2015: Nhìn lại những vấn đề xã hội "nóng" nhất trong phim truyền hình Hàn Quốc

Céci, Theo Trí Thức Trẻ 15:18 24/12/2015

Cùng điểm lại các vấn nạn xã hội nhức nhối được nhắc tới nhiều nhất trong phim truyền hình Hàn Quốc năm 2015 vừa qua.

Đất nước Hàn Quốc đã ghi dấu ấn khó phai với khán giả qua những bộ phim có mô-típ tình cảm lãng mạn, nhẹ nhàng. Song, các dự án truyền hình này luôn tồn tại những tình tiết liên quan tới các vấn nạn xã hội “nóng” hiện tại. Dưới đây là sáu vấn đề nổi cộm trong xã hội được nhắc đến nhiều nhất trong phim truyền hình Hàn Quốc năm 2015.

1. Bạo lực học đường

Bắt nạt là một vấn đề luôn được nhắc đi nhắc lại trong các bộ phim có đề tài về học đường. Vấn nạn này được phản ánh rõ rệt trong các bộ phim Who Are You – School 2015, Angry Mom và thậm chí ở “bom tấn truyền hình” She Was Pretty. Trong School 2015, nữ diễn viên trẻ Kim So Hyun hóa thân vào vai người chị song sinh đòi lại công lý cho cô em gái bị bắt nạt đến mức tìm đến cái chết để giải thoát. Ở Angry Mom là trường hợp người mẹ (Kim Hee Sun) đã cải trang thành nữ sinh trung học, xin gia nhập vào trường vì lo sợ cô con gái thân thương của mình bị bạn bè hành hung. “Phó tổng” Ji Sung Joon (Park Seo Joon) thời đi học cũng không thoát khỏi cảnh bị chế nhạo vì thân hình thừa cân của mình trong She Was Pretty.

Wang Jung Hee (Lizzy) cầm đầu nhóm nữ sinh chuyên đi bắt nạt người khác ở “Angry Mom”

Cậu nhóc Ji Sung Joon (Yang Han Yoel) trong “She Was Pretty” bị bạn bè chế nhạo vì thừa cân

2. Rối loạn tâm lý

Năm 2015 chứng kiến vô vàn sự xuất hiện của những dự án truyền hình đề cập đến chứng bệnh rối loạn tâm thần. Cả hai bộ phim Kill Me Heal Me Hyde, Jekyll, I lần lượt do nam diễn viên Ji SungHuyn Bin đóng vai chính đều mắc chứng bệnh rối loạn đa nhân cách. Trong khi đó, nhân vật của Joo Ji Hoon thủ diễn trong phim Mask cũng không khá khẩm gì hơn khi đồng thời bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế và có triệu chứng tâm thần phân liệt.

Bộ phim “Hyde, Jekyll, Me” có sự tham gia của hai diễn viên Huyn Bin và Han Ji Min

Ahn Yo Na – một trong bảy nhân cách để lại ấn tượng khó quên của nam diễn viên Ji Sung trong “Heal Me Kill Me”

3. Nợ nần

Nợ nần chính là nguyên nhân dẫn đến những tình huống bi hài trong phim truyền hình xứ sở kim chi trong năm nay. Cụ thể, vì mải lo cặm cụi làm việc để kiếm tiền trả nợ mà cô nàng Kim Hye Jin (Hwang Jung Eum) không tài nào có thời gian chăm sóc, làm đẹp cho bản thân ở She Was Pretty. 

Trong Mask, nữ diễn viên Soo Ae vào vai người phụ nữ vì muốn giải thoát món nợ cho cha mình mà cô đã chấp nhận kết hôn với một người chồng có vấn đề về tâm thần. Joo Won - "thần y" trong bom tấn Yongpal cũng là một người bác sĩ sẵn sàng đi khám bệnh ngoài giờ cho xã hội đen để có tiền chi trả viện phí cho em gái. Kinh khủng nhất phải kể đến trường hợp của phim My Beautiful Bride khi người phụ nữ sẵn sàng bán thân và bán nội tạng cho bọn mafia để lấy tiền trả nợ.

