Ngay từ khi còn mới chỉ là một dự án được công bố, đã có rất nhiều tranh cãi xoay quanh Vòng Eo 56 - phim điện ảnh Việt đầu tiên có kịch bản dựa trên cuộc đời một người thật còn sống sờ sờ, và còn là một "Nữ hoàng Nội y" lắm thị phi: Ngọc Trinh. Bất chấp tất cả, Vòng Eo 56 cuối cùng cũng đã được ra rạp cách đây 3 ngày (từ 6/4/2016). Không ngoài dự đoán, tranh cãi chỉ có tăng chứ không giảm đi tí nào. Chỉ trong 3 ngày giữa tuần (chứ chẳng phải cuối tuần), chủ đề "Vòng Eo 56 của Ngọc Trinh" đã tạm thống trị mạng xã hội với hàng loạt những ý kiến nhận xét, đánh giá từ cả giới chuyên môn lẫn khán giả. Hiếm có bộ phim Việt nào gây tranh cãi "căng" như thế, hai luồng ý kiến hoàn toàn trái ngược nhau mà phe nào cũng mạnh, cũng dữ. Khen - chê, đồng cảm - chỉ trích... từ khán giả đại chúng cho đến những nhân vật nổi tiếng, uy tín trong việc bình luận phim ảnh.
Trong số đó, bài viết của anh Trần Thăng Long hiện đang nhận được rất nhiều sự đồng tình và chia sẻ. Anh Trần Thăng Long là tác giả từng viết cho các tờ báo, tạp chí, hiện tại anh đang điều hành một công ty giải trí, kiêm nhiều vai trò như: đạo diễn, nhạc sĩ, quản lý ca sĩ (Thanh Duy Idol, Đại Nhân...) và sáng tạo, định hướng phát triển cho nhiều dự án về giải trí - nghệ thuật.
Dưới đây, chúng tôi xin được đăng nguyên văn bài viết nhận xét về phim Vòng Eo 56 của anh Trần Thăng Long:
Bình thường, người thích phim tình cảm sẽ đi xem phim tình cảm. Người thích phim siêu anh hùng sẽ đi xem phim siêu anh hùng. Người thích phim nghệ thuật nhân văn, thích hài, thích kinh dị... sẽ mua vé coi phim đúng thể loại mình thích.
Nhưng Vòng eo 56 thì người ta chẳng cần quan tâm đến phim này hài không, xúc động không; người ta đi xem, ùn ùn chỉ cần một lý do: Ngọc Trinh.
Người ta coi cái con nhỏ Nữ hoàng nội y làm người thứ 3 tuyên ngôn "Không tiền cạp đất mà ăn" kể chuyện đời mình sao, đóng phim thế nào.
Ấy là may mắn. May mắn với 10 tỷ đồng làm phim, hình ảnh đẹp âm nhạc chăm chút, thương hiệu Vũ Ngọc Đãng, sự săn đón thu hút và không thể vắng khách từ cái tên Ngọc Trinh.
Nhưng cái may mắn, nhìn kiểu nào đó, cũng có giá rất đắt.
Người ta không hẳn đến để thưởng thức hay đón nhận cảm xúc từ một câu chuyện mình chưa biết.
Người ta đi xem với tò mò, hiếu kỳ và đã đầy ắp đánh giá, định kiến về Ngọc Trinh họ biết qua dư luận, qua đồn thổi.
Có thể nếu đây là một câu chuyện độc lập, với cái tên nhân vật chẳng phải Ngọc Trinh hay Khắc Tiệp, thì cảm nhận khi xem nó cũng sẽ khác đi, vơi đi nhiều ác cảm và cay nghiệt. Nhưng khi đó, câu chuyện này cũng chẳng thu hút mấy người xem.
Huống chi, Vòng eo 56 hoàn toàn không phải là một bộ phim giải trí.
Người ta sẽ ghét Vòng eo 56, khi:
a. Người ta trông đợi một bộ phim giải trí kịch tính.
b. Người ta trông đợi một bộ phim truyền cảm hứng về bí kíp thành công vượt lên số phận với thông điệp rõ ràng, bài học ý nghĩa.
c. Người ta trông đợi vén màn sự thật cuộc đời Ngọc Trinh, vén màn chuyện showbiz.
d. Người ta có tiêu chuẩn phim mà không giống 100% đời thực là vô nhân.
e. Người ta ghét Ngọc Trinh. Vì bất cứ lý do nào.
Vòng eo 56 không phải phim giải trí. Càng không phải phim tài liệu.
Mình không nghĩ Ngọc Trinh ở ngoài sẽ giống Ngọc Trinh trên phim, Khắc Tiệp ở ngoài giống Khắc Tiệp trên phim. Vì nó không cần thiết.
Nếu Ngọc Trinh hay Khắc Tiệp phiên bản thật có lỗi lầm, có sai trái; có xấu xa, thì họ sẽ đối diện với nhân quả của họ, pháp luật công bằng của cuộc đời không bây giờ thì sau này.
