Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:38 28/06/2020

Được vinh dự có mặt trong danh sách thi đấu của một đội tuyển chuyên nghiệp, ấy vậy mà nhiều cá nhân lại phải âm thầm ngồi dự bị cả mùa giải.

Lĩnh vực thể thao điện tử hiện đang trên đà phát triển liên tục trong những năm qua. Vượt qua hàng loạt thử thách, eSports đã chứng minh được tiềm năng vô hạn của mình. Qua đó, lượng người chơi theo dõi các bộ môn thi đấu thể thao điện tử cũng tăng lên đáng kể.

Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Esports ngày càng phát triển vững mạnh.

Việc eSports phát triển mạnh mẽ của kéo theo sự hình thành và phát triển của vô số ngành nghề mới. Trong đó đặc biệt nhất là "game thủ chuyên nghiệp". Để trở thành tuyển thủ, những con người này đã phải đánh đổi rất nhiều thứ và vượt qua hàng tá thử thách để chứng minh bản thân.

Hầu hết các tuyển thủ eSport đều bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ khi còn rất trẻ (thường là dưới 18 tuổi), khi mà họ vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường và dưới sự giám sát của phụ huynh. Theo đuổi sự nghiệp eSports chính là tạm gác chuyện học hành cũng như mọi thứ khác sang một bên để có thể tiến đến gần hơn đến giấc mơ vốn dĩ đã rất xa vời. Vì chỉ khi còn rất trẻ, khi mà tốc độ phản ứng của bạn đang ở phong độ đỉnh cao trong cuộc đời thì bạn mới có thể cạnh tranh được với những người giỏi nhất, mạnh nhất.

Khi đã trải qua những thử thách, đánh đổi tất cả và vinh dự góp mặt trong một đội tuyển chuyên nghiệp, cứ ngỡ sẽ được vang danh thế giới như những Faker, Uzi... hoặc ít nhất là được ra sân thi đấu trong tiếng hò reo của khán giả, vậy mà đâu đó vẫn có bóng dáng những con người ngậm ngùi chịu kiếp dự bị.

Để thành công trong vai trò một tuyển thủ, việc được ra sân thi đấu tìm kiếm những highlight, tạo điểm nhấn với người hâm mộ là điều cực kỳ quan trọng. Việc liên tục ngồi dự bị không những khiến vận động viên chán nản, bào mòn kỹ năng cá nhân mà còn khiến khán giả - những người nuôi sống bộ môn giải trí này không hề biết đến sự tồn tại của tuyển thủ.

Kiếp dự bị luôn là một nỗi ám ảnh của vận động viên trong mọi môn thể thao chứ không riêng gì eSports. Khi Công Phượng đi trời Âu, nhiều người vẫn hy vọng anh chàng sẽ được cọ xát với bạn bè quốc tế, từ đó tích lũy kinh nghiệm đem về Việt Nam để nâng tầm bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, Công Phương liên tục bị ngồi dự bị dẫn đến việc xuống phong độ, thiếu cảm giác bóng. Không được ra sân thi đấu khiến Phượng dần đánh mất đi bản năng chơi bóng và cả sự tự tin của mình. Niềm cảm hứng mang tên Công Phượng được thay thế bằng nỗi thất vọng và những lời gièm pha, chỉ trích.

Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp - Ảnh 2.

Anh hùng sân cỏ Việt Nam lại chịu kiếp dự bị tại nơi đất khách quê người.

Những tuyển thủ eSports cũng vậy. Còn nhớ những năm 2015 khi SKT vẫn còn thống trị, ai ai cũng biết đến cái tên Faker - người chơi đường giữa vĩ đại nhất Liên Minh Huyền Thoại, nhưng ít ai biết rằng, thời điểm đó, SKT vẫn còn một người chơi khác trấn thủ đường giữa góp phần không nhỏ vào thành tích của cả tập thể mang tên Easyhoon.

Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp - Ảnh 3.

Easyhoon luôn đứng sau cái bóng của Faker.

Mặc dù luôn cố gắng hết mình thay thế Faker mỗi khi quỷ vương xuống phong độ, Easyhoon chưa bao giờ thoát khỏi cái bóng quá lớn ấy mà luôn lặng mình trong vai trò dự bị.

Chung Kết Thế Giới 2015, trong cặp trận bán kết trước Origen, Easyhoon được trao cho cơ hội vào sân ở 2 ván đầu. Anh đã vô cùng phấn khích và thể hiện tất cả những gì mình có, đem lại 2 chiến thắng vô cùng thuyết phục cho SKT.

Vậy mà đến ván 3, ván đấu quyết định, anh bị bạn huấn luyện thay ra với lý do "để Faker lấy cảm giác", mặc cho những cố gắng vượt bậc 2 ván đầu. Sự việc trở nên căng thẳng đến mức trong bộ trang phục vô địch 2015 ban đầu không hề có trang phục dành cho Easyhoon với lý do anh chỉ là dự bị. Mãi cho đến khi người hâm mộ quyết tâm đòi lại công bằng cho anh, Riot mới chịu bắt tay làm ra bộ trang phục SKT Azir 2015.

Không nói đâu xa, gần đây nhất, tuyển thủ Yoshino vô định VCS trong màu áo GAM eSports và có được vinh dự tham gia Chung Kết Thế Giới 2019. Việc có mặt trên sân khấu lớn Liên Minh Huyền Thoại nhất thế giới là điều trong mơ của hàng trăm còn người theo đuổi bộ môn thể thao điện tử.

Chàng trai trẻ cứ ngỡ đây là cơ hội trong mơ để thể hiện bản thân, cọ xát với các tên tuổi lớn trên sàn đấu thế giới, nào đâu lại phải ngồi dự bị cho "ma vương" Zeros" trong tất cả trận đấu của GAM. Thậm chí, trong ván đấu cuối cùng khi GAM eSports đã không còn cơ hội đi tiếp, Yoshino vẫn không được ban huấn luyện đưa vào thi đấu.

Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp - Ảnh 5.

Tài năng trẻ của GAM mất cơ hội thể hiện ở Chung Kết Thế Giới do chịu kiếp dự bị.

Đó chỉ là 2 trong số hàng nghìn con người đang ngày đêm chịu số phận dự bị trong eSports. Có thể nói "kiếp dự bị" luôn nổi ám ảnh của những vận động viên đang ngày đêm luyện tập để tìm đến vinh quang.

Để eSports ngày càng phát triển vững mạnh và tài năng của những tuyển thủ không bị lãng phí, ban huấn luyện nên tìm cách để những thành viên dự bị có cơ hội phát triển chứ không nên quá chú tâm chạy theo thành tích.

Phía sau ánh đèn sân khấu, kiếp dự bị là nỗi ám ảnh của không ít game thủ chuyên nghiệp - Ảnh 6.