Với những độc giả của dòng truyện Hoa ngữ nói chung và thể loại trộm mộ nói riêng, Ma Thổi Đèn: Tầm Long Quyết là một tác phẩm đã quá quen thuộc. Được chắp bút bởi nhà văn Thiên Hạ Bá Xướng, bộ truyện được đăng lên Internet từ năm 2006, sau đó xuất bản dưới dạng sách in. Phải đến gần mười năm sau đó, tác phẩm này mới xuất hiện trên màn ảnh rộng.
Điều thú vị là chỉ trong năm 2015 đã có đến hai phim điện ảnh về Ma thổi đèn. Tác phẩm đầu tiên là Ma Thổi Đèn: Chín Tầng Yêu Tháp, đã ra mắt vào tháng 9 vừa qua tại đại lục. Còn bộ phim vừa ra mắt là Ma Thổi Đèn: Tầm Long Quyết, do đạo diễn Ô Nhĩ Thiện của Họa bì 2 thực hiện. So về độ thu hút của các diễn viên, Triệu Hựu Đình, Diêu Thần, Đường Yên của Chín Tầng Yêu Tháp khó có thể sánh bằng Thư Kỳ, Trần Khôn và Hoàng Bột của Tầm Long Quyết.
Ở Việt Nam, phim có tên Việt hóa là "Kẻ Trộm Mộ: Huyền Thoại Trở Lại"
Với bề dày lịch sử, đại lục là nơi ẩn giấu vô số kho tàng trong hầm mộ của các bậc đế vương, quý tộc. Chính vì vậy, trộm mộ vốn là đề tài hấp dẫn trong văn hóa dân gian Trung Hoa. Dưới ngòi bút của Thiên Hạ Bá Xướng, việc này được nâng tầm thành một tuyệt nghệ với những quy tắc chặt chẽ. Tên truyện "Ma thổi đèn" xuất phát từ truyền thuyết "Nhân điểm chúc, quỷ xuy đăng" (Người thắp nến, ma thổi đèn). Đại ý là khi vào hầm mộ, phải thắp một ngọn nến ở phía đông nam, nếu nến tắt thì phải thoát ra ngay và không được lấy vật của người chết.
Ma Thổi Đèn: Tầm Long Quyết là câu chuyện về băng trộm mộ Hồ Bát Nhất (Trần Khôn), Shirley (Thư Kỳ) và Vương Khải Tuyền (Hoàng Bột). Khi cả ba đang ở Mỹ, Vương Khải Tuyền nhận được một manh mối về Đinh Tư Điềm (Angela Baby), cô gái ngỡ đã chết từ 20 năm trước và từng là mối tình năm xưa của cả anh và Hồ Bát Nhất. "Tuyền béo" quyết định quay về điều tra thực hư, kéo theo cả Hồ Bát Nhất và Shirley. Trong chuyến đi này, ngoài vô vàn cạm bẫy trong hầm mộ, nhóm trộm mộ còn phải đương đầu với tổ chức bí hiểm do bà trùm Hồng Tả (Lưu Hiểu Khánh) đứng đầu.
Ba diễn viên chính của phim
Với nội dung vốn đã chỉn chu từ truyện gốc, đạo diễn Ô Nhĩ Thiện không khó để xây dựng nền tảng kịch bản cho phim điện ảnh. Cũng như tiểu thuyết, bộ phim diễn ra trong hai thời kỳ đầy biến động của Trung Quốc: đỉnh cao của Cách mạng văn hóa những năm 60 và cải cách kinh tế của những năm 80. Trong những cảnh đầu, lai lịch của băng trộm mộ được giới thiệu khá rõ ràng, giúp người xem dù chưa đọc truyện cũng nắm được đặc điểm của các nhân vật.
Tuy nhiên trong nửa sau của phim, đạo diễn lại đánh mất sự cân đối trong mạch phim khi cố đưa vào quá nhiều cảnh quá khứ của Hồ Bát Nhất và Vương Tư Điềm. Khi cả nhóm đã bước vào hầm mộ, khán giả có lẽ thích những pha hành động diễn ra liền mạch, hơn là liên tục bị lôi về 20 năm trước để theo dõi câu chuyện tình tay ba của các nhân vật.