Còn cô Ngọc Trinh và Khắc Tiệp trên phim là hình ảnh phản chiếu, qua lăng kính sáng tạo của đạo diễn. Họ miễn nhiễm những tội trạng hay những gì mà Ngọc Trinh đời thật và Khắc Tiệp đời thật đã làm nếu có, mà họ chỉ nên được đánh giá qua những gì diễn ra trên phim mà thôi.
Bây giờ bàn về cô Ngọc Trinh trên phim.
Con của mẹ mình, và cả con mình, thì sẽ không bao giờ như cô Ngọc Trinh trên phim hết.
Con của mẹ mình, và con của mình, phải sống có ước mơ, có mục tiêu, có cân nhắc. Sống dò xét mọi cơ hội, mọi lựa chọn. Và không chấp nhận vật chất từ bất kỳ ai. Chứ không phải bỏ học đi đến quán bida làm. Muốn kiếm tiền giúp ba mẹ mà không có kế hoạch, không ước mơ, đam mê. Nhẹ dạ cả tin, kêu làm người mẫu là đi, chẳng biết công ty nào, cứ thế theo người ta. Trai cho nhà mấy tỷ thì nhận.
NHƯNG.
Ngọc Trinh không phải con của mẹ mình, hay con mình. Không phải một đứa trẻ thành phố không lo cái ăn cái mặc, được uốn nắn giáo dục tận răng.
Ngọc Trinh hằng ngày đi học rồi phụ bán bún, bán vé số. Tối ngủ trời mưa nhà dột ướt hết người. Ngày ngày người ta qua đòi nợ, đánh đập, xúc phạm. Anh chị em lần lượt bỏ lên Sài Gòn tìm cách kiếm tiền.
Khi đó, đam mê, hoài bão, hay cư xử như một người phụ nữ độc lập là một thứ gì đó ở một hành tinh khác, và nói thẳng ra, sẽ là rởm đời.
Ngọc Trinh trên phim, không có đam mê, không có mơ ước, càng không mạnh mẽ.
Đơn giản, thật thà, ngoan.
Chỉ muốn kiếm tiền trả nợ cho xong rồi lấy chồng. Có người khen đẹp rủ làm người mẫu thì đi làm người mẫu.
Chắc chắn cô sẽ bị các khán giả nữ giới, trí thức, đầy tự trọng khó chịu. Những người ghét Ngọc Trinh thật sẽ càng khó chịu. Quá khó chịu, để bỏ lỡ nhiều điều.
Rằng Ngọc Trinh đơn giản, không thông minh, không tự trọng nữ quyền cao, nhưng không phải là không đáng quý.
Ở hoàn cảnh của Trinh, không bán dâm, đã là quá có tự trọng.
Mà cái tự trọng đó không có cao xa sâu sắc hay mạnh mẽ gì hết.
Chỉ đơn giản là làm gì bậy bạ, thì tội nghiệp ba mẹ, rồi anh hai cho về quê. Làm gì bậy bạ, thì mang tiếng anh Tiệp.
Ngọc Trinh trên phim làm gì cũng ngây ngô, chẳng suy tính theo cách cô tự trọng.
Chuyện Trinh làm người mẫu cũng chẳng có đam mê, quyết liệt hay có gì là theo đuổi đánh đổi. Thích thích hời hợt vậy thôi.
Trinh làm, vì Tiệp máu me. Tiệp tin ở Trinh, và tốt với Trinh.
Có lẽ ít người nhận ra điều này. Trên phim Ngọc Trinh làm người mẫu, đơn thuần là vì Khắc Tiệp. Tiệp muốn thì Trinh làm. Tiệp không bỏ cuộc thì Trinh vẫn làm theo lời Tiệp. Đơn giản, mà đáng quý.
Trinh trên phim, đã nói thẳng "Em nghĩ nghề gì cũng phải có duyên anh ơi. Em không có duyên làm người mẫu". Nhưng sau đó cô vẫn diễn quán bar, vẫn đi theo Tiệp. Vì Tiệp. Và vì Trinh cũng đâu mất gì?
Người ta hay nói "Thánh nhân đãi kẻ khù khờ".
Ngọc Trinh ngoài đời không biết có khù khờ không; nhưng mình tin là câu này đúng, và Ngọc Trinh trên phim ứng với cái câu này.
Trường hợp Trinh, còn đúng với câu: Phép màu chỉ xảy đến với người đẹp.
Nhiều người cười cợt chuyện Ngọc Trinh từ chối ngủ với khách 30.000$, nhưng lại theo đại gia đi resort 8 ngày.
Hình như, người ta chỉ thấy đại gia, thấy resort, thấy đồ hiệu, mà không thấy cách một người đàn ông nâng niu, để ý từng tí cho cô gái anh ta mê mệt.
Một cô gái không đánh đổi thân xác mình để lấy 30.000$ vì đó là một sự sỉ nhục đến gia đình; nhưng có điên cô ta mới từ chối một người đàn ông tha thiết với mình, luôn nâng niu đối xử với mình như công chúa.