Kim Hye Jin không có thời gian chăm lo cho bản thân vì phải làm việc quần quật trả nợ trong “She Was Pretty”

Poster phim “Mask”

Bộ phim “Yongpal” của Kim Tae Hee và Joo Won liên tục phá vỡ kỉ lục rating

Dự án truyền hình “My Beautiful Bride”

4. Vấn nạn tham nhũng, hối lộ

Là vấn đề chính trị xã hội nhức nhối hiện nay, vấn nạn hối lộ, tham nhũng xuất hiện ở hầu hết các ngành nghề khác nhau trong vô số tác phẩm truyền hình năm 2015. Pinocchio, bộ phim đáng chú ý nhất trên màn ảnh xứ Hàn đầu năm nay đã “bóc trần” góc tối tham nhũng trong giới phóng viên.

Ngành luật cũng không kém cạnh khi lấy lí do đền bù cho sự cố gắng của bản thân để nhận hối lộ trong bộ phim Punch. Nạn “chạy trường” cho con của phụ huynh được đề cập rõ nét ở Angry Mom. Bên cạnh đó, bộ phim Heard It Through The Grapevine (Tin Đồn Vô Căn Cứ) đã phơi bày sự sai trái, bất công chính trị của một công ty tư vấn luật pháp chịu nhận hối lộ từ giới thượng lưu. Gần nhất, không thể không nhắc đến dự án Remember hiện đang phát sóng của cặp đôi Yoo Seung Ho, Park Min Young khi toàn bộ hệ thống pháp luật đầy rẫy tham nhũng, bất công khiến công chúng căm phẫn.

Cặp đôi Park Shin Hye và Lee Jong Suk diễn xuất nổi bật trong “Pinocchio”

Bộ phim “Remember” hiện đang thu hút rất nhiều sự chú ý của khán giả

5. Bi kịch hôn nhân: Ngoại tình và ly dị

Đề tài khủng hoảng hôn nhân được khai thác nhiều ở phim truyền hình Hàn Quốc trong năm 2015, cụ thể ở năm bộ phim Valid Love, Mask, Twenty Again, I Have A Lover Beloved Eun Dong. Những bộ phim này đã cho thấy sự thay đổi về cách nhìn nhận về chuyện ngoại tình và ly hôn trong xã hội Hàn Quốc. Ngoài ra, việc kỳ thị chuyện ly hôn ở các cặp vợ chồng cũng đã giảm bớt rõ rệt. Đặc biệt, bộ phim Twenty Again còn trao cơ hội cho nhân vật người vợ (Choi Ji Woo) tìm thấy hạnh phúc thứ hai của mình sau khi rời khỏi người chồng đã phản bội mình.

“Twenty Again"

"I Have A Lover" đã khai thác đề tài ngoại tình và ly hôn ở một khía cạnh mới

6. Các bà mẹ đơn thân

Cũng như các nước Châu Á nói chung, xứ sở kim chi vẫn mang nặng những suy nghĩ truyền thống về đạo đức. Cái giá phải trả để làm mẹ đơn thân là sự dè bỉu, phân biệt đối xử và kỳ thị của xã hội. Trong tác phẩm Ho Gu's Love, nữ ca sỹ Uee đã hóa thân vào vai diễn bà mẹ một mình nuôi con. Vì quyết định táo bạo này mà cuộc sống của cô trở nên vô cùng khó khăn khi sự nghiệp có nguy cơ bị phá hủy. Bộ phim Ho Gu’s Love đã triển khai tốt về cung cách hành xử để các bà mẹ đơn thân và con của họ được xã hội chấp nhận. Vấn đề làm mẹ đơn thân đáng lưu tâm này ngoài ra còn xuất hiện trong hai bộ phim Heard It Through the Grapevine và Mrs. Cop.

 Tác phẩm “Ho Gu's Love”kể về hành trình làm mẹ đơn thân của vận động viên bơi lội chuyên nghiệp Do Hee (Uee)

 Bộ phim “Mrs. Cop”

Ngoài sáu vấn đề được nêu ra ở trên, liệu bạn có còn phát hiện ra vấn nạn xã hội đặc biệt nào trong phim truyền hình Hàn Quốc nữa hay không? Nếu có, hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!