Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương quyết định phẫu thuật cắt bỏ khối u nặng hơn 1kg khỏi cơ thể T.L (ở Quảng Ninh) khi bé mới 10 ngày tuổi.
Bố bé T.L chia sẻ, khi nghe tin vợ anh mang song thai, cả gia đình rất đỗi vui mừng, nhưng niềm vui không được trọn vẹn khi ở tuần thai thứ 14, các bác sĩ phát hiện 1 trong 2 thai nhi có khối to dạng nang ở vùng ngực, nách và chi bên trái.
Ngày 9/11, bé T.L chào đời ở tuần thai thứ 36, nặng 3,2kg tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương lúc 3 ngày tuổi.
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hà, Giám đốc Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ nhập viện trong tình trạng tự thở, có khối u khổng lồ chiếm toàn bộ nửa người bên trái gây biến dạng hoàn toàn vùng ngực, nách và cánh tay trái. Các bác sĩ tại Trung tâm Sơ sinh đã hội chẩn cùng khoa Sọ mặt và Tạo hình, cho trẻ làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang lồng ngực, chụp MRI vùng ngực, nách và cánh tay trái để đánh giá tình trạng của trẻ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, Trưởng khoa Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám, đánh giá mức độ thương tổn trên lâm sàng và trên phim chụp MRI, trẻ được chẩn đoán có khối u bạch huyết khổng lồ nửa người trái kích thước 20x20cm, u xâm lấn vào vùng cổ, nách, ngực bụng, cánh tay trái. Nếu không loại bỏ sớm nguy cơ u phát triển nhanh gây chèn ép, loét da, nhiễm trùng, biến dạng nửa người trái, ảnh hưởng đến chức năng vận động của trẻ.
Với mục tiêu phẫu thuật loại bỏ sớm khối u, đồng thời đảm bảo chức năng, phục hồi được cấu trúc giải phẫu thẩm mỹ cho bệnh nhi, các bác sĩ khoa Sọ mặt và Tạo hình, Trung tâm Sơ sinh, khoa Chẩn đoán hình ảnh và khoa Gây mê hồi sức Tim mạch - Trung tâm Tim mạch đã hội chẩn và thống nhất kế hoạch điều trị cho trẻ.
Sau 7 ngày được các y, bác sĩ tại Trung tâm Sơ sinh tận tình chăm sóc, 10 ngày tuổi, bé T.L bước vào cuộc đại phẫu loại bỏ khối u khổng lồ khỏi cơ thể mình.
Bác sĩ Đặng Hoàng Thơm - Trưởng ê-kíp phẫu thuật, người trực tiếp thực hiện ca đại phẫu cho biết: đây là một ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác rất cao, cần có kế hoạch và chiến lược phẫu thuật tạo hình phù hợp.
Khối u bạch huyết của bệnh nhi có kích thước lớn, tại nhiều vùng cơ quan khác nhau. U xâm lấn vào các khối cơ vùng ngực, cổ bên, nách,… bao quanh các bó mạch và thần kinh. Khi phẫu thuật nếu làm thương tổn vào mạch máu, thần kinh, cơ,… sẽ để lại nhiều di chứng cho trẻ như liệt cánh tay, thiếu máu hoại tử, thậm chí phải cắt bỏ tay. Đây là thách thức lớn với cả ê-kíp trong quá trình phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhi là trẻ sơ sinh mới 10 ngày tuổi nên quá trình gây mê và hồi sức trong phòng mổ cũng đặc biệt phức tạp.
Bên cạnh đó, việc tạo hình che phủ, xử lý vạt da mỏng để bảo tồn sau cắt khối u và chuyển đổi vị trí quầng núm vú bị thay đổi so với giải phẫu bình thường cũng là vấn đề quan trọng, nếu không thực hiện tốt thì các kết quả trước đó không thể được đảm bảo.
"Ê-kíp phẫu thuật đã xây dựng kế hoạch tỉ mỉ, đánh giá mạng mạch chi phối cấp máu cho da, lựa chọn đường rạch da, thiết kế các vạt da và chuyển vạt da cơ nhằm đảm bảo việc cấp máu cho da, tránh tình trạng da bị hoại tử do thiểu dưỡng, đảm bảo hồi lưu tốt, không ảnh hưởng chức năng vận động vùng nách, vai của trẻ.
Đặc biệt, đây là một bé gái, trước phẫu thuật, núm vú bên trái của bé bị đẩy xuống dưới và bên ngoài ở vùng bụng cách vị trí giải phẫu 17cm. Khi phẫu thuật, các bác sĩ phải bảo tồn được phức hợp quầng và đưa về vị trí giải phẫu sinh lý bình thường để đảm bảo tính thẩm mỹ về mặt hình thể cũng như chức năng ngực, vú của bé trong tương lai. Đây là một công đoạn khó, đòi hỏi độ chính xác và kỹ năng phẫu thuật cao", bác sĩ Thơm chia sẻ.
Rất may mắn, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kế hoạch điều trị trước và sau phẫu thuật cũng như gây mê hồi sức của cả ê-kíp, quá trình phẫu thuật của bệnh nhi đã diễn ra thuận lợi, khối u nang nặng gần bằng một nửa trọng lượng của trẻ đã được bóc tách khỏi cơ thể. Các nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh được kiểm soát, phức hợp quầng núm vú được đưa trở về vị trí giải phẫu sinh lý. Sau phẫu thuật, trẻ quay lại Trung tâm Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt và chuyển sang khoa Sọ mặt và Tạo hình khi ổn định.
10 ngày sau phẫu thuật, vết thương của trẻ đã dần hồi phục, trẻ ăn ngủ tốt, chức năng vai và cánh tay trái vận động bình thường, phức hợp quầng núm vú sống tốt, hình thể bé cân đối, đảm bảo chức năng và thẩm mỹ. Trong thời gian tới, trẻ sẽ được tiến hành tiêm xơ để làm giảm nguy cơ và tỷ lệ tái phát của khối u bạch huyết.
Theo bác sĩ Đặng Hoàng Thơm, u bạch huyết là bất thường của hệ thống bạch huyết, 90% xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và hay gặp ở vùng đầu, cổ. U bạch huyết có thể xuất hiện ngay sau sinh (bẩm sinh) hoặc mắc phải (sau chấn thương…).
Trường hợp của bé T.L thuộc dạng u bạch huyết bẩm sinh, được phát hiện từ thời kỳ bào thai qua siêu âm. Kích thước của khối u to và phát triển nhanh, nếu không được loại bỏ sớm sẽ có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra như làm biến dạng khớp vai, cánh tay, gây tổn thương khớp; chảy máu trong nang, gây bội nhiễm; da giãn quá mức gây hoại tử da; chèn ép đường thở gây suy hô hấp và có thể khiến trẻ tử vong.
"Các u bạch huyết xuất hiện trước sinh có thể được phát hiện qua siêu âm trong thai kỳ. Do đó các thai phụ cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ và tư vấn bởi các trung tâm chẩn đoán trước sinh uy tín, giúp các bệnh nhi được tiếp cận, theo dõi và điều trị sớm ngay sau khi chào đời, tránh các nguy cơ, biến chứng và di chứng ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của trẻ", bác sĩ Thơm khuyến cáo.