Kể cả khi cô đã gửi lại quà và giày mà khi cô biết giá trị cô mất ngủ cả đêm, khi cô nghèn nghẹn nói "Anh biết gì về em mà yêu. Em mới học hết lớp 9. Em không thông minh. Em thật thà khờ khạo. Em không phải công chúa, anh không cần nâng niu em như công chúa. Anh nhầm người rồi".
Người ta cũng cười cợt chuyện 30.000 với căn nhà 4 tỷ. Người ta chỉ thấy 4 tỷ, chứ không thấy cái cách người đàn ông chăm lo đúng chỗ cho miếng ăn, giấc ngủ, cho cái nỗi lòng canh cánh người đàn bà của mình nó khác thế nào với những bữa ăn sang trọng, trang phục hàng hiệu chỉ cần vung tiền là có.
Nhiều người cũng cười khi Ngọc Trinh trả xe, chứ không trả nhà.
Nói thật, ngoài kia các cô đa phần thì chẳng trả gì. Ngọc Trinh trả xe, không trả nhà, cũng tồ tệch, cũng buồn cười; suy tính không đầu không cuối, chả đâu vào đâu như từ đầu đến cuối phim. Sao phải quá khắt khe?
Trinh cố gắng sống lương thiện. Sống có danh dự. Sống hiếu thảo.
Không cố gắng để thành một thứ mình không thể.
Không đức hạnh cố chấp thanh cao khiên cưỡng.
Khù khờ, dễ chịu, tự nhiên.
Khi chúng ta bật cười vì cái ngô nghê của Ngọc Trinh, thì cũng rất đơn giản luôn những chuyện xảy đến với Trinh sẽ không bao giờ xảy đến với ta, vì chúng ta không ngô nghê như thế. Nếu chúng ta thành công, giàu có; nó hẳn phải là một lối đi khác.
Vì cái khù khờ đơn giản đó, cũng như cái thân hình gương mặt đó; là bẩm sinh, không thể cố gắng hay bắt chước.
Phép màu chỉ xảy ra với kẻ đẹp. Nhưng một người thành công vì đẹp, không đồng nghĩa họ là gái bán dâm, hay họ không xứng đáng.
Nhưng phim thực ra cũng chẳng tô hồng gì.
Cuộc đời này vốn dĩ là nghiệt ngã.
Giàu có thì ai chẳng thích, Ngọc Trinh cũng thích, cũng không chối bỏ, nhưng đó không phải là cái Trinh theo đuổi.
Trinh sống đơn giản, muốn mọi thứ đơn giản bình dị.
Mà rút cục, Trinh được nhiều hơn mong muốn vì cái thật thà, nhưng cũng chẳng hề có cuộc đời như mình mong muốn.
Vòng eo 56, nói chung không phải một phim kết thúc có hậu.
Cũng không phải phim truyền cảm hứng hay bày vẽ cách để thành công đổi đời.
Phim như một lời chia sẻ của Ngọc Trinh. Một lời chia sẻ để lại cho mình nhiều cảm xúc dễ chịu. Và để lại nhiều hằn học, thất vọng cho một bộ phận khán giả nhất định; cái này là chắc chắn.
Có tí xíu tiếc. Vì đây là sẽ một phim rất nhiều người coi. Nhưng không phải ai trong số đó cũng đủ vị tha, đủ đồng cảm hay đủ khách quan để thấy dễ chịu và nhẹ nhàng với nó.
Ai chia sẻ được thì chia sẻ. Xem xong chửi xong thì mình lại đi coi phim khác, đúng thể loại mình tìm chứ không coi cho có coi vậy.
À, Tái bút:
Mình thấy có ý kiến là sao trên phim lại bôi bác hình ảnh gái bán dâm, trong khi đòi mọi người phải thông cảm cho Ngọc Trinh. Cái này chắc cũng không viết ngắn lắm được.
1. Gái bán dâm trên phim không có nghĩa vụ đại diện cho mọi gái bán dâm ngoài đời. Gái bán dâm trên phim không bị ghét bị khinh vì bán dâm, mà bị ghét vì lối cư xử.
2. Phim cũng không đòi hỏi mọi người thông cảm cho Ngọc Trinh. Phim kể câu chuyện như vậy, rõ ràng là đầy người xem xong cũng chẳng thông cảm chi hết những tình tiết và quyết định của Ngọc Trinh trên phim.
3. Có lẽ người ta hơi lầm lẫn giữa khái niệm "Giàu sang nhờ người yêu" và "làm gái". Nhất là những phụ nữ mạnh mẽ độc lập thì hay có xu hướng quy hết vào một rọ. Hai con người yêu nhau, thì chuyện người giàu hơn mua của cải, chăm lo kinh tế cho người còn lại là chuyện riêng và hợp pháp giữa 2 người. Còn dùng thân bán sỉ bán lẻ là khái niệm hoàn toàn khác, cả về đạo đức lẫn pháp luật. Mình không nói rằng bán thân là xấu, nhưng thực ra nếu người phụ nữ độc lập không thích bị nhầm lẫn là dựa dẫm người yêu, thì cô gái được người yêu bao thầu cũng không thích bị nhầm lẫn sang gái bán thân. Vậy thôi, đừng khắt khe quá.