thời gian ngắn còn hơn là chúng ta làm không chắc không nghiêm và để dịch tiếp tục lây lan dai dẳng.
PV: Một vấn đề nữa hiện đang rất được người dân thành phố Hồ Chí Minh quan tâm lúc này là liệu Bộ Y tế có đảm bảo được nguồn cung vaccine để thành phố đạt được mục tiêu tiêm 70% số dân trên 18 tuổi trong tháng này hay không, ý kiến của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Bây giờ thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng Nai, Bình Dương, Long An đang bị nhiễm rất nặng. Các tỉnh đều đồng tình biểu hiện cái tinh thần tất cả hướng về thành phố Hồ Chí Minh thì Chính phủ đã thống nhất là ưu tiên dồn nguồn vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm nhất cho khu vực này.
Chúng ta đã ký một số lượng lớn đủ để miễn dịch cộng đồng toàn bộ nhân dân, để mỗi người tiêm đủ 2 mũi nhưng mà vấn đề là vaccine vào lúc nào chúng ta không chủ động được. Tôi dự kiến đến cuối năm thì vaccine sẽ không thiếu, về rất nhiều, nhưng từ nay, trong vài tuần tới, trong một tháng tới, theo Bộ Y tế báo cáo các lô vaccine được cam kết về rất ít còn tinh thần là về đến đâu thì Chính phủ đã thống nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất là ưu tiên tối đa cho thành phố Hồ Chí Minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng.