Sự kiện hàng loạt phi công của hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã và đang nộp đơn xin nghỉ việc gây xôn xao dư luận. Nhóm phi công cho rằng ngoài việc bị áp bức, bóc lột thì vướng mắc lớn nhất là khoản bồi hoàn với hãng để có thể chuyển sang làm việc ở hãng hàng không khác.
Theo đó, có người đã làm việc trên 10 năm nhưng khi nộp đơn xin nghỉ việc vẫn phải bồi hoàn khoản phí lên đến vài trăm triệu đồng.
Ví dụ như trường hợp của phi công N.H.L đã làm việc cho VNA được 15 năm. Theo các quy định được VNA viện dẫn, sau 15 năm làm việc, phi công này phải bồi hoàn các loại chi phí sau: Chi phí đào tạo phi công cơ bản (hơn 528 triệu đồng); chi phí đào tạo chuyển loại lái phụ A320 (92,5 triệu đồng); chi phí đào tạo chuyển loại nâng cấp lái chính A320 (đã khấu hao hết); chi phí đào tạo nâng cấp giáo viên A320 (đã khấu hao hết).
Tổng chi phí đào tạo mà phi công N.H.L còn phải trả cho VNA trước khi nghỉ việc là hơn 621 triệu đồng.
Hay trường hợp phi công V.T.D có quãng thời gian làm việc chỉ bằng phân nửa so với anh L. và bị yêu cầu bồi hoàn khoản phí hơn 1,9 tỷ đồng nếu nghỉ việc.
Các phi công Vietnam Airlines phản ánh bị đối xử bất công và bóc lột lao động trong thời gian dài. Ảnh: Tiến Đạt
Theo báo cáo của VNA gửi Cục Hàng không Việt Nam vào đầu tháng 5, có 2 phi công đã chấm dứt hợp đồng, 7 người mới nộp đơn và 19 trường hợp đang giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động. Con số này tiếp tục tăng do nhiều năm qua VNA không giải quyết dứt điểm những bức xúc của phi công.
Đại diện tập thể phi công muốn nghỉ việc cho rằng Thông tư 41/2015/TT-BGTVT và Thông tư 21/2017/TT-BGTVT hiện đang là “rào cản” khi phi công muốn nghỉ việc, chuyển sang hãng khác.
Cụ thể, Thông tư 42 yêu cầu phi công muốn nghỉ việc phải báo trước 120 ngày và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có). Trong khi Luật lao động quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày.
Nội dung kiến nghị trên cũng đã được phi công VNA gửi đến Văn phòng Chính phủ. Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn đến Bộ GTVT xem xét, giải quyết theo quy định.
Chiều 2/6, tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, ông Nguyễn Nhật – Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng: Điều 37 Luật Lao động quy định, người lao động hợp đồng không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước với người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày. Như vậy, Luật lao động chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu, chứ không quy định mức độ tối đa số ngày.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng: "Phi công xin nghỉ việc phải báo trước 180 ngày là đúng"
Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nêu Điều 70 của Luật Hàng không dân dụng năm 2006 đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định chế độ lao động đặc thù với các nhân viên hàng không. Căn cứ vào đó, Bộ trưởng xây dựng Thông tư 41/2015, nay được thay thế bằng Thông tư 21/2017.
“Vì hành lang pháp lý cho việc quản lý, sử dụng các nhân viên phục vụ như tôi nói, là bậc cao và tạo điều kiện sử dụng nguồn nhân lực, để không biến động lớn trong các công ty phụ trách lĩnh vực hàng không”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Ngày 6/5, thông tin đến Báo Gia đình & Xã hội, nhóm phi công đang làm việc tại Vietnam Airlines phản bác ý kiến của ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, đồng thời khiếu nại lên Chính phủ xem xét.
Cụ thể, các phi công dẫn giải ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Nhật “về Điều 37 của Luật Lao động quy định người lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 45 ngày. Điều này chỉ quy định mức độ giới hạn tối thiểu chứ không quy định mức độ tối đa”.
Trong khi đại diện VNA công bố lương cơ trưởng được 270 triệu đồng thì thực tế chỉ khoảng 120 triệu đồng.
“Ông Nhật đã hoàn toàn hiểu sai và dẫn sai điều trong Luật Lao Động. Điều 37 là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động nghĩa là Quyền của người lao động chứ không phải là quyền của người sử dụng lao động muốn áp bao nhiêu thì áp.
Với chủ thể là chúng tôi – người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với VNA với thời hạn báo trước ít nhất 45 ngày, chúng tôi có quyền báo trước bao lâu tùy ý chúng tôi, kể cả 1 hay 10 năm nhưng ít nhất là 45 ngày. Cách lý giải của ông Nguyễn Nhật là không đúng và bác bỏ quyền lợi của chúng tôi thiếu cơ sở pháp lý”, một phi công đang làm việc tại đoàn bay 919 cho biết.
Tiếp đó “theo Khoản 2 Điều 3 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã ghi rõ: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của Luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng không dân dụng thì áp dụng quy định của Luật này”.
Về khoản này, nhóm phi công VNA cho rằng họ không đồng ý với ông Nguyễn Nhật bởi: Thông tư số 21/2017-TT-BGTVT không phải là Luật, do đó không tương đương với Luật Lao động để áp dụng điều khoản phía trên.
Quá bức xúc, nhóm phi công đang làm việc tại VNA đã làm đơn cầu cứu, xem xét các văn bản trái luật gửi lên Chính phủ.
Trong đơn khiếu nại do 16 phi công của VNA ký tên, họ nêu rõ việc Thông tư 21 đưa điều khoản phi công phải thanh lý hợp đồng với VNA mới được chuyển sang hãng khác làm là vi phạm điều 35 Hiến Pháp và đang bác bỏ quyền công dân của họ.
“Ngoài ra, VNA tự cho mình những điều khoản vô lý về việc “thanh lý hợp đồng” dẫn đến việc chúng tôi không thể có việc làm mới thì “quyền khiếu kiện dân sự”. Bởi nếu chúng tôi khiếu kiện việc VNA về việc ép buộc thanh toán chi phí đào tạo một cách vô lý, không hoá đơn chứng từ hợp lệ theo Điều 62 Khoản 3 BLLĐ đồng nghĩa trong thời gian khiếu kiện chúng tôi không thể có việc làm”, Cơ trưởng thuộc Đội bay 787 nói thêm.
Những ngày vừa qua, thêm nhiều phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc, báo ốm do bị áp lực về công việc đồng thời bức xúc do những khiếu kiện về quyền lợi chính đáng không được giải quyết.
Theo họ, vì “tiếc” khoản tiền “400 tỷ/năm”, VNA đã không thực hiện các biện pháp bảo đảm “Quản lý mệt mỏi” cho thành viên tổ bay được quy định trong thông tư số 03/2016/TT-BGTVT ngày 31/03/2016 và Hiệu Lực Từ Ngày 15/05/2016. Tình trạng này dẫn đến mất an toàn đối với tính mạng của người dân và chính họ.