Dù Angela Baby rất xinh đẹp, sự xuất hiện của cô với tần số dày đặc có phần thừa thãi
Kỹ xảo là một điểm mạnh của Ma thổi đèn, và cũng chứng tỏ sự tiến bộ không ngừng của điện ảnh Trung Quốc trong vài năm gần đây. Đạo diễn đã thành công trong việc xây dựng sự đối lập giữa hai thế giới, một bên là cảnh thảo nguyên Mông Cổ mênh mông được quay từ trên cao, một bên là những cảnh trong mộ được dàn dựng công phu bằng CGI đầy bí ẩn với thạch nhũ, cầu treo và những cái bẫy chết người. Trong bối cảnh đó, các màn hành động diễn ra khá đẹp mắt theo đúng phong cách Hoa ngữ, khi các nhân vật liên tục phải vượt qua hiểm nguy và chiến đấu với những quái vật gớm ghiếc.
Với những người yêu thích Hollywood, Ma thổi đèn còn là tác phẩm để họ kiểm chứng... công phu luyện phim của mình. Cách dàn dựng của phim có rất nhiều điểm gợi nhớ đến các bom tấn của điện ảnh Mỹ. Bộ trang phục của Thư Kỳ khá giống với của Lara Croft trong Tomb Raider. Nhân vật con buôn tham lam Đại Kim Nha (Hạ Vũ) gần như là phiên bản của Jonathan trong The Mummy. Nếu để trí tưởng tượng bay xa hơn, khán giả có thể sẽ liên tưởng đến Indiana Jones, The Lord of the Rings, Journey to the Center of the Earth hay thậm chí cả... Inception.
Trần Khôn trong một cảnh hành động
Về mặt diễn xuất, Hồ Bát Nhất là vai diễn thành công của Trần Khôn, một trong số ít tài tử Hoa ngữ hiện nay có thể vừa diễn hài, vừa diễn hành động. Nhiều khán giả sẽ không dễ nhận ra nam diễn viên điển trai trong tạo hình râu tóc xồm xoàm của một tay trộm mộ phong trần. Đóng cặp cùng anh, Thư Kỳ không khó để vào vai nàng Shirley mạnh mẽ, cô gái yêu Hồ Bát Nhất nhưng lại luôn bị anh tìm cách tránh né.
Với những khán giả yêu thích Hoàng Bột qua Lost in Thailand hay Tây Du Ký - Mối tình ngoại truyện, cái duyên hài của anh lại tiếp tục được phát huy tối đa trong Ma thổi đèn. Ngoại hình kém sắc của "vua phim hài Hồng Kông" hóa ra lại vô cùng phù hợp với nhân vật Tuyền béo tốt bụng nhưng tưng tửng. Tuy nhiên, người bạn diễn của anh là Hạ Vũ lại không gây được ấn tượng như vậy. Sự có mặt đến hai nhân vật gây cười trong một phim hành động thường là thừa thãi.
Nhân vật của Lưu Hiểu Khánh khá "vô hại"
Nếu như Vương Khải Tuyền là bạn thân của Hồ Bát Nhất và Shirley, gã Đại Kim Nha "lắm mồm" lại không có kết nối gì với ba nhân vật chính nên không tạo được thiện cảm cho khán giả. Trong khi đó, "mỹ nhân không tuổi" Lưu Hiểu Khánh lại chỉ như bình hoa di động trong suốt phim. Có thể nói, đạo diễn đã lãng phí tài năng của một trong những nữ diễn viên giàu kinh nghiệm nhất điện ảnh Hoa ngữ vào một vai diễn thiếu sức sống.
Nhìn chung, đây là một tác phẩm khá thú vị cho cả những khán giả đã hoặc chưa xem truyện gốc. Dù còn nhiều khuyết điểm như dài dòng, lối diễn "làm quá" và cái kết hơi cụt, bộ phim vẫn có tính giải trí cao với nhiều pha hành động kịch tính và kỹ xảo hình ảnh. Khi ra mắt ở Trung Quốc, Ma thổi đèn đã thu về gần 100 triệu USD chỉ sau ba ngày trình chiếu, xác lập nhiều kỷ lục mới. Ở Việt Nam, có điều trùng hợp khá thú vị là tác phẩm được công chiếu từ ngày 8/1, giống như tên của nhân vật chính là Hồ Bát Nhất.