Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
3 mục tiêu của việc công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc
Trưa 1/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc. Theo đó, thời gian xảy ra dịch từ ngày 23/1 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc bệnh).
Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch là ệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu. Đường lây được xác định là lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều ngày 1/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, vào ngày 23/1, trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, khi có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta đã bắt đầu chống dịch.
Đến thời điểm này, chúng ta đã bước sang giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch. Trên thực tế, rất nhiều địa phương dù chưa có người nhiễm bệnh nhưng chính quyền và nhân dân địa phương đã tham gia chống dịch với tinh thần "toàn dân chống dịch'.
Cả hệ thống chống dịch dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nên thực tế từ hơn 2 tháng qua cả nước đã chống dịch.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc Thủ tướng ký quyết định công bố dịch bệnh COVID-19 trên toàn quốc có 3 mục tiêu. Cụ thể gồm:
Thứ nhất, để làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của lực lượng chống dịch trên từng địa bàn.
Thứ hai, để người dân nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc tham gia thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của ngành y tế để thực sự mỗi người dân là chiến sỹ tham gia phòng chống dịch.
Thứ ba, khi Thủ tướng ký quyết định là dịch bệnh trên cả nước có nghĩa là tất cả các lực lượng tham gia chống dịch trên cả nước của ngành y tế, của quốc phòng, của công an và của các lực lượng khác được hưởng chế độ chính sách chống dịch từ ngày 28/1/2020.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, mặc dù quyết định được ban hành ngày hôm nay (1/4), nhưng Thủ tướng cho áp dụng chính sách đó với những người tham gia chống dịch ở tuyến đầu được hưởng chế độ từ ngày 28/1.
"Đây là một sự động viên, khích lệ của Thủ tướng và của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trực tiếp tham gia chống dịch của tất cả các cấp, các ngành trong cả nước", Phó Thủ tướng nói.
Công bố dịch không gây khó khăn gì cho người dân
Còn PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, với quyết định công bố của Thủ tướng có thể thấy điều kiện chính là việc dịch bệnh này đã có sự lây lan rộng và nguy cơ lây lan ở toàn quốc.
Việc công bố dịch này giúp làm tăng thêm tinh thần trách nhiệm của các lực lượng chống dịch trên từng địa bàn, trong từng ngành.
Cụ thể, nếu như trước đây đã quyết liệt thì giờ phải quyết liệt, trách nhiệm, mạnh mẽ, trong tình huống khẩn câp hơn để ngăn chặn dịch.
Bên cạnh đó cũng để người dân thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia cùng các cơ quan chức năng ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh theo tinh thần "mỗi người dân là một chiến sĩ tham gia chống dịch".
Cùng với đó, việc công bố dịch cũng sẽ giúp các địa phương có thể được cung cấp, chi tiêu tài chính, huy động các nguồn lực, vật lực cho công tác chống dịch.
Các lực lượng tham gia phòng chống dịch như cán bộ y tế, công an, quân đội, các ngành khác... cũng sẽ có các chế độ, chính sách kịp thời khi chống dịch.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã bàn bạc và sẽ có những sự hỗ trợ với các trường hợp khác trong xã hội như công nhân, người nghèo... bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, người dân sẽ không bị ảnh hưởng, khó khăn gì từ việc công bố dịch này của Thủ tướng.
"Người dân chỉ gặp khó khăn bởi nguy cơ dịch có thể lây lan mạnh hơn. Còn dù không công bố dịch thì trách nhiệm của mỗi người dân đều phải tham gia vào công tác chống dịch.
Việc công bố dịch chỉ nhằm cho thấy tinh thần trách nhiệm hơn của các cơ quan chức năng, người dân trong việc chống dịch.
Đối với việc Thủ tướng ban hành chỉ thị 16 về việc cách ly xã hội trong vòng 15 ngày từ 1/4, khuyến cáo người dân nên ở nhà thì đây là vấn đề dù không công bố dịch cũng vẫn phải làm", PGS Phu nêu rõ.